Lần đầu tiên sau 4 năm vụ 11/9 xảy ra, người dân Mỹ được trực tiếp nghe những người lính cứu hoả kể lại chi tiết sống động nhất, chân thực nhất về công cuộc sơ tán dân thường trước khi toà nhà Trung tâm thương mại thế giới sụp đổ.
| ||
Câu chuyện được ghi âm lại chỉ vài tuần sau khi vụ 11/9/2001 diễn ra, cung cấp những hình ảnh chi tiết nhất về ngày kinh hoàng dưới con mắt các nhân viên cứu hoả. Để cứu thêm nhiều mạng người, 343 đồng đội của họ đã phải hy sinh. Toàn bộ lời kể được ghi chép thành 12.000 trang tài liệu và được công bố trên các kênh của Đài phát thanh Sở cứu hoả hôm 9/9.
Cuộc đấu tranh để phơi bày sự thật
Để những câu chuyện này được công bố, tờ New York Times và gia đình các nạn nhân đã phải theo đuổi một vụ kiện kéo dài suốt 3 năm trời. Một số chi tiết trong đó đã được công bố từ trước và về cơ bản tất cả không làm thay đổi cách hiểu của mọi người về vụ tấn công 11/9. Tuy nhiên, đó là những ký ức "còn nguyên vẹn" của những người lính cứu hoả về thảm cảnh kinh hoàng đối với nước Mỹ.
Lúc đầu, nhà chức trách New York kiên quyết giữ lại những đoạn ghi âm này vì cho rằng một khi công bố, chúng sẽ xâm phạm sự riêng tư của lính cứu hoả và làm cho công chúng phẫn nộ hơn trước vụ khởi tố Zacarias Moussaoui, kẻ vạch kế hoạch tấn công.
Đến tháng 3 vừa qua, Toà án tối cao bang New York đã chỉ thị cho thành phố phải công bố những đoạn băng ghi âm nhưng yêu cầu thành phố chỉnh sửa lại nội dung, bỏ bớt những đoạn "đau đớn" nhất.
Trong tuyên bố đưa ra, Bộ cứu hoả cho biết họ hy vọng việc công bố băng ghi âm sẽ không làm cho lính cứu hoả và gia đình của họ buồn đau hơn.
Những bó hoa tưởng niệm được gài ngay ngắn trên hàng rào bao quanh khu vực bị tấn công trơớc đây. |
Ký ức kinh hoàng
Đài phát thanh của Sở cứu hoả đã bổ sung một kết cấu mới cho những việc diễn ra ngày 11/9, bắt đầu từ lúc 8h45' sáng với một đoạn miêu tả một chiếc máy bay lao vào Trung tâm thương mại thế giới. "Trung tâm thương mại thế giới số 1 đang bốc cháy", giọng một người lính cứu hoả khẩn thiết vang lên trong đài.
Sáng nay (11/9/2005 - giờ VN), gia đình các nạn nhân 11/9 đã có mặt tại khu vực trước đây là Trung tâm thương mại thế giới để tưởng niệm người thân. Lầu Năm Góc đã quyết định mở cửa để công chúng vào thăm khu vực bị máy bay tấn công. Tối nay và sáng mai, lễ kỷ niệm 4 năm vụ 11/9 sẽ chính thức diễn ra. Lúc này, trên các hàng rào xung quanh thành phố New York, những bó hoa tưởng niệm đã được đặt ngay ngắn. Tại các toà cao ốc văn phòng ở khu trung tâm, người ta đã treo quốc kỳ Mỹ. Dự kiến, tối nay người dân New York sẽ dành 4 thời khắc tưởng niệm trùng với 4 thời khắc hai toà tháp bị tấn công và sụp đổ. Tên của nạn nhân sẽ được đọc to trên loa phóng thanh. Thống đốc New York George Pataki, Thị trưởng Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng Rudolph Giuliani và Ngoại trưởng Condoleezza Rice sẽ tham dự buổi lễ. |
Khi cơn khủng hoảng càng lúc càng trở nên trầm trọng, những giọng nói trên đài phát thanh càng mạnh mẽ pha lẫn sự kinh hoàng. "Cử tất cả các xe cứu thương tới hiện trường, mọi thứ các anh có phải được đưa tới ngay Trung tâm thương mại thế giới", một lính cứu hoả lên tiếng từ máy bộ đàm số 1.
Nhân viên cứu hoả Maureen McArdle-Schulman nhớ lại cô đã nghe thấy ai đó hét lên rằng có cái gì đang rơi xuống từ hai toà tháp ngay trước khi WTC sập.
"Hoá ra là những thân người, họ nhảy ra khỏi các tầng cao nhất", cô bồi hồi kể. "Lúc đầu chúng tôi không thể xác định đó là cái gì, nhưng khi thi thể đầu tiên chạm đất, chúng tôi mới biết đó là người. Tôi không thể tưởng tượng nổi, có cảm giác như tôi đang chứng kiến một lễ xưng tội vậy. Mọi người chọn con đường chết và tôi lại là người chứng kiến. Quá kinh hoàng, tôi và một đồng nghiệp khác quay mặt đi, nhìn vào một bức tường nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng xác người rơi phịch phịch bên tai".
