Nhóm đánh giá khủng hoảng quốc tế (ICG) cảnh báo những chính sách của Thái Lan không những không dẹp được lực lượng ly khai mà còn khiến nó mở rộng hơn.
Một số hình ảnh thương vong trong vụ bạo lực tại nam Thái Lan |
Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Brussels này còn cảnh báo, các nhóm du kích Hồi giáo, gồm cả Jemaah Islamiah đang có vai trò ngày càng lớn tại khu vực. Tác giả báo cáo trên là Francesca Law-Davies cho biết, các cuộc giao tranh với cảnh sát và tấn công đường phố hầu như xảy ra mỗi ngày.
'Tôi không nhớ nổi ngày cuối cùng không có các vụ đánh bom hay bắn giết là lúc nào nữa. Các vụ nổ thường có nguồn gốc từ các thiết bị tự tạo. Nó được đặt ở đường ray tàu hoả hoặc gài tại vệ đường'', bà Francesca cho biết. ''Quân du kích thường nhằm vào cảnh sát hoặc binh sĩ nhưng hiện nay các mục tiêu bị tấn công còn bao gồm cả giáo viên và dân thường, cả phật tử và người theo đạo Hồi - trong đó, có một số người bị cho là chỉ điểm''.
Nhóm đánh giá khủng hoảng quốc tế đã chỉ trích cách chính phủ Thái Lan giải quyết những vấn đề liên quan tới lực lượng ly khai. Tiêu biểu là vụ trấn áp người Hồi giáo biểu tình hôm 28/4 tại tỉnh Narathiwat khiến 78 người thiệt mạng.
Theo bà Francesca, cách giải quyết như trên vẫn được áp dụng tới tận bây giờ. ''Vấn đề lớn nhất là dùng vũ lực vào mọi lúc. Một số lượng lớn binh sĩ luôn có mặt tại các tỉnh phía nam song bạo lực vẫn leo thang, điều này chứng tỏ các chính sách của chính phủ dường như làm mọi việc càng trầm trọng thêm''.
Chuyên gia của ICG cho hay, mức độ tín nhiệm của công chúng đối với chính quyền địa hương đã rơi xuống mức thấp nhất. Người dân sợ cảnh sát hơn cả những tên khủng bố. Điều này lý giải việc quân ly khai rất dễ dàng tuyển dụng thêm người mới.
Hiện, lo ngại chính của chính phủ Thái Lan và các cơ quan cứu trợ tại khu vực lo ngại rằng xung đột tại khu vực phía nam sẽ lôi kéo những chiến binh Hồi giáo từ bên ngoài đổ về đây.
(Hoài Linh - Theo AP, AFP)