Các quan chức liên bang Mỹ đã mở những nhà xác khổng lồ để chứa thi hài người thiệt mạng do bão Katrina trong khi hàng nghìn người dân New Orleans bắt đầu trở về nhà để đánh giá thiệt hại. 8 ngày sau cơn bão, hơn 1 triệu người dân Mỹ phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất"...
Toàn cảnh khu vực giáp ranh New Orleans sau bão. |
Thứ ba, ngày 6/9
Thi thể người chết đã được các nhân viên cứu hộ vớt lên từ những con đường, ngôi nhà ngập nước và chuyển tới một nhà kho lớn bên ngoài Baton Rouge bằng xe tải. Một nhà xác tương tự cũng đã được dựng lên tại Mississippi.
Trên cách con đường dẫn vào thành phố New Orleans, hàng đoàn xe dài dằng dặc chở cư dân nối đuôi nhau tiến về.
Các kỹ sư công binh thuộc Lữ đoàn Bộ binh Mỹ cho biết họ đã lấp các lỗ hổng trên tuyến đường đê ngăn giữa sông Mississippi và New Orleans bị bão làm vỡ đồng thời tiến hành bơm tháo nước từ thành phố vào hồ Ponchartrain. Đến thời điểm này, nước đã bắt đầu rút.
Trước con số thiệt hại về người và của quá lớn, Tổng thống Mỹ Bush đã có chuyến thăm thị sát các vùng bị bão tàn phá. Phát biểu trước các quan chức cứu hộ ở Poplarville, Mississippi, ông Bush nói: "Chúng ta sẽ ở đây lâu dài. Tôi hiểu những thiệt hại. Tôi hiểu mức độ tàn phá và tôi hiểu sẽ phải mất bao lâu nữa mới khôi phục lại tất cả. Nước Mỹ đang ở bên cạnh các bạn và tôi muốn các bạn biết điều ấy".
Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tuần ông Bush đến thăm vùng bão. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố đặt thêm 10 bang - nơi người tỵ nạn được chuyển đến, vào tình trạng khẩn cấp, nâng tổng số bang được nhận cứu trợ đặc biệt của liên bang lên con số 13.
Nhân viên cứu hộ dùng xuồng làm nhiệm vụ. |
Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Michael Chertoff đã chỉ định Phó Đô đốc Lực lượng cảnh vệ bờ biển Thad Allen phụ trách phối hợp các nỗ lực cứu hộ của chính phủ tại New Orleans. Ông Allen sẽ chịu trách nhiệm báo cáo cho Giám đốc Cơ quan cứu trợ liên bang Michael D. Brown - người giám sát tất cả các vùng còn lại ven vịnh Mexico.
Vào thời điểm này, các sĩ quan, binh lính từ tất cả các bang trong nước Mỹ tiếp tục đổ về New Orleans. Theo số liệu của Bộ An ninh nội địa, tính đến nay đã có 38.000 binh sĩ thuộc Lực lượng cảnh vệ quốc gia, 6.000 tình nguyện viên của Cơ quan Cứu trợ Liên bang và 4.000 nhân viên thuộc Lực lượng cảnh vệ bờ biển đã tham gia chiến dịch. Tàu chiến US Iwo Jima cũng đã có mặt tại cảng New Orleans sáng nay và sẽ cung cấp đồ viện trợ. Ưu tiên của các đội cứu hộ vẫn là tìm kiếm người còn sống sót. Họ bơi thuyền từ nhà này sang nhà khác, nhìn vào những ô cửa sổ và gõ lên cửa ra vào để mong tìm được người còn mắc kẹt bên trong. Ước tính, vẫn còn khoảng 10.000 người chưa được sơ tán.
Khắp các bang nước Mỹ, bác sĩ và y tá đang làm việc tích cực để thiết lập nên mạng lưới y tế đồng bộ, biến tất cả những nhà kho bị hỏ hoang, sân bóng rổ thành bệnh viện để cứu chữa cho nạn nhân của bão Katrina.
Bộ Năng lượng Mỹ thông báo, đến sáng nay, vẫn còn khoảng 990.000 hộ mất điện do hậu quả của bão Katrina, giảm hơn 300.000 hộ so với 1 ngày trước đó.
Trong một diễn biến liên quan, cựu Tổng thống Bush cha và Bill Clinton đã cùng bắt tay nhau tiến hành chiến dịch gây quỹ ủng hộ các nạn nhân bão Katrina.
