(VietNamNet) - Bỏ dở kỳ nghỉ tại trang trại riêng, George W. Bush gấp rút quay về Nhà Trắng để đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau khi tái cử. Lần này, xem ra nhà lãnh đạo Mỹ không gặp nhiều thuận lợi như 4 năm về trước.
Người ta đang chờ đợi xem ông Bush sẽ xoay xở với vấn đề Iraq và chiến dịch cứu trợ nạn nhân bão Katrina ra sao. Giải quyết tốt thảm hoạ đồng nghĩa với chiến thắng. |
"Chúng ta đang phải giải quyết một trong những thảm hoạ tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ", ông Bush đã tuyên bố như vậy trong chuyến trở về. Đúng thời điểm này 4 năm về trước, Tổng thống Bush còn đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng khi vừa trải qua cuộc bầu cử cam go. Khi ấy, với tỉ lệ ủng hộ rất cao từ phía người dân Mỹ, ông Bush đã đối phó với vụ tấn công khủng bố 11/9 mà không gặp nhiều trở ngại, nếu không muốn nói là khá tốt. Song lần này thì khác. Bão Katrina đổ bộ vào miền nam nước Mỹ đúng vào lúc vốn liếng chính trị của Tổng thống đang cạn kiệt dần do cuộc chiến Iraq.
Ngay từ trước khi Bão Katrina ập đến, thống đốc các bang đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu Cơ quan cảnh vệ quốc gia vốn đã bị "kéo căng như dây đàn" vì sứ mệnh tại Iraq, có đủ lực lượng để triển khai các chiến dịch cứu trợ trong nước? Những lo ngại ấy càng trở nên trầm trọng trước tình trạng cướp bóc và vô chính phủ đang lan tràn ở vùng bị bão hoành hành. Người ta thậm chí còn băn khoăn liệu Bộ An ninh Nội địa - cơ quan có chức năng chính là chống khủng bố, có thể đáp ứng lời kêu gọi của ông Bush để phối hợp giải quyết "một trong những thảm hoạ tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ" hay không.
Nói cách khác, tất cả những lo ngại ấy đều xoay quanh sợi dây nối giữa chính sách đối ngoại của ông Bush và cách thức ông phối hợp giải quyết thảm hoạ tại Louisiana, Mississippi và Alabama. Hơn ai hết, Tổng thống Bush hiểu rõ điều này. Ông từng chứng kiến thất bại chính trị của người cha cách đây 13 năm. Khi ấy Bush cha đã phái các phi cơ chiến đấu tới bảo vệ vùng cấm bay tại Iraq và thúc đẩy chương trình nghị sự thương mại trong khi 250.000 người dân Florida phải sơ tán vì ảnh hưởng của cơn bão Andrew.
Trái với cha mình, George W. Bush đã và đang chứng minh ông là một nhà lãnh đạo xoay xở giỏi trong giai đoạn khủng hoảng. Trong cuộc tranh luận với cựu Phó Tổng thống Al Gore năm 2000, Bush từng nói thảm hoạ tự nhiên "là lúc để thử thách nhuệ khí của nhà lãnh đạo". Chỉ vài tuần tới, người ta sẽ rõ liệu ông có thể cùng một lúc đối phó với thách thức từ vấn đề Iraq và công cuộc cứu trợ nhân đạo, khôi phục kinh tế ở các bang vùng Vịnh Mexico hay không.
Nếu thành công, ông sẽ thoát khỏi tình thế khó khăn trong nhiệm kỳ tổng thống hiện nay khi mà tỉ lệ ủng hộ dành cho ông đang tụt xuống rất thấp. Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo điều ấy.
Thách thức trước mắt mà George W. Bush phải đối mặt chính là ông phải chứng tỏ cho người dân Mỹ thấy nội các mới của ông và các đơn vị Cảnh vệ quốc gia đều có thể hoạt động tốt trên cả hai mặt trận. Theo lời các phụ tá Tổng thống thì từ trước khi bão Katrina đổ bộ, ông Bush đã tuyên bố đây sẽ là thảm hoạ và cho phép Cơ quan đối phó khẩn cấp liên bang triển khai lực lượng sớm. Song mặc dù Cơ quan cảnh vệ quốc gia đã được triệu tập kịp thời, người ta vẫn băn khoăn: liệu hoạt động cứu trợ có thể được đẩy nhanh hơn nếu như không cần phải triển khai quá nhiều lực lượng sang Iraq? Hiện Mississippi có 3.800 lính cảnh vệ tại Iraq và bang Louisiana có khoảng 3.000.
Thách thức lâu dài chính là hậu kỳ của bão Katrina - giá xăng sẽ tăng vùn vụt. Ngay từ trước khi quay về Washington, ông Bush đã thông qua quyết định mượn dầu từ Kho dự trữ chiến lược quốc gia. Song thực chất đây chỉ là giải pháp tạm thời và nếu giá dầu tiếp tục tăng, ông Bush chắc chắn sẽ đối mặt với câu hỏi: phải chăng chính quyền của ông đã không chuẩn bị cho cơn sốt dầu trong tình hình xung đột Trung Đông căng thẳng?
Thông thường trong những trường hợp ấy, cách đối phó truyền thống của Tổng thống sẽ là: vạch ra những tiêu chuẩn, thước đo để đánh giá xem liệu những gì ông đang làm có đủ để giải quyết vấn đề hay không. "Ông ấy thích là một nhà lãnh đạo thực tế. Ông ấy muốn những con số", một phụ tá lâu năm của ông Bush cho biết. Câu nói này đã được chứng minh khi hôm qua tại Vườn Hồng trước Nhà Trắng, Tổng thống đã bắt đầu nêu ra con số người được cứu, số bữa ăn nhanh đã được phân phát và số người dân có được nơi trú ẩn an toàn. Nó làm người ta nhớ lại cách ông Bush đã lý giải về những tiến triển đạt được tại Iraq. Nhưng các hình ảnh bạo lực vẫn lặp đi lặp lại, làm mất tác dụng con số mà Tổng thống đưa ra.
Và lần này, nguy cơ lớn nhất với ông Bush là mất khả năng kiểm soát tình hình. Nếu như vụ 11/9, thiệt hại được giới hạn trong diện tích 4ha cả ở New York và một phần Lầu Năm Góc, thì bão Katrina gây ra thiệt hại trong một phạm vi rộng lớn lên tới hàng nghìn km2. Sẽ có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, từ việc ổn định nơi ở cho người mới mất nhà ở New Orleans tới việc khôi phục những hải cảng, mỏ dầu dọc vùng Vịnh. Ghánh nặng trên vai ông Bush sẽ càng nặng hơn.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)