Quyền giám đốc WB tại Việt Nam Rakesh Nangia nhận xét, Việt Nam đang nổi lên như một con hổ châu Á và sẽ trở thành Hàn Quốc hoặc Singapore.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ CNN, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Văn Bàng cho biết: ''Chúng tôi đang cố gắng bỏ phương thức cũ vốn không phát huy hiệu quả ở Việt Nam. Do vậy, chúng tôi đang thực hiện kinh tế thị trường...Chúng tôi đang tìm một phương thức thích hợp với xã hội và cho phép nền kinh tế phát triển mà không tạo ra khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo''.
Công nhân Việt Nam trong nhà máy của hãng Nike. |
Thứ trưởng Lê Văn Bàng cũng đề cập tới những mô hình phát triển thành công như Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác với trung tâm là ngành chế tạo lớn mạnh.
Cùng với toàn khu vực châu Á - Thái Bình dương, Việt Nam đang cố gắng tăng cường năng lực cạnh tranh của mình. Hiện, Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với mục tiêu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm nay.
Người Việt Nam thông minh ham học hỏi
Nike là một hãng nước ngoài hoạt động rất năng động ở Việt Nam. Hãng này thuê tới 130.000 nhân công Việt Nam cho trung tâm sản xuất lớn thứ hai của mình ngoài Trung Quốc.
Việt Nam được coi là trọng tâm phát triển của hãng sản xuất đồ thể thao này. Tổng giám đốc Nike Vietnam, Amanda Tucker cho biết: ''Chúng tôi có rất nhiều việc làm cùng với chất lượng của lực lượng lao động. Rất nhiều người Việt Nam đáp ứng một cách tuyệt vời yêu cầu công việc. Họ thông minh và ham học hỏi''.
ÔNg Rakesh Nangia, Quyền giám đốc WB tại Việt Nam. |
Hãng sản xuất đồ thể thao của Mỹ này đang quan tâm nghiên cứu, thiết kế và phát triển hơn nữa các mặt hàng thể thao của mình tại Việt Nam.
''Điều đó yêu cầu lực lượng lao động lành nghề hơn, tiêu chuẩn cao hơn đối với Việt Nam bởi thực tế hơn 60% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp...Tuy nhiên, tỷ lệ biết chữ của Việt Nam đạt 94%, một tỷ lệ cao đối với một nước đang phát triển và đặc biệt hơn nửa trong tổng số 81 triệu dân ở độ tuổi dưới 25'', Tucker nhận xét.
Dù vẫn còn nhiều thách thức như đói nghèo, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thị trường Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
Hiện, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều công trình xây dựng lớn đang được gấp rút hoàn thành, nhiều toà nhà cao tầng và khu thương mại mọc lên.
TP. HCM đổi thay từng ngày. |
Việt Nam đã gia nhập các tổ chức kinh tế lớn như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)..., đồng thời có nhiều khả năng gia nhập WTO vào cuối năm nay. Ngân hàng thế giới (WB) cũng hỗ trợ Việt Nam với 35 dự án.
Rakesh Nangia, Quyền giám đốc WB tại Việt Nam, cho biết: ''Tôi cho rằng bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường là ổn định, chắc chắn và sẽ còn tiếp tục phát triển mà không gặp phải cản trở nào''.
Ông Nangia cũng nêu bật thực tế thay đổi nhanh chóng đang xảy ra tại châu Á về phương diện kinh tế và sự thay đổi đó cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang nổi lên như một con hổ châu Á và sẽ trở thành Hàn Quốc hoặc Singapore.
-
Trần Kiên - (theo CNN)