Thứ hai, ngày 5/9
New Orleans bắt đầu công tác thu dọn xác người. |
Lúc này cả New Orleans đang dồn tâm điểm chú ý vào công tác thu dọn xác chết. Ước tính có tới hàng nghìn xác, nhiều thi hài đã trương phình sau nhiều ngày trôi nổi dập dềnh trong dòng nước lũ. Theo ước tính của Cơ quan Y tế Mỹ, chỉ riêng ở nhà tù St. Gabriel đã có tới 1.000-2.000 thi thể. Các đội tìm kiếm bằng máy bay và thuyền cứu hộ vẫn tiếp tục rà soát những vùng lân cận để tìm người sống sót.
Để công việc được tiến hành có hiệu quả, lực lượng Cảnh vệ bờ biển đã yêu cầu bất kì ai còn kẹt trong vùng ngập lụt hãy dùng nhưng mảnh vải màu hoặc trắng hay bất kì vật dụng nào khác để có thể gây sự chú ý của nhân viên cứu hộ.
Trong một nỗ lực nhằm khôi phục trật tự, cảnh sát New Orleons đã bắn chết 5-6 người sau khi nhóm vũ trang tấn công các nhà thầu đang trên đường sửa chữa một cây cầu trong thành phố. Hiện công tác khắc phục hậu quả bão đã bắt đầu được tiến hành, trước hết tại những con đê bao quanh thành phố để tháo nước.
Chủ nhật, ngày 4/9
Cảnh đổ nát, tiêu điều của New Orleans. |
New Orleans giờ đây chỉ là thành phố bị bỏ hoang sau khi hàng nghìn người được sơ tán sang các bang lân cận.
Nhà chức trách cho biết, an ninh đã được phục hồi trong thành phố và tất cả những phương tiện cứu trợ của liên bang đã được chuyển đến nơi. Lần đầu tiên kể từ khi Bão Katrina tràn vào thành phố, Mỹ lên tiếng kêu gọi thế giới viện trợ chăn mền, dụng cụ sơ cứu, nước và thực phẩm cho các nạn nhân.
Trong chuyến thị sát New Orleans, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld phát biểu phải mất vài năm nữa thành phố mới được phục hồi. Còn Ngoại trưởng Condoleezza Rice thì bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng chính quyền Mỹ đã chậm chễ trong công tác cấp cứu.
Bộ trưởng Y tế Michael Leavitt cho hay con số người chết do bão Katrina có thể lên tới vài ngàn. Đây là lần đầu tiên một quan chức liên bang thừa nhận như vậy. Ông Leavitt còn cho biết các nhân viên cứu trợ sẽ phải tới từng nhà để tìm xác người chết và dự báo những ngày tồi tệ còn ở phía trước.
Thứ bảy, ngày 3/9
Xác người chết bắt đầu được thu dọn. |
Chiến dịch cứu trợ không vận được coi là lớn nhất trong lịch sử Mỹ đã được tiến hành.
Hơn 10.000 người được sơ tán khỏi khu Superdome, New Orleans và trung tâm hội nghị thành phố. Người sơ tán kinh hoàng nhớ lại những cảnh tượng bạo lực, hãm hiếp, giết người ở các lều trú ẩn mà họ chứng kiến, thậm chí phải trải qua.
Nhân viên cứu hộ mở cửa một nhà xác và bắt đầu việc thu thập thi hài người chết. Trong số này, nhiều thi hài đã trương phình do trôi nổi trong dòng nước lũ nhiều ngày.
Trước áp lực chính trị ngày càng tăng, Tổng thống Bush đã phải tuyên bố triển khai hàng nghìn quân từ chiến trường về các vùng bị bão Katrina tàn phá. Trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp, ông Bush thừa nhận rằng: "nhiều công dân không được cứu giúp, đặc biệt tại New Orleans".
Thứ sáu, ngày 2/9
Trực thăng chuyển dần người bị nạn ra khỏi vùng bão... |
Nỗ lực cứu trợ tại New Orleans tiếp tục được tăng cường. Công cuộc sơ tán cư dân được tiến hành trong lúc các đội cứu trợ của quân đội đã có mặt tại thành phố đem theo thực phẩm, thuốc men và nước.
Các đơn vị Cảnh vệ quốc gia bổ xung đã được đưa tới New Orleans để đối phó với nạn cướp đang lan tràn và tình trạng vô chính phủ trong thành phố. Cho đến thời điểm ấy, chưa biết có bao nhiêu người thiệt mạng do bão Katrina song TNS bang Louisiana David Vitter cho hay con số người chết có thể lên đến 10.000.
