Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hàng dệt may giá rẻ của Trung Quốc nếu cuộc điều tra của họ cho thấy thị trường nội khối bị lũng đoạn bởi loại hàng này của đối tác khổng lồ từ châu Á.
Theo Chủ tịch Hiệp hội thương mại EU - Trung Quốc Peter Mandelson hôm qua (24/4), cuộc điều tra sẽ được thực hiện với 9 chủng loại loại hàng dệt may (cat), trong đó có cả những cat chiến lược như T-shirt, áo chui cổ hay áo khoác nữ.
Ông Mandelson cho rằng đây không phải là động thái nhằm kích động một cuộc chiến thương mại giữa EU với đối tác Trung Quốc mà chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần thiết của công tác thống kê trong 4 tháng đầu năm 2005.
"Có nhiều lý do cần xem xét lại trước khi tiếp tục các hoạt động khác", ông nói, "Nếu cần thiết và có gì biến động, tôi sẽ cho áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thông qua hạn ngạch".
Cũng theo ông Mandelson, sau cuộc điều tra và nếu thực sự có kết quả cho thấy hàng dệt may Trung Quốc có ảnh hưởng trầm trọng tới ngành công nghiệp dệt may trong nội bộ các nước EU, một bản báo cáo chính thức sẽ được trình lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trừ khi Trung Quốc chủ động đề xuất các biện pháp tự hạn chế hàng xuất.
"Nhưng tôi không có ý định phát động và duy trì các biện pháp bảo hộ thường xuyên và lâu dài", ông nói thêm.
Nguyên nhân: nhập khẩu tăng vọt
Mandelson cho rằng đã xuất hiện nhiều biểu hiện báo động đối với hầu hết các cat nhập khẩu, trong đó quan trọng nhất là quần lót nam, áo kiểu nữ, tất hay các hàng thời trang nữ khác. Đây là những mặt hàng được coi là chiến lược đối với các nhà sản xuất các nước EU nhưng đồng thời lại là những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng xuất của Trung Quốc.
Cụ thể, chỉ riêng cat T-shirt nhập từ Trung Quốc tăng tới 164% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng nhập đó đã làm giá mặt hàng này trong nước giảm giá tới 26%, gây thiệt hại lớn và lo lắng cho các nhà sản xuất trong nước.
Uỷ ban châu Âu cho rằng tỷ trọng xuất khẩu nói chung của Trung Quốc sang EU tăng vọt từ 51% lên 534% tính từ đầu năm, và do các mặt hàng chiến lược chiếm tỷ trọng lớn tới mức có thể ảnh hưởng xấu tới dệt may nội khối, họ quyết định phải tiến hành điều tra sâu rộng và có thể đề xuất các biện pháp bảo hộ phù hợp.
Tuy nhiên, không phải tất cả trong số 25 nước EU đều thống nhất quan điểm trên. Ngoài Bồ Đào Nha, Pháp và Italia mạnh mẽ yêu cầu EU hạn chế hàng dệt may Trung Quốc, các nước khác lo rằng biện pháp bảo hộ như vậy sẽ ảnh hưởng chính lên các nhà bán lẻ trong nước họ.
Phản ứng của Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã lên tiếng bảo vệ ngành dệt may xuất khẩu của nước mình. Ông cho rằng việc tăng tỷ trọng xuất khẩu hầng dệt may là do các thay đổi về luật lệ thương mại thế giới mang lại, bất chấp Trung Quốc đã tự có các biện pháp đúng mực và cần thiết để kiềm chế việc bùng nổ xuất khẩu.
Sở dĩ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc phải đích thân lên tiếng là vì mới đây, Mỹ - bạn hàng nhập khẩu dệt may lớn nhất của Trung Quốc - cũng đã lên tiếng rằng "sẽ xem xét các biện pháp hạn chế cần thiết" đối với hàng dệt may Trung Quốc sau khi chứng kiến luồng hàng khổng lồ ào ạt tuồn về từ Bắc Kinh.
Ông Ôn Giao Bảo cũng nhấn mạnh, kể cả khi hạn ngạch được dỡ bỏ, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tự nguyện áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhất định. Trong trường hợp các biện pháp hạn chế được áp dụng sau quá trình điều tra, họ sẽ chỉ tuân thủ những gì được quy định trong các điều luật của WTO.
Một điều khoản trong thoả thuận Trung Quốc ký với WTO để được gia nhập tổ chức này năm 2001, các thành viên WTO có quyền áp dụng các biện pháp tự vệ nếu thấy xuất hiện sự gia tăng nhanh chóng và bất ngờ đối với hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc.
(NHQ - Theo AP, Reuters)