Đề xuất xoá án tử hình đối với tội danh tham nhũng ở Trung Quốc mới đưa ra thảo luận đã vấp phải phản ứng gay gắt của công luận.
Đã đến lúc Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh nhân dân chống tham nhũng..... |
Các quan tham bỏ túi 157 tỷ USD
Theo ước tính của GS Hồ An Cang - ĐH Thanh Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, mỗi năm nền kinh tế nước này bị thiệt hại từ 123 đến 157 tỉ USD (tương đương với 13-17% GDP) do nạn tham nhũng. Vụ mới nhất liên quan tới cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Trung Quốc (chi nhánh tại Hongkong) Lưu Tân Bảo. Tuần trước, ông này bị kết án tử hình nhưng được tạm hoãn thi hành án vì tội danh đơn phương hoặc đồng loã biển thủ công quỹ hơn 1,7 triệu USD. Không những vậy, ông Lưu còn không thể giải thích cho số tài sản cá nhân khác trị giá 1,7 triệu USD.
Trong năm 2004, có 2.960 quan chức cấp huyện trở lên bị điều tra vì các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và sử dụng sai mục đích công quỹ, trong đó có 11 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ. Có 772 quan chức tham nhũng và 24.184 trường hợp khác nhận đút lót, hối lộ...bị đưa ra xét xử. Ngoài ra trên cả nước có khoảng 345 công tố viên và 461 thẩm phán bị kết án vì nhận hối lộ trong thời gian này. |
Để giải quyết tình trạng gia tăng về số lượng quan tham cũng như ngăn các lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh bỏ trốn ra nước ngoài ẵm theo tiền nhà nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch lập hồ sơ các chuyến đi và chi phí hàng ngày của một số nhân vật.
Ngoài ra, các lá đơn xin việc và xin du học ở nước ngoài cũng bắt đầu bị kiểm soát từ tháng 7/2004.
Kết quả là 614 quan chức bị tình nghi bỏ trốn ra nước ngoài đã bị bắt giữ, tịch thu tài sản trả lại nhà nước. Song số tiền thu hồi được từ những người này chỉ bằng một phần những gì Trung Quốc mất.
Mất 50 tỷ USD vì thiếu hợp tác quốc tế
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong vài năm gần đây, hơn 4.000 tham quan đã bỏ trốn ra nước ngoài mang theo gần 50 tỉ USD.
Do Trung Quốc không ký hiệp định dẫn độ với đa phần các nước "chứa" phần tử lưu vong nên các tham quan thường không bị dẫn độ về nước để xét xử.
Mặt khác, nhiều nước không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội danh tham nhũng. Những nước này lý luận rằng việc dẫn độ "những kẻ đào tẩu" sẽ chỉ đẩy họ tới cái chết.
Để giúp cho việc dẫn độ loại tội phạm này trở nên dễ dàng hơn, nhiều chuyên gia nghiên cứu pháp luật Trung Quốc đã đưa ra gợi ý nên xoá bỏ án tử hình đối với tội danh tham nhũng.
Đây là một gợi ý thiết thực vì một nửa số quốc gia trên thế giới hiện nay đã xoá bỏ án tử hình và nửa còn lại chỉ áp dụng hình phạt này đối với những loại tội phạm cực kỳ tàn ác như sát nhân.
Vấn đề đặt ra là: Trung Quốc có nên đi theo xu thế chung? Hay Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống xét xử tội phạm khác biệt với các nước?
Công chúng phẫn nộ
Lưu Tân Bảo, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Trung Quốc (chi nhánh tại Hongkong), quan chức mới nhất bị kết án tử hình vì tham nhũng |
Trên thực tế, đề xuất loại bỏ tội danh tham nhũng khỏi danh sách 68 tội bị áp dụng án tử hình đã gây ra phẫn nộ trong lòng công chúng, ngay cả ở giai đoạn sơ khai của quá trình tranh luận. Trong bối cảnh tham nhũng lan tràn, nó đã tạo ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với ổn định chính trị và phát triển bền vững tại Trung Quốc.
Trung Quốc không nhất thiết phải xoá bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng vì họ có nhiều cách để thương lượng với các nước chứa chấp quan tham.
Ví dụ, Trung Quốc có thể vận dụng Công ước chống Tham nhũng của LHQ (UNCAC) - một hiệp định mà Mỹ và nhiều nước lớn khác chứa phần tử lưu vong đã ký. UNCAC quy định các cơ chế, quy trình bắt giữ, tịch thu và hoàn trả tài sản bất hợp pháp đã bị tước đoạt.
Mặc dù Trung Quốc có thể không đạt được thoả thuận về việc áp dụng án tử hình, nước này vẫn có thể đề xuất ra những nguyên tắc khác được nhiều quốc gia chấp nhận.
Chẳng hạn, nước chứa chấp tham quan bỏ trốn có thể "giữ" lại người nếu muốn song họ phải tịch thu và hoàn trả tài sản mà tham quan biển thủ cho Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh sẽ áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" khi xử lý các vấn đề tương tự liên quan tới công dân của những nước đó.
Một khi giải quyết thành công vấn đề này, sẽ vừa ngăn chặn nạn tham nhũng ở Trung Quốc, vừa tạo cơ hội cho các nước chứa tham quan không phải dẫn độ tội phạm.
