Mối quan hệ Trung - Nhật đã có lịch sử hơn 2.000 năm, trải qua bao thăng trầm và biến cố. Nói là thăng trầm vì quan hệ hai nước thường được ghi dấu bằng từng giai đoạn mạnh yếu của nhau: khi thì Trung yếu Nhật mạnh, khi thì ngược lại.
Nhưng trong thời điểm hiện nay, mối quan hệ này có vẻ đang là quan hệ cân bằng, giữa những kẻ mạnh với nhau. Và đó chính là vấn đề cốt lõi nhất chi phối quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới.
Hai hổ đối đầu?
Quan hệ giữa hai kẻ mạnh với nhau thường diễn ra theo 3 chiều hướng chính: thứ nhất, cả hai áp dụng chính sách cứng rắn với nhau, đối đầu nhau trên mọi phương diện; thứ hai, cả hai kiên trì hợp tác để cùng phát triển và tận dụng lợi thế vươn tới những mục tiêu cao xa hơn; thứ ba, một bên tương đối kiên trì với đường lối ôn hoà trong khi bên kia muốn chứng tỏ sức mạnh của mình với thế giới, để trước hết là được đối phương ghi nhận.
Trong những năm vừa qua, chiều hướng thứ 3 có xu hướng chiếm ưu thế. Trung Quốc tập trung cao vào phát triển kinh tế, không quên gia tăng sức mạnh quân sự và tranh thủ ghi điểm trên chính trường quốc tế thông qua những cung cách nhẹ nhàng. Trong khi đó, Nhật Bản đã nhiều lần tỏ ra cứng rắn với các nước láng giềng, thể hiện qua việc liên tiếp tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo vẫn còn trong tình trạng tranh chấp với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.
Tất nhiên, đó là chính sách đối ngoại, và đã là chính sách đối ngoại thì rất hiếm khi biến những ai liên quan thành kẻ thù. Nhật Bản có thể làm tất cả để chứng tỏ mình mạnh toàn diện, kể cả tham vọng vào Hội đồng Bảo an LHQ. Song Trung Quốc không phải là một nước yếu để có thể bị ai vượt mặt trên vũ đài chính trị thế giới. Mỗi đòn ngoại giao của Nhật sẽ nhận lại một đòn tương ứng của Trung Quốc. Và nếu cứ đà đó, hai nước rất có thể sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn "không tái diễn chiến tranh" hoặc "phải lặp lại chiến tranh để phân định được thua".
Các diễn biến mới nhất đang khiến nhiều người lo ngại về khả năng thứ hai, cho dù nó diễn ra dưới hình thức nào. Nhiều người tin rằng đối đầu Trung - Nhật là khó tránh khỏi và vấn đề cần quan tâm nhất là mức độ của nó sẽ như thế nào.
Khả năng đối đầu là có, song không phải là xu thế chính hiện nay cũng như một thời gian dài phía trước. Theo các nhà lý luận hàng đầu về Đông Á, có nhiều lý do để có thể lạc quan về điều đó.
Không thể!
Là một nước nghèo nàn tài nguyên, một nước Nhật công nghiệp cao luôn cần và dựa gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên từ nước ngoài nhập về. Theo chiều ngược lại, nền kinh tế của Nhật lại cũng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xuất khẩu ra các thị trường ngoài nước. Khi đó, không thể quên Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất thế giới. Như vậy, lợi ích quốc gia của Nhật luôn phải dựa quá nhiều vào các nước bên ngoài. Và Nhật thừa hiểu Trung Quốc, với những yếu tố có tính quyết định tới nền kinh tế Nhật Bản, có thể làm những chuyện có thể ảnh hưởng trầm trọng tới họ.
Có thể nhìn thấy một số lợi ích căn bản mà hai bên sẽ mất hay được khi quyết định hợp tác hay đối đầu với nhau trong thời điểm này và thời gian tới:
I. Trung Quốc và Nhật có thể sẽ cạnh tranh nhau trong cuộc đua tranh giành các nguồn tài nguyên ngoài nước, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Giải pháp tốt nhất là cả hai sẽ cùng chia sẻ nguồn tài nguyên có thể nhập về.
