(VietNamNet) - Ngày 11/9 lại... tới. Trong những ngày này, người dân New York cùng với cả nước Mỹ đang hướng về New Orleans, nơi cơn bão Katrina khủng khiếp vừa đi qua. Nhưng liệu nỗi lo mới này có hoàn toan làm át đi nỗi thấp thỏm về nguy cơ khủng bố trong lòng người New York khi ngày 11/9 lại tới?
Liệu khoảng thời gian bốn năm đã thực sự làm dịu “nỗi đau 11/9”, hay dấu ấn của vụ khủng bố thảm khốc ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Nước mắt của những người mẹ mất con vẫn chảy sau 4 năm trời của thảm kịch 11/9. |
Tường trình của đặc phái viên VietNamNet từ New York:
Chia sẻ vết thương chung...
Đó là cảm nhận của những người sống ngoài New York. Những gì họ nhìn thấy ở New York bốn năm sau sự kiện 11/09 là một thành phố đã hồi phục sau thảm hoạ. Guồng quay của cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra.
Sau ngày 11/9/2001, tinh thần đoàn kết của người New York tăng cao. Người New York đối phó với các tình huống khẩn cấp khác bằng một thái độ bình tĩnh và tinh thần tương trợ cộng đồng cao hơn. Dường như, họ đang cố gắng tỏ ra bình tĩnh để tự an ủi mình và an ủi những người xung quanh.
Họ vẫn khóc thật nhiều và vẫn thường xuyên đến “Bãi đất trống” (Ground Zero) |
Họ xích lại gần nhau để cùng nhau chia sẻ "vết thương chung". Trong những ngày này, rất nhiều người đến đặt vòng hoa tại các khu tưởng niệm sự kiện 11/9 ở Manhattan.
Đã 4 năm nay, người New York vẫn đến cầu nguyện và đốt nến dưới chân hai Toà tháp đôi cũ vào ngày 11/9 hằng năm. Thêm vào đó, nỗi đau làm cho họ mở rộng trái tim và cảm thông với những mất mát của cộng đồng.
Từ những ám ảnh trách nhiệm của quá khứ, ngay sau khi cơn bão Katrina vừa đi qua, rất nhiều nhân viên cứu hộ ở New York đã tình nguyện xuống các bang miền Nam để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão.
Người New York đang tạo nên một thành phố với sức sống tràn trề như hình ảnh vốn có của nó. Họ vẫn thưởng ngoạn lối sống tự do phóng khoáng. Các trung tâm mua bán ở khu trung tâm Manhattan vẫn đông nghịt người qua lại. Các chuyến tàu điện ngầm vẫn chật ních người…
Vào giữa tháng 8, người New York vẫn nô nức kéo nhau tập trung tại các quảng trường chính như Lincoln, Pier 17, Union Square...
Họ tới để xem Liên hoan Âm nhạc hằng năm với sự biểu diễn của các ban nhạc quần chúng đại diện cho tất cả các cộng đồng đang sống tại New York, từ cộng đồng châu Phi, Mỹ Latinh, cho đến Arập.
Nhìn vào New York hôm nay, nhiều người thấy New York đã thực sự là một thành phố yên bình.
... cùng những thấp thỏm, lo âu
Thế nhưng, sâu trong lòng thành phố sôi động này, nỗi thấp thỏm vì lo lắng vẫn âm thầm ngự trị. Bốn năm đã trôi qua, vết thương tưởng chừng đã lành những thực ra vẫn còn nhức nhối.
Đặc biệt, đối với những ai đã có người thân ra đi mãi mãi.
Sau thảm hoạ 11/9, có những người vĩnh viễn phải chịu cảnh sống tật nguyền. Có người cố gắng thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của cảm giác sợ hãi mà không thể.
Họ vẫn khóc thật nhiều và vẫn thường xuyên đến “Bãi đất trống” (Ground Zero), nơi in dấu tích của hai Toà tháp đôi vốn được coi là hai “chiếc răng cửa” của thành phố New York, đã từng tồn tại.
Hai từ “an ninh” luôn luôn canh cánh trong tâm trí mỗi người dân New York. Ở những khu vực có mật độ dân số cao như Manhattan, nhiều người còn phấp phỏng lo từng ngày về nguy cơ khủng bố có thể xảy ra. Họ nghi ngờ khả năng làm việc hiệu quả của cảnh sát.
Một khách bộ hành lo âu: “Cảnh sát sẽ không thể làm được gì khác ngoài việc đứng canh phòng khắp nơi. Nếu có kẻ đánh bom tự sát nào xuất hiện thì cảnh sát cũng chẳng thể làm gì được”.
