Bằng việc mở những con đường mới, chính phủ Trung Quốc đã giúp các khu vực hẻo lánh có được các cơ hội làm ăn, tiếp cận dịch vụ xã hội và giải quyết nhu cầu lao động. Hơn nữa, chiến lược đầy hữu hiệu này còn giúp thu hút đầu tư sâu hơn vào các tỉnh thành trong cả nước.
Kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sá đã hoàn thành được 1/2. |
Một trong những dự án nổi bật nhất đang được Trung Quốc triển khai và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay đó là con đường liên kết giữa Trùng Khánh và Quế Châu. Đoạn đường dài 100km uốn lượn quanh 17 sườn đồi và đi qua 121 thung lũng sâu, dường như có thể chạm tới trời song lại không phá vỡ cảnh quanh xung quanh.
Con đường mới sẽ thay thế đoạn cũ, có nhiều nguy hiểm vì đá lở. Ngân hàng phát triển châu Á, cấp khoảng 1/4 cho dự án trị giá 800 triệu USD này cho biết, con đường mới thực sự mang nhiều ý nghĩa, nó sẽ giúp thúc đẩy cơ hội giao thương và thu hút đầu tư sâu hơn vào khu vực.
Mỗi năm, Trung Quốc xây dựng khoảng 4.000km đường cao tốc, với hy vọng kết nối các thành phố có 200.000 dân với hơn mạng lưới 85.000km đường sá. Hiện, một nửa công việc đã hoàn thành.
Nhận thức mới
Từ cuối những năm 1980, chính phủ Trung Quốc nhận thấy rằng mạng lưới đường sá lôi thôi, kém phát triển sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Và kế hoạch xây dựng 85.000km đường bắt đầu được triển khai, Trung Quốc hy vọng sẽ đưa đất nước ngang hàng với Mỹ trong vòng 30 năm.
Mỗi năm, Trung Quốc xây dựng hàng nghìn km đường sá ở cả những nơi có nhiều thách thức về địa hình. |
Bắt đầu ở Bắc Kinh, 7 con đường được xây dựng để nối với Thượng Hải, Đài Bắc, Hongkong, Côn Minh, Urumchi và Cáp Nhĩ Tân. Kế hoạch thiết lập mạng lưới đường sá còn gồm cả xây dựng 9 tuyến đường cao tốc khác nối từ bắc tới nam, 18 tuyến nối từ đông tới tây.
Tính đến thời điểm này, hơn 34.000km đường đã được đưa vào sử dụng và mạng lưới đường sá tiên tiến nhất ở khu vực ven biển phía đông. Ngoài ra, hơn 30.000km sẽ tiếp tục được xây dựng ở khu vực sâu trong lãnh thổ với nhiều thách thức về địa hình.
Lợi cả đôi đường
Kế hoạch xây dựng trên đã đem lại việc làm cho công ty trong nước và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù, có khả năng tham gia các công việc như tư vấn xây dựng, song các nhà thầu nước ngoài không thể cạnh tranh về giá cả với các công ty trong nước.
Khoảng 100 công ty xây dựng Trung Quốc có khả năng đảm đương các phần dự án. Tuy nhiên, họ không thể bao thầu tất cả mọi việc và đây là cơ hội của những công ty nước ngoài có khả năng cung cấp thiết bị xây dựng và quản lý công nghệ giao thông. Hiện, 60% các thiết bị như rải nhựa đường, xe lăn đường là những gì Trung Quốc phải nhập khẩu.
Ngoài ra, giới chức địa phương cũng tìm mọi cách thu hút vốn nước ngoài để đầu tư và vận hành mạng lưới đường sá. Việc này sẽ giúp chính phủ đầu tư ngân sách vào các dự án môi trường.
Hợp tác với nước ngoài
Nhiều đoạn đường mới đem lại lợi nhuận và nhiều cơ hội cho Trung Quốc. |
Ông Lý Chu Duy - Tổng giám đốc công ty phát triển đường cao tốc Trùng Khánh nói: ''Phía tây Trung Quốc có thể coi là vùng đất hoang sơ nhưng có rất nhiều tiềm năng phát triển. Nếu các nhà đầu tư muốn có lợi nhuận trung hoặc dài hạn họ nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ít nhất, trong vòng 10 năm, họ có thể thu lợi nhuận''.
Ông Lý cho biết, năm 2004, Trùng Khánh đã gần tới việc ký kết một thoả thuận với nhà đầu tư Pháp song đã bỏ lỡ cơ hội này vì thành phố còn ngại ngần trước điều kiện phải đảm bảo nhà đầu tư có lợi 20% thời gian sau đó. Tuy nhiên, hiện ''mọi việc đều có thể thương thuyết'', gồm cả quyền phát triển dọc theo xa lộ, thậm chí là đảm bảo một lợi nhuận hợp lý và ưu đãi về thuế.
Trùng Khánh có kế hoạch xây dựng 1.300km đường trong vòng 5 năm tới, đang muốn tìm đầu tư nước ngoài.
(Hoài Linh - Theo BBC)