Hôm nay (17/6), người dân Iran đi bầu cử chọn ra một vị tổng thống mới của nước mình trong một cuộc bầu cử sát nút.
Người dân Iran xếp hàng đi bỏ phiếu bầu tổng thống tại đền thờ Masoumeh thuộc thành phố Qum. |
Số phiếu bầu cho thấy cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, người từng giữ chức tổng thống từ năm 1989 đến năm 1997, có khả năng dẫn trước, vượt qua Mustafa Moin, một nhà cải cách, và Mohammed Baqer Qalibaf, một ứng viên khác thuộc phe bảo thủ và cũng là đồng minh với nhóm Shiite đầy quyền lực tại nước này.
Hiện bảy ứng viên đang đua tranh nhằm vượt qua Tổng thống Mohammed Khatami. Mặc dù đã từng giữ chức tổng thống từ năm 1997 đến 2001, ông Khatami thường thất bại trong việc thực hiện các phát kiến cải cách của mình do gặp phải sự chống đối từ phía những người kiên quyết ủng hộ giáo hội.
Tỉ lệ thất nghiệp cao và sự bất mãn của dân chúng, đặc biệt là trong giới trẻ và phụ nữ luôn là điểm mà các ứng viên, ngay cả những ứng viên bảo thủ nhất, dùng làm đòn bẩy cho chiến lược tranh cử của họ. Những ứng viên này hứa sẽ thiết lập chế độ dân chủ và cải cách nếu được lãnh đạo đất nước.
Hai ứng viên dẫn đầu Rafsanjani và Mostafa Moin đều nói rằng họ mong muốn cải thiện quan hệ của Iran với các quốc gia phía Tây.
Có khoảng 48 triệu người Iran có đủ tư cách tham gia bầu cử. Nếu không một ứng viên nào giành được sự ủng hộ từ số đông, hai ứng viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ tham gia vào vòng bầu cử cuối cùng.
Sau khi tiến hành thẩm tra tư cách bầu cử, Hội đồng giám sát bầu cử của Iran đã quyết định huỷ quyền bầu cử của hơn 1.000 người, trong đó có tất cả những phụ nữ đã đăng ký bầu cử trước đó.
Chưa phân thắng bại
Rafsanjani dường như đang giành được sự ủng hộ rất lớn từ người dân. Ông này đang ra sức thuyết phục người dân rằng ông sẽ tập trung hơn vào chính trị và sẽ coi việc giải toả căng thẳng với Mỹ là phương châm cho hoạt động của ông trong nhiệm kỳ tới nếu ông tái đắc cử bởi kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Ứng cử viên tổng thống sáng giá Akbar Hashemi Rafsanjani. |
"Nếu Mỹ có thiện chí hợp tác với Iran, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mở một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước", Rafsanjani nói với phóng viên hãng CNN. Nhưng ông cũng cho hay: "Nhưng nếu Mỹ vẫn tiếp tục muốn gây cản trở cho chúng tôi, thì chúng tôi cũng không thể nào bỏ qua quá khứ được."
Tuy nhiên, Rafsanjani cũng đang phải chạy đua hết sức quyết liệt với cựu cảnh sát trưởng Mohammed Baqer Qalibaf và nhà cải cách Mustafa Moin.
Số phiếu bầu cho thấy không một ứng viên nào giành được hơn 50% tổng số phiếu bầu, con số biểu hiện chiến thắng. Do đó sẽ có khả năng diễn ra một vòng bầu cử nữa được tổ chức vào tuần tới.
Thông điệp từ phía Mỹ
Những vấn đề mà hầu hết mọi người dân Iran quan tâm lúc này là con đường mà Iran sẽ cải cách xã hội, và việc giải quyết các mối quan hệ căng thẳng với bên ngoài.
Trước đó Tổng thống Mỹ George W. Bush cho rằng cuộc bầu cử này "không tuân theo những nguyên tắc dân chủ" và dẫn lý do rằng "Chính quyền Iran đã huỷ quyền bầu cử của 1.000 người dân nước này, bao gồm cả các nhà cải cách và phụ nữ mặc dù họ rất mong muốn được bỏ lá phiếu chọn ra vị tổng thống tương lai của nước mình. Người dân Iran xứng đáng được hưởng quyền dân chủ tức là một cuộc bầu cử trung thực và sự ngay thẳng của các nhà lãnh đạo."
(T.Tú - Theo BBC, CNN)