(VietNamNet) - Sau hơn 2 năm đàm phán, cuối cùng CHDCND Triều Tiên cũng đã đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của mình và chấp nhận sự trở lại của phái đoàn thanh sát LHQ. Tuy nhiên, thoả thuận đạt được ở Bắc Kinh hôm qua đã đặt ra hàng loạt vấn đề phức tạp - ít ra là làm thế nào đảm bảo Bình Nhưỡng thực hiện ''những hứa hẹn'' của mình.
| ||
Nếu so với trước đây hầu hết các cuộc đàm phán dường như chẳng đi đến đâu thì động thái hôm qua quả là một tin tốt lành. Nhưng thoả thuận không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng một lần cho mãi mãi. Sáu nước tham gia đàm phán - CHDCND Triều Tiên. Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc - đã phải gạt lại một số vấn đề hóc búa nhất chỉ để cố đồng ý ''bản thoả thuận cuối cùng''.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il vẫn khăng khăng không ngừng chương trình hạt nhân của mình cho đến khi ông nhận được sự đảm bảo về an ninh và được cung cấp năng lượng. Bình Nhưỡng vẫn cương quyết ''đòi'' một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ để sản xuất điện. Trong khi đó, các nước tham gia đàm phán chỉ đồng ý thảo luận về ''yêu sách'' này tại một ''thời điểm thích hợp''.
CHDCND Triều Tiên cam kết ngừng chương trình hạt nhân |
Trên hết, với tính khí khó đoán của của nhà lãnh đạo Kim Jong Il và lịch sử ''quay lưng lại'' với các thoả thuận của Bình Nhưỡng, thì quả vẫn còn quá sớm để ăn mừng sự thành công của vòng đàm phán.
Chỉ có thể ăn mừng khi CHDCND Triều Tiên thực sự mở cửa tất cả các cơ sở hạt nhân cho đoàn thanh sát IAEA, bắt đầu huỷ các cơ sở này và giải trừ bất kỳ quả bom hạt nhân nào mà nước này hiện có trong tay. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thời gian biểu nào để thực hiện những điều ''trọng yếu'' trên cũng như việc Bình Nhưỡng quay trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tất cả điều trên cho thấy, vẫn cần thêm vòng đàm phán nữa, tại Bắc Kinh vào tháng 11 tới.
Trở lại hơn một thập kỷ trước, Mỹ đã ''lao tâm khổ tứ'' khuyên can CHDCND Triều Tiên không phát triển bom nguyên tử, nhưng tất cả các nỗ lực của Washington đều thất bại. Do đó, chắc chắn sự hoài nghi vẫn đứng giữa hai quốc gia này.
Năm 1994, Bình Nhưỡng đã đồng ý ngừng sản xuất plutonium, đổi lại Washington và đồng minh phải cung cấp dầu và hỗ trợ xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ theo thiết kế của phương Tây (bởi sản xuất nhiên liệu vũ khí hạt nhân từ các lò phản ứng trên khó hơn rất nhiều so với những lò CHDCND Triều Tiên từng xây dựng). Tuy nhiên, thoả thuận này bị sụp đổ vào năm 2002 sau khi Mỹ cáo buộc CHDCND Triều Tiên thực hiện một chương trình làm giàu uranium bí mật.
Dù sao, thoả thuận ''mang tính thăm dò'' đạt được tại Bắc Kinh hôm qua vẫn còn tốt hơn là chẳng có thoả thuận nào. Tất cả các bên đều đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng thoả hiệp. CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận trên nguyên tắc rằng, nước này không cần vũ khí hạt nhân để phòng vệ. Mỹ cũng không còn khăng khăng khước từ đàm phán tay đôi với CHDCND Triều Tiên. Tổng giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei bày tỏ lạc quan rằng, dấu hiệu tích cực tại cuộc đàm phán sáu bên có thể đưa Iran và bộ ba Đức, Anh, Pháp quay trở lại bàn thương lượng.
-
Trần Kiên (tổng hợp)