Để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mới năm ngoái các nhà đầu tư Nhật nhập cuộc đua chen vào Trung Quốc. Nhưng gần đây, họ đang chuyển hướng chú ý sang các điểm đến khác, trong đó nổi bật là Việt Nam.
Theo vốn đăng ký đầu tư, trong nửa đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của Nhật vào Việt Nam đạt 161,8 triệu USD, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
VN bật sáng khi môi trường đầu tư TQ trở nên rủi ro
''Việt Nam đã có sức mạnh tương đối lớn so với các nơi khác, đặc biệt là Trung Quốc'', ông Kyoshiro Ichikawa, Cố vấn cấp cao của Vụ đầu tư nước ngoài trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Việt Nam, cho biết.
Honda phát triển mạnh tại Việt Nam. |
Ông Kyoshiro Ichikawa cho biết thêm: ''Trung Quốc có nhiều rủi ro như phong trào bài Nhật và tỷ giá đồng nhân dân tệ. Do vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản tốt hơn hết nên đầu tư vào Việt Nam thay vì Trung Quốc''.
Ông Yuichi Bamba, Giám đốc Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), cũng chia sẻ với quan điểm của ông Ichikawa: ''Việt Nam đang trở thành điểm sáng bởi các nhà đầu tư đang cố tránh những rủi ro ở Trung Quốc''.
Tháng 4 vừa qua, hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ nổ ra tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc. Những người biểu tình đã đập phá các toà lãnh sự và các cơ sở khác của Nhật Bản. Theo kết quả thăm dò của JETRO, phong trào chống Nhật đã ''giết chết'' ý định mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc.
Theo thăm dò trong tháng 5/2005, các công ty có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc trong 3 năm tới chiếm 54,8 % trong tổng số 414 công ty, giảm mạnh so với 86,5% theo kết quả thăm dò hồi tháng 12/2004.
Thêm vào đó, Chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng là một nguyên nhân khiến các công ty Nhật chùn bước. Cuối tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã ra quyết định điều chỉnh tỷ giá của đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, không ít người hoài nghi rằng, đồng nhân dân tệ sẽ còn được điều chỉnh thêm nữa. Một khi đồng nhân dân mạnh sẽ ''đả thương'' các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu các sản phẩm mang nhãn hiệu ''Made in China'' của mình bởi họ phải nâng giá thành sản phẩm trên các thị trường nước ngoài.
"VN không thể để lỡ cơ hội"
Ông Bamba cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc phát triển và điều chỉnh hệ thống pháp luật.
Theo ông Bamba, việc Việt Nam đang nước rút gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khiến các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm hơn khi ''rót tiền'' vào Việt Nam.
Thủ tướng Phan Văn Khải làm việc với Chủ tịch JETRO Osamu Watanabe tại Hà Nội. |
Ông Hiroaki Kitamura, Nhà kinh tế cấp cao thuộc chi nhánh ngân hàng UFJ ở Singapore, phân tích: ''Chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1 thường được khuyến khích trong quá khứ và tầm quan trọng của nó hiện vẫn được thừa nhận''.
Tổng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2005 đứng thứ 4, chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Nhật Bản dẫn đầu các nước và vùng lãnh thổ khác về việc mở rộng những dự án hiện tại với đầu tư trị giá 347,2 triệu USD của các hãng lớn như Canon Inc., Honda Motor Co. và Toto Ltd.
Trong tương lai, ông Ichikawa bày tỏ hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực làm sáng hơn nữa môi trường đầu tư của mình.
''Khi nữ thần đầu tư bắt đầu mỉm cười với Việt Nam, đất nước này không thể để lỡ cơ hội và cần chủ động thu hút vốn nước ngoài''.
Mặc dù còn tồn tại một số vấn đề, như đột ngột thay đổi quy định, khung pháp lý, nhưng theo ông Kitamura ''điều đó không phải là nút cổ chai ảnh hưởng tới sự hấp dẫn của Việt Nam.
Ông Bamba nhận định, năm tới sẽ là năm quan trọng đối với Việt Nam.
-
Trần Kiên - (theo Japan Time)