Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Ban Ki-moon. |
"Hội nghị năm nay sẽ ưu tiên tập trung vào công tác 'Đánh giá giữa kỳ' (MTST) việc thực hiện Các Mục tiêu Bogor," ông Ban Ki-moon cho biết. MTST là sự đánh giá toàn diện quá trình thực hiện các mục tiêu cho đến thời điểm hiện nay, khi đã đi được nửa quãng đường.
Các Mục tiêu Bogor đề cập tới nội dung bản Tuyên bố về Quyết tâm chung của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC được thông qua tại Hội nghị cấp cao 1994 ở Bogor, Indonesia. Thể hiện tầm nhìn của APEC, bản tuyên bố hướng tới mục tiêu thương mại - đầu tư tự do và cởi mở tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010, đối với các nền kinh tế công nghiệp phát triển, và năm 2020, đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Trả lời phỏng vấn Korea Times, nhật báo tiếng Anh được chọn là kênh thông tin chính thức cho diễn đàn APEC sẽ diễn ra tại thành phố cảng Busan vào tháng 11 năm nay, Bộ trưởng Ban cho biết, các nhà lãnh đạo từ những nền kinh tế thành viên sẽ đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu cho đến thời điểm này và vạch ra nhiệm vụ cho năm tới.
Hàn Quốc là một trong số 12 thành viên sáng lập của Diễn đàn, lần đầu tiên nhóm họp vào năm 1989 tại Australia. Quốc gia này sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 13 diễn ra từ ngày 18-19 tháng 11 tới với chủ đề "Hướng tới một Nền kinh tế, Đương đầu thử thách, Tạo sự thay đổi."
Nhớ lại thời kỳ tham gia Hội nghị các quan chức cấp cao của APEC năm 1995 và soạn thảo Chương trình Hành động Osaka, ông Ban, 61 tuổi, cho biết, ông cảm thấy vinh dự khi lại được tiếp tục đảm đương vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy lộ trình hướng tới một "cộng đồng kinh tế" của khu vực.
Hội nghị APEC 2005 tại Hàn Quốc cũng sẽ đề cập tới hai chủ đề khác trong chương trình nghị sự của Diễn đàn. Chủ đề thứ nhất bàn về bảo đảm một môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn thông qua việc loại trừ tham nhũng và khủng bố. Chủ đề còn lại đề cập tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách vì sự thịnh vượng chung thông qua sự hợp tác giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
"Sau vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, những nỗ lực hợp tác to lớn trong việc chống khủng luôn được duy trì trong khu vực nhằm duy trì một môi trường kinh doanh an toàn," Bộ trưởng Ban Ki-môn cho biết. "Chúng tôi cũng đang cùng nhau đưa ra một hệ thống để loại trừ tham nhũng vốn gây cản trở thương mại và gia tăng chi phí của các công ty."
21 nền kinh tế thành viên của APEC hợp thành một thị trường khổng lồ với 45% dân số thế giới, chiếm tới 57% GDP toàn cầu, trong khi kim ngạch thương mại nội vùng đạt 46% tổng giá trị toàn cầu.
Hiện, các quốc gia thành viên của diễn đàn bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, China, Hong Kong, Indonesia, Japan, Republic of Korea, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, the Philippines, Russia, Singapore, Chinese Taipei, Thailand, the United States and Vietnam.
-
Bùi Quang (Theo Korea.net)