Còn nhân viên cứu hộ John Felidi hồi tưởng lại lúc toà tháp phía nam đổ: "Chúng tôi nghe một tiếng rầm và quay ra nhìn...ngay sau lưng tôi là một đống khổng lồ...tôi không thể diễn tả nổi. Giống như một bãi rác lớn, bụi bay mù mịt".
Ngay khi Đài phát thanh Sở cứu hoả phát sóng những câu chuyện này, gia đình các nạn nhân vụ 11/9 đã chăm chú theo dõi, một số oà khóc khi nghe lại những chi tiết được miêu tả quá sinh động. Tại một toà cao ốc văn phòng ngay giữa Manhattan, khoảng 6 thành viên gia đình nạn nhân và 2 sĩ quan cứu hoả đang quỳ gối bên những chiếc máy xách tay để kiểm tra tính chân thực của câu chuyện. Trung tá Jerry Reilly, người đã may mắn thoát khỏi toà tháp cho biết câu chuyện quá đau lòng tới mức người ta không thể chịu đựng nổi. "Tôi chưa bao giờ được nghe về thảm hoạ 11/9 một cách sống động như vậy", anh nói và nước mắt trực tuôn rơi...
Hành động theo bản năng
Đoạn băng ghi âm một lần nữa làm người ta nhớ lại những câu hỏi vốn từ lâu ám ảnh gia đình các nạn nhân về cách ứng phó thảm hoạ của chính quyền. Các nhân viên cứu hoả nói rằng thiết bị liên lạc có sự cố, một số thậm chí không nghe theo mệnh lệnh.
Nhiều quan chức thành phố New York trong đó có cựu Thị trưởng Rudolph Giuliani cho biết nhiều nhân viên cứu hoả đã cố tình lờ đi lời kêu gọi khẩn thiết từ cấp trên hoặc đồng đội. Nhưng các gia đình nạn nhân lại đổ lỗi cho chính quyền thành phố đã không trang bị máy điện đàm chất lượng tốt cho nhân viên cứu hoả. Thực hư ra sao?
Trung tá Gregg Hansson thuộc lực lượng cứu hoả, máy 34 cho biết anh đã nghe thấy lời kêu gọi sơ tán khi đang ở trên tầng thứ 35 của toà tháp phía bắc và nhìn thấy các đồng đội của mình đang khẩn trương rời khỏi đó. "Tôi nghe thấy mệnh lệnh khẩn từ máy bộ đàm phải sơ tán toà nhà", Hansson nói. "Người chỉ huy bắt đầu yêu cầu mọi người phải nhanh chóng rời khỏi đó và tôi cũng làm theo anh ta. Tôi thấy tất cả các đơn vị đã lên trên, mọi người đều có trang bị đầy đủ và bắt đầu dùng thang để sơ tán dân thường".
Một lính cứu hoả khác từng có mặt tại toà tháp phía bắc là Paul Bessler nhớ lại anh đã nhìn thấy một đồng đội đi lên: "Đúng lúc ấy, máy bộ đàm của tôi phát lên tiếng nói: Sắp sập rồi, đây là một vụ tấn công khủng bố, sơ tán ngay lập tức. Chúng tôi đã mở lớn mệnh lệnh đó, hy vọng những đồng đội khác sẽ nghe thấy. Tôi nhìn vào mặt Andy và hiểu rằng chúng tôi sẽ phải rời khỏi toà nhà". Chỉ ít phút sau, toà tháp phía bắc sập xuống.
Sau 4 năm, nỗi đau vẫn chưa nguôi. |
Tất cả những lời kể này làm cho mọi người hiểu rằng một số lính cứu hoả đã vứt bỏ các quy định và đơn thuần chỉ hành động theo bản năng. Lính cứu hoả Patrick Martin, máy 229 kể lại rằng sau khi toà tháp phía nam sụp đổ, cấp trên của anh đã chỉ thị phải "dùng thuyền đưa nạn nhân tới bệnh viện qua sông Hudson". Nhưng anh đã phản kháng lại: "Tôi nói với anh ta rằng tôi sẽ không đi. Chúng tôi vẫn còn thiếu 1 đồng đội".
Timothy Burke, máy 202 lại kể một lính cứu hoả thuộc đội khác có chiếc di động và anh ta cùng những người khác đã dùng nó để gọi về gia đình. "Tình huống cực kỳ tồi tệ và hỗn loạn. Ai cũng muốn lấy điện thoại để cố gắng gọi cho vợ con nói lời tạm biệt. Chỉ duy khuôn mặt của mọi người...tôi không thể miêu tả nổi: đau đớn vì biết trước số phận của họ". Nó luôn và sẽ mãi mãi ám ảnh tâm thức của những người lính cứu hoả...
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)