Cuộc sống của “thành phố không ngủ” này vẫn tiếp diễn như thường lệ, nhưng tất cả mọi thứ đều đặt ở tình trạng báo động cao…
Tiếng còi xe ô tô cảnh sát dưới mặt đất và tiếng động cơ máy bay tuần tra trên bầu trời là những âm thanh rất quen thuộc đối với người New York kể từ sau sự kiện 11/9/2001. Các trụ sở cảnh sát ở Manhattan được bảo vệ bằng mạng lưới hàng rào sắt cùng hệ thống kiểm tra căn cước nghiêm ngặt.
Tại các sân bay lớn như JFK và LGA, hệ thống an ninh được tăng cường chặt chẽ.
Anh D.L, một du học sinh Việt Nam đã ở New York từ năm 1999, cho rằng: “Rõ ràng từ sau vụ 11/09, mỗi lần qua cửa khẩu sân bay JFK phải mất hàng tiếng đồng hồ vì phải chờ cơ quan an ninh kiểm tra. Các nhân viên an ninh còn “lột” cả cái…pin (cúc) ống tay áo của tôi, vì nó làm bằng kim loại”.
Thậm chí, việc khám người chặt chẽ đến mức một số phụ nữ còn phàn nàn rằng họ bị nhân viên an ninh nam…lợi dụng. Đến cả các phi công bây giờ cũng được trang bị súng và được tham dự một khoá học huấn luyện kỹ thuật sử dụng súng để đề phòng lúc họ bị những tên không tặc tấn công. Cabin dành cho phi công được nâng cấp bằng một hệ thống cửa kiên cố và máy quay hình cực nhạy.
Cây cột sắt cháy thành hình thánh giá trên nền đất WTC |
Bộ áo đồng phục màu tím than và bốn chữ cái NYPD, (tên viết tắt của Sở Cảnh sát thành phố New York-New York Police Department) xuất hiện khắp nơi trên đường phố. Dường như lực lượng cảnh sát New York luôn sẵn sàng bước vào cuộc chiến.
Đi đâu cũng thấy cảnh sát. Họ đứng dày đặc tại các khu phố số 34, phố 42 và các khu phố hạ thành (downtown). Đây là các khu vực trung tâm của Mahattan, nơi tập trung những cửa hàng và các toà nhà chọc trời nhiều nhất New York. Theo ước tính, chỉ riêng khu vực phố 34 đã có 600.000 lượt người lưu hành mỗi ngày.
Cô Adran Chysanthon, một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bán đồ mỹ thuật trên phố 34, cho biết: “Cảnh sát có mặt khắp nơi quanh khu vực này”. Chỉ vào một người đàn ông mặc thường phục có đôi giày bóng lộn đứng cách đó mấy bước, Adran Chysanthon nói: “Cảnh sát chìm đấy. Họ đứng đầy đường!”.
Từ sau sự kiện 11/09/2001, chính quyền thành phố đã tích cực vận động người dân tham gia vào việc bảo vệ an ninh và chống khủng bố. NYPD và Sở Giao thông thành phố (MTA) đã phối hợp phát động một chiến dịch an ninh quần chúng với khẩu hiệu “Xin hãy báo ngay những gì bạn thấy khả nghi” (“If you see something, say something”).
Vụ đánh bom ở Luân Đôn gần đây càng làm cho các nhà chức trách New York thêm lo lắng cho sự an toàn của toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố này. Đặc biệt, là sự an toàn của hệ thống tàu điện ngầm khổng lồ dưới lòng thành phố.
Rõ ràng, hệ thống giao thông công cộng ở New York vẫn bị đe doạ nghiêm trọng. Theo tư liệu tình báo, năm 1993, những kẻ khủng bố đánh bom vào tòa Trung tâm Thương mại Thế giới cũng đã có âm mưu tiến hành các cuộc tấn công có sức tàn phá khủng khiếp vào hệ thống cầu và đường ngầm của New York. Âm mưu này đã bị thất bại.
Theo kế hoạch Flatbush, bọn khủng bố âm mưu tiến hành ba vụ nổ bom đồng loạt tại các điểm khác nhau của hệ thống tàu điện ngầm New York. Gần đây nhất, tháng 8 năm ngoái, cảnh sát New York đã kịp phát giác hai kẻ Hồi giáo cực đoan có ý định đánh bom ga tàu điện ngầm phố 34 ở trung tâm quảng trường Herald. |
Tiếp đó, năm 1997, Sở cảnh sát New York đã vô hiệu hoá kế hoạch Flatbush chỉ vài ngày trước khi kế hoạch này được thực hiện.
Ngay sau thời khắc những cuộc tấn công đầu tiên vào hệ thống giao thông công cộng ở Luân Đôn, cảnh sát New York đã nhận được lệnh bảo vệ sát sao toàn bộ hệ thống giao thông công cộng ở New York, gồm 14 đường ngầm dưới lòng sông dẫn vào Manhattan và tất cả các bến tàu điện ngầm.
Đặc biệt, cảnh sát và người dân ở đây rất nhạy cảm với những “túi xách bị bỏ quên”, bởi họ lo sợ rằng trong đó có bom.