II. Trung Quốc và Nhật sẽ tập trung cạnh tranh nhau khai thác các nguồn tài nguyên trên vùng biển nằm giữa hai nước trước và đi cùng với điều đó là giành phần thắng trong việc khẳng định chủ quyền từng hòn đảo và vùng biển cho riêng mình. Nguồn tài nguyên tại đây nhièu nhưng không đủ cho cả hai, trong khi ở những nơi khác, một cường quốc nào đó sẽ nhanh chân hơn hai nước.
III. Nhật sẽ gây sức ép cản trở Trung Quốc trong vấn đề thống nhất Đài Loan, qua đó ngăn không cho Trung Quốc khả năng gây khó dễ cho các tàu thuyền xuất nhập khẩu của Nhật qua eo biển trên, đồng thời buộc Trung Quốc phải mặc cả với họ. Mỗi bên sẽ phải hy sinh bớt một số quyền lợi nhất định, hay nói cách khác, cả hai sẽ thiệt.
IV. Hai nước sẽ gạt qua một bên hoặc bảo lưu các vấn đề tranh cãi để cùng tập trung vào phát triển quan hệ thương mại với nhau, qua đó cùng củng cố thêm sức mạnh kinh tế để cùng mạnh lên trên đấu trường quốc tế. Ai cũng hiểu, tiềm năng tài chính và công nghệ của Nhật kết hợp với nguồn nhânlực và thị trưởng khổng lồ của Trung Quốc thì sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp đến đâu cho mỗi bên.
Như vậy để thấy lợi ích quốc gia của Nhật và Trung Quốc đa phần là không đối nghịch nhau. Mọi phân tích đều cho thấy, hợp tác cùng phát triển sẽ mang cả hai đến tầm cao và sức mạnh nhiều hơn là trục lợi từ thế yếu của bên kia. Nếu đối đầu, cả hai chắc chắn sẽ hao tổn quá nhiều những thế mạnh trong nước và mất đi thế và lực mà mỗi bên đang có trên trường quốc tế.
Chọn căng thẳng "dễ chịu" nhất!
Cho nên, những căng thẳng trong quan hệ hai nước trong thời gian gần đây mà mới nhất là sự kiện Nhật xuất bản sách giáo khoa chỉ là cách dễ dàng nhất mà mỗi bên cảm thấy có thể thực hiện để chứng tỏ thế mạnh của mình mà không ảnh hưởng nhiều tới hoà bình khu vực.
Thủ tướng Nhật trước đó cũng đã trực tiếp tạo ra căng thẳng trong quan hệ với một số nước trong khu vực, đặc biệt là tiến hành thăm viếng ngôi đền Thần đạo Yasukuni. Cả hai việc làm của ông Kozumi có thể thấy là thống nhất với nhau, phục vụ đắc lực cho đối nội. Nó tạo ra dư luận và phản ứng quốc tế gay gắt trước những dấu hiệu cho thấy lãnh đạo một nước Nhật hiện tại tiếp tục thừa nhận hình ảnh tiêu cực của một nước Nhật quân phiệt trong chiến tranh. Song nó chưa đủ để khiến nhà cầm quyền hai nước phải đưa ra những chính sách quyết liệt với Nhật.
Sỡ dĩ như vậy là do vào thời điểm này, không ai trong số họ là kẻ yếu thế, xét về uy thế chính trị và tiềm lực kinh tế mà thế giới đã ghi nhận. Và đó chính là vấn đề. Có vẻ như giờ đây, cả hai đều đang muốn chứng minh rằng, về lịch sử, họ cũng chẳng chịu thua ai!
Với tiềm lực kinh tế và chính trị, họ muốn có sự trọng vọng từ thế giới bên ngoài. Còn nếu chứng minh được sức mạnh lịch sử, mà quan trọng là giai đoạn lịch sử hiện đại này, chính quyền mỗi nước sẽ chứng tỏ được cho dân mình rằng họ mạnh toàn diện, xứng đáng với sứ mệnh được giao phó.
(NHQ - Theo THX, PeopleDaily)