Một tháng kể từ khi Israel bắt đầu rút quân khỏi Dải Gaza, cuộc sống tại khu đất bị chiếm đóng này vẫn bao phủ 2 thái cực - hy vọng và sợ hãi.
Ông Sharon cam kết thực hiện kế hoạch rút khỏi Gaza. |
Đối với Thủ tướng Israel Ariel Sharon, chèo lái mọi việc theo đúng kế hoạch dường như ngày càng trở nên khó khăn. Niềm lạc quan về kế hoạch của nhà nước Do Thái dường như không phải không thể tìm thấy ở Dải Gaza.
Sinh viên cơ khí Mohammed el-Oksha đã bắt đầu cảm thấy lạc quan: ''Tôi hy vọng kế hoạch rút quân sẽ được tiếp tục bởi vì nó mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho người Palestine sau nhiều năm sụp đổ về kinh tế và chính trị''.
Cảnh sát Ziad Abu Sares cũng đồng tình: ''Đây là một tin rất tốt đẹp. Điều đó sẽ mang lại rất nhiều công việc cho người Palestine. Nếu Israel giữ lời và rút khỏi Gaza, tình hình ở đây sẽ được cải thiện về mọi mặt. Ngay cả du lịch cũng sẽ phát triển trở lại''.
Những vẫn đề bỏ ngỏ
Dải Gaza, nơi có khoảng 1,4 triệu người Palestine sống trong cảnh bần hàn, chen chúc nhau trong một trong những khu vực có mật độ dân số đông nhất thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, 8.000 người định cư Do Thái chiếm 15-20% tổng diện tích của Gaza.
Tình trạng ''bế quan toả cảng'' thường xuyên tại khiến nền kinh tế Palestine đông cứng. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 70%, nhiều gia đình dựa chủ yếu vào lương thực viện trợ để tồn tại.
Nhiều gia đình Palestine tồn tại nhờ hàng viện trợ. |
Do đó, rút khỏi Gaza không đơn thuần mang ý nghĩa trả lại đất cho người Palestine. Tuy nhiên, vận chuyển hàng viện trợ có thể mất nhiều thời gian hơn mong đợi và danh sách những thứ người Palestine đang mong mỏi ngày càng dài thêm.
Diana Buttu, đại diện cho người Palestine, cho biết bà đang đợt câu trả lời từ phía Israel về việc ai sẽ kiểm soát đường biên Gaza. Liệu nhà nước Do Thái có cho phép các cảng và sân bay tại Gaza hoạt động theo đúng chức năng của chúng và người Palestine có thể được phép đi lại an toàn giữa Gaza và Bờ Tây.
Nếu không có câu trả lời cho những vấn đề trên, chẳng ai dám khẳng định người Palestine ở Gaza sẽ có giấy chứng minh Israel hoặc Palestine sau 17/8.
Nghi ngờ
Diana Buttu cho biết: ''Khi tôi nói với mọi người về những gì tôi đang chuẩn bị cho việc rút quân của Israel, thái độ của họ là - ừ, đúng''. Rõ ràng, không khí đặc quánh hoài nghi bao trùm các đường phố ở Dải Gaza.
Daoud Abu-Hamza, 25 tuổi, thẳng thắn: ''Tôi chẳng thấy cái gì thay đổi. Israel vẫn đang tàn phá nhà cửa của người Palestine, chứ không phải nhà của những người định cư Do Thái. Và Israel không tuân thủ những cam kết của họ. Chúng tôi đã nói rất nhiều, ký rất nhiều thoả thuận, nhưng chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự thay đổi nào. Gaza sẽ chuyển từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn hơn''.
Trong nhiều năm qua, người Palestine cay đắng rút ra kết luận, họ chẳng làm gì để có thể gây ảnh hướng đối với Israel. Và, với 1 tháng trước khi di dời khu định cư, bầu không khí hoài nghi ở Gaza cũng không loãng ra là mấy.
Sợ hãi
Bà Buttu cho biết, Chính quyền Palestine đã có kế hoạch chấn hưng nền kinh tế ngay sau khi Israel di dời các khu định cư khỏi Dải Gaza. Điều quan trọng để phục hồi kinh tế chính là đảm bảo con người và hàng hoá được lưu thông tự do ra vào Dải Gaza. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc quá nhiều vào quan hệ giữa Israel và Palestine sau khi thực hiện kế hoạch Sharon. Điều đó không phải chuyện dễ.
Như vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Mohammed Bakir sợ rằng, Israel sẽ trả đũa vì phải trả Gaza cho người Palestine.
''Chúng tôi hiểu cái cách mà Israel trả đũa khi có điều gì xảy ra''.
-
Trần Kiên - (theo BBC)