Iran và Liên minh châu Âu ngày 25/5 vừa qua đã đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran. Phía Iran gợi ý nên thảo luận đề xuất của Nga để giải quyết thế bế tắc hiện nay.
Tehran tin rằng cuộc hội đàm tại Geneva ngày 25/5 sẽ cho thấy liệu các nhà thương thuyết có thể đạt thoả hiệp hay không. Ngoại trưởng Iran Kamal Harrazi coi cuộc hội đàm này là cơ hội cuối cùng.
Theo Tehran, đề xất do Nga đưa ra rút cục là sản xuất ra uranium hexafluoride trên lãnh thổ Iran. Chất này sau đó sẽ được đưa sang Nga và chuyển thành nhiên liệu hạt nhân phục vụ chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự của Iran.
Về mặt lý thuyết, các đối tác EU của Iran nên coi đó là một kịch bản dễ chấp nhận. EU sẽ lâm vào tình thế khó khăn khi đưa ra bất kì sự phản đối nào liên quan tới việc làm giàu uranium của Iran tại Nga. Đề xuất trên phù hợp với những xu hướng trong chính sách hạt nhân hiện nay trên thế giới. Bằng cách làm giàu uranium tại Nga, Iran sẽ hoàn toàn đảm bảo tính chất hoà bình của chương trình hạt nhân mà nước này đang theo đuổi.
Tuy nhiên, Washington lại nghĩ khác. Chính quyền Bush có khuynh hướng tin rằng kịch bản trên do Tehran gợi ý chứ không phải Moscow. Washington cảm nhận đây là một biểu hiện mới trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Nói cách khác, Washington đang thuyết phục Brussels rằng đề xuất này không thể chấp nhận được.
Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử liên bang Nga, khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho ngành công nghiệp nguyên tử Iran trên lãnh thổ Nga dựa trên nguồn cung cấp từ phía Iran có thể đã được đề xuất trong các cuộc tham vấn song phương ở cấp chuyên gia giữa hai nước. Người tiêu thụ nhiên liệu hạt nhân làm giàu kho nguyên liệu của họ ở khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng thế giới đều biết về khả năng chuyển đổi nguyên liệu thô thành nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Trước cuộc gặp ngày 25/5, các đại diện của Liên minh châu Âu có vẻ không muốn đưa ra bất kì lời dự báo nào, họ cho rằng các bên cần đợi kết quả của vòng hội đàm khẩn này. Tuy nhiên, họ hiểu rằng cuộc khủng hoảng không dễ vượt qua.
Trước hết, thế bế tắc trong hội đàm hiện này có thể do thái độ quá cứng rắn của Iran. Tehran muốn giữ quyền phát triển chương trình làm giàu uranium của riêng họ. Thứ hai, EU nhấn mạnh rằng Iran phải từ bỏ chương trình này hoàn toàn. Iran thì bảo vệ quyền của họ trên cơ sở Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. EU dưới sức ép của Mỹ lại tuyên bố Iran phải hoàn toàn từ bỏ các hoạt động làm giàu uranium. Riêng điều này sẽ xoá tan mọi nghi ngờ của thế giới về mục đích hoà bình trong chương trình hạt nhân của Tehran.
Trước cuộc hội đàm, Tehran tuyên bố quyết định cuối cùng của họ tiếp tục hoạt động làm giàu uranium tại nhà máy Isfahan. Nhóm 3 đại gia của EU chịu trách nhiệm đàm phán với Iran đã cảnh báo rằng đại diện của EU tại Hội đồng điều hành IAEA có thể ủng hộ đề xuất của Mỹ về việc đưa vấn đề hạt nhân Iran lên HĐBA LHQ, nơi có quyền áp đặt lệnh trừng phạt với Iran nếu hội đàm không đem lại kết quả.
Ba đại gia EU tin rằng việc HĐBA áp đặt lệnh trừng phạt có thể khiến Tehran vốn đã "bất trị" càng trở nên gai góc hơn. Song Iran đã nêu rõ họ chấp nhận mọi thách thức. "Tehran sẽ chấp nhận chịu đựng lệnh trừng phạt của HĐBA, song sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân", Phó Tổng thống Gholamreza Aghazadeh nói.
Hiện IAEA đã sẵn sàng nêu vấn đề hạt nhân Iran ra phiên họp của Hội đồng điều hành, dự kiến khai mạc ngày 13/6 tại Vienna. Các quan chức IAEA nhấn mạnh rằng Iran có thể nhận được một kết quả tích cực nếu không tái khởi động nhà máy Isfahan trước ngày 13/6. Khi đó, Mỹ và các nước đồng minh sẽ phải chờ tới phiên họp vào tháng 9 của Hội đồng.
Có vẻ như, Iran đã chuẩn bị tinh thần. "Iran đồng ý không tái khởi động nhà máy Isfahan trong vòng 2-3 tháng nữa nếu xét thấy thoả thuận của Iran và EU có thể đạt được", Hussein Mussavian, Chủ tịch Uỷ ban chính sách đối ngoại thuộc Hội đồng an ninh Quốc gia tối cao Iran nói. Tehran hiện tin rằng một giải pháp mang tính thoả hiệp nên dựa trên cơ sở đề xuất của Nga.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)