Trong các cuộc hội đàm gần đây giữa Nga và Nhật tại Tokyo, người ta cảm thấy có một khía cạnh mà cả hai bên dường như lảng tránh đề cập tới. Đó là vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên.
Ngoại trưởng Nga Lavrov họp báo tại Tokyo cùng người đồng nhiệm Nhật Bản. |
Quả vậy, khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp người đồng nhiệm Nhật Bản Nobutaka Machimura tại Tokyo, vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên chỉ được đề cập duy nhất một lần. Cụ thể, hai bên tái khẳng định lập trường đã quá rõ ràng của họ rằng: các cuộc hội đàm 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên nên được tiếp tục tại Bắc Kinh càng sớm càng tốt. Bên cạnh Nga và Nhật, các bên tham gia còn có 2 nước Triều Tiên, Mỹ và nước chủ nhà Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục từ chối tái khởi động đàm phán cho tới khi Mỹ - nhân vật chủ chốt trong các cuộc hội đàm chứng tỏ những dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng đạt được một giải pháp, ít nhất cũng tương tự như một sự thoả hiệp. Hiển nhiên rằng Bình Nhưỡng đã quá thất vọng, tới mức họ trực tiếp đề xuất tiến hành hội đàm song phương với Washington, song song với các cuộc hội đàm 6 bên. Trong khi tất cả các bên thương thuyết khác chỉ yêu cầu Bắc Kinh gây sức ép buộc CHDCND Triều Tiên quay lại bàn đàm phán, thì Bắc Kinh lại chuyển mũi dùi chỉ trích sang phía Mỹ, cho rằng Washington có cách tiếp cận vấn đề phi thực tế.
Xét vẻ bề ngoài, Nga và Nhật thực sự không tác động được nhiều. Nhưng cũng có vẻ kỳ cục khi hai nhân vật chính tham gia vào tiến trình đàm phán lại tránh đề cập về vấn đề này một cách trực tiếp. Trở ngại chính là ở chỗ Nhật có quan hệ không mấy mặn mà với một số bên đàm phán khiến Nhật không thể gây tác động đối với họ. Xích mích với cả hai miền Triều Tiên và Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ và không tìm được tiếng nói chung với Moscow trong vấn đề tương tự, Tokyo đã tự đẩy bản thân tới chỗ bị động và luôn phải cảnh giác trong các cuộc hội đàm 6 bên mặc dù một CHDCND Triều Tiên có vũ khí hạt nhân nguy hiểm với Nhật hơn là với Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Một trong những lý do giải thích cho thái độ này có thể thấy qua sự thay đổi trên chính trường và xã hội Nhật, gây tác động tai hại cho chính sách đối ngoại của Nhật. Lấy ví dụ, các quan chức trong Bộ ngoại giao Nhật phủ nhận rằng Bộ Ngoại giao đã đưa ra những tuyên bố lãnh thổ đối với hai nước Triều Tiên, mà chỉ nói đó là một sáng kiến trong nước. Nhà chức trách Nhật cũng lảng tránh những quan điểm cực đoan trong vấn đề tranh chấp giữa Moscow và Tokyo về Quần đảo Kuril. Tuy nhiên, những hành động cực đoan ấy lúc này cũng đẩy nỗ lực ngoại giao của Nhật tới đường cùng.
Tình hình xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên cũng tương tự. Các nguồn tin tại Tokyo cho hay công chúng Nhật thường xuyên ép nhà chức trách phải áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với CHDCND Triều Tiên. Đây là vấn đề rất quan trọng vì phần lớn nguồn tiền đổ vào Bình Nhưỡng hiện này xuất phát từ 300.000 người Triều Tiên đang sống tại Nhật. Do đó, chỉ cần phong toả các hoạt động giao thông bằng phà giữa hai nước cũng đủ làm CHDCND Triều Tiên khó thở.
Cũng có những nguồn tin từ Tokyo cho rằng việc chính sách đối ngoại của Nhật phụ thuộc vào Mỹ hơn 50 năm nay đã tạo ra ảnh hưởng lạ kỳ đó là Mỹ đang ngăn cản Nhật gây sức ép với Bình Nhưỡng. Cho tới nay, đây là điều "tốt nhất" mà Mỹ làm cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Tuy nhiên, "điều tốt nhất" này chỉ càng làm cho Nhật mất đi tính độc lập trong chính sách châu Á của mình.
Chính sách độc lập thực sự của Nhật sẽ ra sao chỉ có thể phỏng đoán. Có lẽ nó sẽ gây ra nhiều phiền toái cho các nước láng giềng. Song tính độc lập có giới hạn hiện nay lại đẩy nền ngoại giao Nhật vào thế bị tê liệt trước sự ngạc nhiên của các nước láng giềng.
Rõ ràng những vấn đề nội bộ này của Nhật đã ngăn cản các nhà ngoại giao Nga nêu vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên và vai trò tương lai của nước này trong nền kinh tế, chính trị khu vực tại cuộc đối thoại song phưưong. Đây là một điều đáng tiếc bởi lẽ Moscow sẵn sàng phát triển quan hệ đối tác với Tokyo trong nhiều lĩnh vực.
Trên thực tế, các cuộc hội đàm 6 bên có thể được coi là nguyên mẫu của một tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm an ninh tại Đông Á. "Tổ chức này" đã chứng tỏ rằng các cường quốc châu Á không thể tự đạt được một thoả thuận giữa họ với nhau, huống hồ gì là với Bình Nhưỡng. Tấm gương Nhật Bản cho thấy những cường quốc này sẽ chẳng thu được bất kì thứ gì nếu thiếu vắng sự hoà hợp.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)