Lúc này, hàng chục ngàn người vẫn đang kẹt cứng trong thành phố. Một số đang chờ đợi đội cứu hộ trên các mái nhà. Trong khi đó, Tổng thống Bush đưa ra cam kết sẽ tái thiết thành phố trong chuyến thị sát các vùng bị ảnh hưởng.
Quốc hội Mỹ thông qua khoản cứu trợ khẩn cấp 10,5 tỉ USD.
Thứ năm, 1/9
Bắt đầu sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em khỏi Superdome... |
New Orleans dần rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cướp bóc, bắn giếng, đốt phá, hãm hiếp diễn ra khắp nơi. Lực lượng cảnh sát địa phương được lệnh tập trung giải quyết tình trạng vô chính phủ.
Xe buýt và máy bay trực thăng bắt đầu chở phụ nữ, người già, trẻ em khỏi khu Superdome, một số được đưa tới Baton Rouge, những người khác được đưa đến sân vận động Astrodome, Houston, Texas.
Người dân phẫn nộ trước sự trì trệ trong công tác cứu trợ của chính phủ.
Thứ 4, ngày 31/8
Nạn trộm cướp hoành hành, sân vận động Superdome quá tải. |
Thị trưởng New Orleans Ray Nagin cho biết bão Katrina đã cướp đi mạng sống của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Ông ra lệnh toàn bộ cư dân trong thành phố phải sơ tán trong lúc còn tới 10.000 người vẫn kẹt ở trong.
Nhiều người tìm cách bơi đến Superdome để trú ẩn. Hàng chục nghìn người đã tới được sân vận động song điều kiện bên trong càng lúc càng tồi tệ do số lượng người quá đông.
Cảnh sát có vũ trang cố gắng áp dụng thiết quân luật để ngăn chặn nạn trộm cướp. Bỏ dở kỳ nghỉ ở Texas, Tổng thống Bush tuyên bố chính phủ Mỹ đang phải đối phó với một trong những thảm hoạ tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Chính phủ ra tuyên bố đặt toàn bộ các bang dọc vùng vịnh Mexico vào tình trạng khẩn cấp, tăng cường viện trợ thực phẩm, nước uống và chất đốt cho các bang miền nam. Người ta đồn rằng binh sĩ bổ sung đang được phái đến.
Thứ ba, ngày 30/8
80% diện tích New Orleans ngập chìm trong nước lũ. |
Mức độ tàn phá của bão Katrina đã trở nên rõ ràng hơn. Khoảng 80% New Orleans ngập chìm trong nước. Trực thăng và thuyền cứu hộ vẫn tiếp tục chuyển người còn sống sót trên những mái nhà tới nơi an toàn. Nhiều người khác tiếp tục ở trên mái nhà chờ đợi.
Nhân viên cứu hộ đặt trong tâm cứu người còn sống, bỏ qua các xác chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Khi mực nước lũ ngày càng tăng, nước sạch cạn kiệt dần. Hàng trăm người chết dọc bờ biển bang Mississippi.
Thứ hai, ngày 29/8
Mưa to gây ra lũ lụt trên diện rộng... |
Bão Katrina đổ bộ vào các bang Louisiana, Mississippi và Alabama.
Nhiều vùng ở New Orleans bị ngập và gió thổi với vận tốc hơn 160km/h, cuốn phăng một phần mái của sân vận động Superdome, nơi 9.000 người đang trú ẩn.
Điện bị cắt, cây đổ ngổn ngang, các cửa hàng xiêu vẹo, xe hơi bị lật ngược trên đường phố và kính vỡ vương vãi khắp nơi.
Chủ nhật, ngày 28/8
Những chiếc xe hối hả rời khỏi thành phố khi nghe tin bão tăng cường. |
Bão Katrin bắt đầu đổ bộ vào Vịnh Mexico sau khi tràn qua bang Florida. Tâm lý hoang mang lo sợ bao trùm khắp New Orleans - thành phố nằm dưới mực nước biển 2m.
Thị trưởng Ray Nagin ra lệnh sơ tán thành phố sau khi sức mạnh của bão Katrina tăng cường, trở thành cơn bão cấp 5. Những con đường đông nghẹt người vì ai cũng muốn rời khỏi thành phố.
Một số không thể và không muốn đi thì qua đêm tại các điểm trú ẩn trong đó có sân vận động Superdome.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)