221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
596910
Những mốc chính của cuộc chiến Iraq 2 năm qua
1
Article
null
Những mốc chính của cuộc chiến Iraq 2 năm qua
,

Hôm nay (19/3), tròn hai năm kể từ khi cuộc chiến tranh Iraq bắt đầu. Hai năm với vô số biến động và ngập tràn sự kiện. Xin điểm lại vài nét chính của cuộc chiến này trong thời gian qua.

Tượng Saddam bị lính Mỹ giật đổ - tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ này.

Đêm 19 rạng ngày 20/3/2003: Hơn 40 tên lửa hành trình Tomahawk và hàng tấn bom được 2 chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng F-117A Nighthawk bắn dồn dập vào các dinh thự của Saddam Hussein ở Baghdad. Cuộc chiến bắt đầu.

9/4/2003: Không một phát súng lệnh, không báo trước cho báo chí, xe tăng Mỹ tràn vào trung tâm Baghdad, tuyên bố giải phóng hoàn toàn thành phố khỏi tay chính quyền Saddam.

11/4/2003: Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi phát động cuộc chiến, Tổng thống Mỹ Bush cho rằng Saddam đã hoàn toàn bị phế bỏ và chính quyền của ông đã sụp đổ hoàn toàn, bất chấp ông ta "đã chết hay còn sống".

1/5/2003: Từ hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, Tổng thống Bush phát đi thông điệp tuyên bố "các trận chiến chủ yếu ở Iraq đã đến hồi kết thúc".

12/5/2003: Quan chức lâu năm của Bộ Ngoại giao Mỹ Paul Bremer thay Tướng về hưu Jay Garner giữ chức Toàn quyền lâm thời Iraq.

13/7/2003: Một Hội đồng quốc gia với 25 thành viên từ các thành phần tôn giáo và đảng phái khác nhau được Mỹ chỉ định làm bộ máy lâm thời điều hành đất nước cùng Toàn quyền Mỹ.

22/7/2003: Qusai Hussein, con trai và là người chuẩn bị kế nhiệm Saddam, bị tiêu diệt cùng với anh trai Odai Hussein trong một cuộc tấn công của lính Mỹ.

7/8/2003: Bom nổ ngoài Đại sứ quán Jordan ở Baghdad giết chết 19 người.

19/8/2003: Một xe tải chứa bom lao vào trụ sở LHQ tại Baghdad làm chết 22 người, trong đó có đặc phái viên cao cấp Sergio Vieira de Mello. LHQ quyết định chấm dứt sứ mệnh của mình tại đây.

29/8/2003: Bom xe tấn công vào nhà thờ được cho là linh thiêng nhất ở Iraq giữa lúc mọi người đang cầu nguyện, giết chết giáo chủ cao cấp của người Shiite là ông Mohammed Baqir al-Hakim.

3/9/2003: Mỹ bắt đầu giao bớt nhiệm vụ quân sự ở Iraq cho đồng minh Ba Lan. Các thành viên chính phủ lâm thời tuyên thệ nhậm chức.

27/10/2003: 4 vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào trụ sở Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế và 4 đồn cảnh sát ở Iraq làm hơn 40 người chết.

15/11/2003: Paul Bremer và Hội đồng tiếp quản Iraq đồng ý kế hoạch chuyển giao quyền điều hành đất nước cho chính phủ lâm thời Iraq vào ngày 1/7/2004.

13/12/2003: Lính Mỹ bắt được Saddam Hussein từ trong một căn hầm ở Adwar, cách quê nhà Tikrit của ông khoảng 16km.

28/1/2004: Thất bại trong việc tìm kiếm vũ khí huỷ diệt ở Iraq, chính quyền Thủ tướng Anh Tony Blair chịu sức ép lớn. Hậu quả, thanh tra vũ khí David Kelly phải tự sát.

8/3/2004: Hội đồng tiếp quản Iraq phê chuẩn Hiến pháp lâm thời cho đất nước.

17/6/2004: Uỷ ban điều tra 11/9 công bố không có chứng cứ cho thấy có sự liên quan giữa al-Qaeda với chính quyền Saddam Hussein như bộ máy lãnh đạo của Tổng thống Bush đã dùng để phát động cuộc chiến.

28/6/2004: Mỹ chuyển giao quyền lực cho chính phủ lâm thời Iraq, sớm hơn 2 ngày so với dự định. Mỹ vẫn tiếp tục ở lại Iraq với vai trò đảm bảo an ninh chờ bầu cử.

9/11/2004: Mỹ tấn công dữ dội vào Fallujah - nơi được coi là hang ổ quân nổi dậy Iraq.

30/1/2005: Iraq tổ chức cuộc bầu cử lịch sử trong hơn 50 năm qua. Cuộc bầu cử được ca ngợi là thành công và dân chủ, với 60% cử tri tham gia đi bỏ phiếu, theo như công bố của Uỷ ban bầu cử. Không có chuyên gia quốc tế nào giám sát quá trình bỏ phiếu vì lo sợ bị khủng bố.

17/2/2005: Uỷ ban bầu cử Iraq xác nhận kết quả kiểm phiếu, công bố thắng lợi lớn cho người Shiite thuộc Liên minh Iraq thống nhất với 140 ghế trong quốc hội mới. Quốc hội này tồn tại trong 10 tháng với nhiệm vụ chính là soạn thảo Hiến pháp mới.

16/3/2005: Quốc hội Iraq lần đầu tiên ra mắt trong cuộc họp được mong đợi từ lâu. Kết thúc cuộc họp, Tổng thống lâm thời Ghazi al-Yawer khuyến khích các thành viên quốc hội đoàn kết hơn vì "Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thắng lợi hoặc hoàn toàn thất bại".

16/3 đến nay: Quá trình đàm phán thành lập chính phủ mới vẫn diễn ra căng thẳng và chưa ngã ngũ, với khá nhiều bất đồng giữa cộng đồng người Shiite và người Kurd.

(NHQ - Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,