Theo tờ US News, hàng ngày có đến 7 triệu lượt người tham gia lưu hành bằng các phương tiện giao thông công cộng ở New York, bằng một nửa số người sử dụng phương tiện công cộng trên toàn nước Mỹ.
Các chuyến tầu điện ngầm của New York vẫn chạy đều đặn 24 giờ mỗi ngày. Các nhà ga vẫn chật ních khách đi tàu. Thế nhưng, người ta vẫn nhận thấy trong nhịp sống hối hả đó là nét mặt căng thẳng của những khách lưu hành trên tàu điện ngầm…
Bảo vệ "Thành phố không ngủ"
Các chuyên gia an ninh cho rằng “thành phố không ngủ” này đang được bảo vệ kỹ lưỡng. Các quan chức thành phố đang xem xét một khoản chi 443 triệu USD vào cuối năm nay cho việc nâng cấp cấu trúc hạ tầng (như hệ thống máy lọc khí...) và các thiết bị an ninh (camera trinh thám...).
Theo thống kê của tờ US News, từ năm 2002, MTA (Metropolitican Transportation Authority) đã chi 30 triệu trong tổng số 600 triệu đô la ngân sách chống khủng bố. Chính quyền thành phố New York cũng đã mua của quân đội Mỹ những thiết bị hiện đại như máy cảm ứng nhiệt, radar, thẻ căn cước an toàn.
Hiện nay, New York có khoảng 5.700 máy camera trinh thám đặt tại các điểm nhạy cảm trong thành phố. Tất cả những biện pháp này đều nhằm ngăn chặn một “11-09” lần thứ hai.
Thậm chí, theo ông Brian Jenkins, (Giám đốc Trung tâm An toàn Giao thông Quốc gia tại trường Đại học San Jose), do tính chất khó lường của các cuộc tấn công vào giao thông công cộng, “chúng ta phải tạo ra một môi trường an ninh để giảm thiểu tác hại khi có các cuộc tấn công xảy ra”.
Tuy nhiên, thật khó bảo đảm an toàn cho một hệ thống đường ngầm và các bến tàu điện đồ sộ với tổng cộng 3.312km dưới lòng thành phố New York.
Chỉ riêng việc vận hành hệ thống thông gió dưới lòng đất cũng đã là cả một vấn đề lớn. Những dãy cột sắt dựng san sát nhau và những ngóc ngách tối tăm ở khắp nơi dưới các bến tàu cũng đã đủ làm vô hiệu hoá các thiết bị do thám.
“Không quên quá khứ nhưng... sẽ nhìn về tương lai"
"Không quên quá khứ, nhưng luôn hướng tới tương lai". Đó là những gì mà New York và nước Mỹ đã và đang làm sau ngày kinh hoàng.
Rõ ràng sự kiện 11/9 đã thức tỉnh New York và nước Mỹ về yêu cầu ngăn chặn nguy cơ khủng bố và họ đã, đang làm tất cả để đạt được mục tiêu đó.
Hầu hết người dân New York đều tán đồng ý tưởng xây một nhà tưởng niệm sự kiện 11/9 tại chân toà Tháp đôi cũ. “Nhà tưởng niệm sẽ thể hiện tinh thần bất diệt của nước Mỹ”, Rudy Giuliani, một khách du lịch tại khu Fulton, nơi có hai toà tháp đôi cũ của vùng hạ thành (downtown) Manhattan, nói vậy.
Nhà tỷ phú nổi tiếng Donald Trump, ông trùm thầu quen thuộc của hàng loạt toà nhà chọc trời ở New York, quả quyết rằng: “Toà tháp đôi mới sẽ cao hơn, chắc hơn, và đẹp hơn”. Ngoài ra, một số người dân cũng cho rằng nên có thêm một bảo tàng 11/9 và một thư viện 11/9.
Gần bốn năm sau ngày 11/9/2001, nước Mỹ lại rơi vào tình trạng khẩn cấp sau khi cơn bão Katrina tàn phá hai tiểu bang Mississippi và Louisiana và huỷ hoại thành phố du lịch New Orleans nổi tiếng.
Lại một lần nữa, từ trong thảm hoạ, người Mỹ đã rút ra bài học mới: ngăn chặn thảm hoạ phải đi đôi với chuẩn bị đối phó với thảm hoạ.
Rút kinh nghiệm từ những gì đã qua và vươn lên từ sự đổ nát là những gì người New York đã và đang làm là những gì người dân New Orleans sẽ làm. Những khu phố Pháp của New Orleans sẽ lại sôi động, những bản nhạc Jazz sẽ lại tiếp tục ngân vang và ngày hội Mardi Gras sẽ lại thu hút hàng chục vạn du khách.
Như lời ông Trump nói: “Chúng ta không thể quên quá khứ, nhưng chúng ta phải tiếp tục bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ nhìn về tương lai”.
-
Lưu Vỹ Hồ (Từ NewYork, Mỹ)