Trung Quốc rất cần số tiền 50 tỉ USD mà tham quan biển thủ mang ra nước ngoài. Với số tiền ấy, Trung Quốc có thể xây nhiều trường học, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người thất nghiệp và đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho một bộ phận lớn người nghèo.
Án tử có chặn được tham nhũng?
Hiện, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia quy định tội danh tham nhũng có thể lãnh án tử hình. Song cho tới 50 năm trước đây, nhiều nước khác cũng từng dùng án tử hình như một biện pháp thiết thực để ngăn chặn những tội phạm nghiêm trọng.
Người phản đối án tử hình thường tiếp cận vấn đề này từ góc độ đạo đức hoặc tôn giáo. Lý luận của họ là: Anh không thể phá huỷ cái mà anh không thể tạo ra.
Trong khi đó, những người ủng hộ lại cho rằng án tử hình sẽ đem lại hiệu quả ngăn chặn nạn tham nhũng. Có thể hai luồng quan điểm này sẽ còn tiếp tục đối kháng nhau và không thể đi đến thống nhất.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 1 trường hợp bị xử tử hình sẽ ngăn cản từ 5-18 kẻ sát nhân tiềm năng gây án. Mặc dù chưa có nghiên cứu chi tiết nào về tác dụng ngăn chặn của án tử hình đối với các trường hợp tham nhũng, song người ta hy vọng nó có thể phát huy vai trò tương tự.
Cho tới khi cuộc chiến chống tham nhũng chưa được đảm bảo chắc thắng, khi người ta chưa dựng được một bức tường lửa nhiều lớp thực sự phát huy tác dụng, tham nhũng vẫn nên nằm trong danh sách các tội danh bị lãnh án tử hình ở Trung Quốc.
10 tham quan điển hình của Trung Quốc năm 2003 |
1- Pan Guang Thiên, cựu Phó Chủ tịch Hội nghị tư vấn chính trị nhân dân Tỉnh uỷ Sơn Đông, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Sơn Đông đã bị bắt vì nhận hối lộ 189.000 USD trong thời gian từ 1992 đến 2001. Pan đã bị Toà án Trung thẩm Jinan kết án chung thân. 2- Thiên Phong Kỳ, cựu Chánh án Toà án nhân dân tối cao tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vì tội nhận hối lộ 317.000 USD trong thời gian từ 1997-1998 và nhận 95.000 USD từ tháng 6/1999 đến tháng 8/2001. Thiên bị Toà trung thẩm Dandong kết án chung thân. 3- Cong Fukui, cựu Phó Tỉnh trưởng Hồ Bắc bị bắt vì nhận hối lộ 1,17 triệu USD trong thời gian từ đầu năm 1997 đến tháng 6/2000. Cong bị kết án tử hình song hoãn thi hành án 2 năm. 4- Lý Gia Thịnh, cựu Tỉnh trưởng Vân Nam bị bắt vì nhận hối lộ 2,2 triệu USD trong thời gian từ đầu 1994 đến tháng 7/2000. Sai phạm của ông này còn liên quan tới người con trai Lý Ba. Ông Lý bị Toà án tối cao Bắc Kinh kết án tử hình. 5- Lưu Phương Dân - cựu Bí thư tỉnh uỷ Quý Châu, kiêm Chủ tịch Uỷ ban thường trực ĐH Đại biểu nhân dân tỉnh Quý Châu bị khai trừ khỏi Đảng vì nhận hối lộ 200.000 USD và dan díu với một phụ nữ có chồng. Cũng tại Quý Châu trong năm 2003, nhiều quan chức tham nhũng khác cũng bị đưa ra ánh sáng bao gồm Lưu Thường Quý, cựu Phó Tỉnh trưởng Quý Châu; Lỗ Vạn Lý, cựu Giám đốc Sở thuế đất Quý Châu... 6- Vương Trung Lộ - cựu Phó Tỉnh trưởng Chiết Giang bị khai trừ khỏi Đảng vì tội nhận hối lộ. 7- Thành Vĩ Cao - Bí thư tỉnh uỷ Hồ Bắc bị khai trừ khỏi Đảng vì lạm dụng chức quyền cho phép vợ, con phạm pháp. 8- Thiên Phong Sơn - cựu Bộ trưởng Bộ tài nguyên đất bị sa thải vì vi phạm kỷ luật Đảng. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc cũng như nước ngoài. Ông này từng dính líu tới nhiều vụ tham nhũng tại tỉnh Hắc Long Giang. 9- Vương Hoài Trung - Phó Tỉnh trưởng tỉnh An Huy bị kết án tử hình vì nhận hối lộ 623.000 USD từ tháng 9/1994 đến tháng 3/2001 và không thể lý giải nguồn gốc số tài sản trị giá 578.000 USD. 10. Lưu Ketian - Phó Thị trưởng Thẩm Dương - thủ phủ tỉnh Liêu Ninh bị sa thải năm 2003 vì nhận hối lộ và nhận quà tặng bằng tiền mặt. Lưu bị khai trừ khỏi Đảng vì vi phạm kỷ luật. |
-
Tân Huyền