Bốn năm dường như đã đủ để một sự kiện đi đến kết thúc. Thế chiến I và cuộc Nội chiến Mỹ kéo dài 4 năm. Thiên tài hội hoạ Michelangelo cũng chỉ vẽ bức tranh trần kỳ diệu tại Nhà nguyện Sistine trong 4 năm. Vậy mà đối với người Mỹ, 4 năm dường như quá ngắn để họ có thể quên đi ngày 11/9/2001.
Người ủng hộ giương khẩu hiệu ủng hộ nạn nhân vụ 11/9 |
Trên thực tế, đã có nhiều việc xảy ra trong 4 năm qua. Cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, thảm hoạ Sóng thần, các vụ đánh bom London và Madrid, bão Katrina. Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 cũng đã được dựng lên thậm chí có khi còn bị phá hoại. Lầu Năm Góc - nơi 184 người ra đi ngày ấy đã được sửa chữa lại từ 3 năm trước.
Tuần trước, lễ khởi công dự án tái thiết khu vực trước đây là Trung tâm thương mại thế giới - nơi 2.750 người thiệt mạng, đã được tiến hành. Một mẫu thiết kế tưởng niệm chiếc máy bay lao xuống cánh đồng Pennsylvania khiến 40 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, cũng đã được ra mắt. Và ngay sau thảm hoạ, nhiều nhà bình luận cho rằng nước Mỹ "đã thay đổi mãi mãi".
Tinh thần Mỹ có thay đổi vĩnh viễn hay không - đó là vấn đề của các sử gia tương lai nhưng vấn đề mà chúng ta quan tâm lúc này chính là: dấu ấn của ngày 11 tháng 9 năm 2001 ấy vẫn sống mãnh liệt trong tâm thức của mỗi người Mỹ đến tận bây giờ.
Những lo sợ "không tên"
Thật vậy, 4 năm sau vụ 11/9, các chuyên gia tâm thần và cư dân địa phương đều khẳng định rằng mặc dù vụ 11/9 có thể bị những sự kiện khác làm lu mờ và bị công chúng lãng quên, nhưng nỗi ám ảnh mà nó gây ra lúc nào cũng chực hiện về.
Diane Rokos ở Rosslyn vẫn luôn dán mắt vào chiếc phi cơ trên những chuyến hồi hương để đảm bảo rằng các thiết bị tiếp đất đều đã được hạ xuống. Cô nhớ lại hai chiếc máy bay bị không tặc đều bị phá huỷ vì bánh của chúng vẫn "chổng lên trời".
Scott Smit ở Falls Churchs luôn cất trữ thực phẩm và nước uống đủ dùng cho 2 tuần trong garage của ông để sẵn sàng cho một cuộc tẩu thoát và lên kế hoạch tập hợp cả gia đình tại vùng núi Blue Ridge phòng trường hợp bị khủng bố.
Cảnh Toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công |
Dawn Caskie ở McLean thì lúc nào cũng đề phòng tất cả mọi người mỗi khi lên máy bay và luôn giữ bản đồ chỉ đường trong xe hơi phòng khi cô bị tấn công.
Không chỉ đối với từng cá nhân, ám ảnh cũng bao trùm lên cả cộng đồng. Giầy dép của hành khách vẫn bị cởi ra để máy kiểm tra an ninh tại sân bay rà soát. Người đi xe đạp một thời từng tuân thủ theo nguyên tắc "bất thành văn": luôn nhìn thẳng thì giờ đây "đảo tứ phía" để quan sát mọi hoạt động xung quanh và phát hiện những túi xách khả nghi.
"Tôi ghét phải như vậy", Sandy Green - một khách bộ hành nói. "Thật chẳng văn minh lịch sự tí nào. Mọi người lúc nào cũng dán mắt vào người khác và dò xét. Giờ đây, chúng tôi đều trở thành những kẻ hay xoi mói".
Những biển hiệu dọc con đường nối giữa các bang yêu cầu người đi đường: "Thông báo ngay về các hành động khả nghi". Báo động giả gia tăng đột biến. Quân đội được huy động để "tìm chim trên trời". Quốc hội Mỹ bị sơ tán vì một thông tin "vô thưởng vô phạt". Mức báo động được điều chỉnh liên tục từ cao, lại xuống thấp làm mọi người chóng mặt. Và đến những thảm hoạ tự nhiên như Katrina dường như cũng làm cho mọi người thêm lo lắng.
48 tháng kể từ khi những kẻ khủng bố cướp 4 máy bay và lao vào Lầu Năm Góc, Trung tâm thương mại thế giới và một cánh đồng ở ngoại ô Pennsylvania, khu vực thủ đô lúc nào cũng bị ám ảnh bởi "thảm hoạ". Lực lượng an ninh vẫn không ngừng nêu ra mọi giả thuyết và cố gắng tìm kiếm nguyên nhân của tất cả những vấn đề chưa được giải quyết.
"Người Mỹ không thể biết lúc nào mọi việc sẽ thực sự đi qua", Alan Lipman, một bác sĩ tâm lý tại ĐH George Washington nói. "Nó tạo ra một mối hiểm hoạ mơ hồ mà không ai có thể nêu tên".
4 nam sau vu 11/9, nguoi My van khong nguoi noi am anh... |
Chỉ biết tin vào Chúa!
Còn Arie W.Kruglanski, Giáo sư tâm lý tại ĐH Maryland lại cho rằng nỗi ám ảnh có thể tạm thời bị "chôn vùi dưới những sự kiện được công chúng ưu tiên hơn" như cuộc chiến Iraq, giá xăng dầu và giờ đây là bão Katrina. Ông cho rằng người ta không thể lúc nào cũng lo lắng về tất cả mọi việc.
Nhưng nỗi lo vẫn còn đó và sẵn sàng bùng phát thành cơn hoảng loạn bất kì lúc nào người ta nghe thấy những sự kiện như đánh bom ở London. Một số người thậm chí tỏ ra mệt mỏi vì lúc nào cũng phải đề phòng cảnh giác. "Tôi cứ suy đoán, nếu có một vụ nổ hạt nhân ở đâu đó, có thể tại Washington D.C, và chúng tôi lại thành con số 0. Như vậy thì sao?", Sandy Green, một chuyên gia thiết kế nội thất tại Washington nói.
Có nhiều người đã quyết định không để nỗi ám ảnh dày vò cuộc sống của họ. "Tôi sẽ không thể sống cả đời trong sợ hãi", Celeste Myers, cố vấn công nghệ ở Washington khẳng định. "Tôi tin vào Chúa".
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)
Tường thuật lễ tưởng niệm nạn nhân 11/9