221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
709308
Hành trình trong cơn bão Katrina (kỳ 2)
1
Article
null
Hành trình trong cơn bão Katrina (kỳ 2)
,

(VietNamNet) - Lúc chúng tôi đi ra khỏi nhà, nước bắt đầu lên rất nhanh, các nắp cống nước trào lên, đường phố cũng bắt đầu ngập nước...

Kỳ 1:Bình thản chờ bão đến

Thứ Ba 30/8/2005 – Nước lên

Buối sáng thứ 2 tỉnh dậy sau một đêm được ngủ yên ổn, đi ra phòng khách thấy mùi hôi bốc lên kinh quá! Nền nhà trải thảm bị ngập nước bây giờ bốc mùi thật khó chịu. Trời nắng nên nước bốc hơi càng ghê. Thôi động viên nhau chịu khó 1-2 ngày, có điện thì mình sẽ làm sạch lại. Cả hội lại đi nhóm lửa nấu mì tôm ăn...Trời đẹp lắm, ai cũng nghĩ là bão tố đã qua rồi.

Đang nấu ăn thì có một chiếc ô tô đi lại gần nhà, người đàn ông trên xe thò cổ ra và nói chuyện với ông ở nhà trên, nghe lóang thoáng thấy điều gì đó khẩn cấp lắm nên chúng tôi cũng chạy ra hỏi và được biết rằng cái đê ngăn nước đã bị vỡ, trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ nữa là nước sẽ ngập khắp nơi. Ông chủ nhà phía trên nói với chúng tôi nên đi luôn không thì không kịp…. Chúng tôi vào nhà sắp xếp đồ đạc và chuẩn bị đi. Những gì để lại nhà thì được kê lên cao và hy vọng sẽ không bị ngập nước.

Từ trái sang phải: Bích, Hiếu, hai vợ chồng Huy, Yến, Cường và Nori (người Nhật mà nhóm đã gặp ở Convention Center).

Mấy người chúng tôi chạy ra ăn vội nồi mì tôm đã nấu và cùng nhau mang đồ đạc đi bộ hướng về trường ĐH Tulane. Chúng tôi dự định ra đó hy vọng sẽ tìm được một chỗ nào đó trên tầng để trú ngụ khi nước lên.

Lúc chúng tôi đi ra khỏi nhà, nước bắt đầu lên rất nhanh, các nắp cống nước trào lên, đường phố cũng bắt đầu ngập nước. Không đến mức kinh khủng như tsunami, hoặc trong phim nhưng tốc độ nước lên khá nhanh. Chúng tôi đi bộ và chẳng ai nói gì, đến được khỏang nửa đường tôi thấy mệt và chán quá, bật ra mấy câu: “hay là đi về nhà đi, không đi nữa”....heeeeee... Thế là cả hội đồng thanh: “về, về, về....”. Hóa ra ai cũng chẳng muốn đi khỏi nhà, và đều muốn về. Cả hội quay lại nhà, về đến nhà mới thấy rằng nước đã lên đến quá đầu gối, ...nhanh thật mới khỏang gần 1 giờ đồng hồ mã đã lên như vậy. Chúng tôi lội vào nhà, mọi người đều cho rằng chắc nước lên cao lắm cũng chỉ tới bụng là cùng. Lúc này thì có 2 ý kiến khác nhau, một số người thì vẫn muốn đi khỏi, một số thì ở lại. Đi thì đi đâu? còn ở lại thì sống thế nào? Cuối cùng thì phần đông gồm tôi, anh Bích, Hiếu và vợ chồng Huy là muốn đi khỏi, còn Đức với Long thì ở lại nhà. Thật tình lúc đó chúng tôi cũng chẳng biết là phải đi đâu, chỉ biết thôi cứ ra ngòai đường lớn. Ở đó có xe cộ đi lại, có gì kêu cứu cũng dế.

Cả hội đi ra đường South Claiborne, đứng ở ngã tư một lúc thì có một cái xe van chạy qua. Họ dừng lại và cho một gia đình cũng khá đông lên xe. Chúng tôi cũng chạy lại và xin đi nhờ; chẳng biết họ đi đâu những cũng cứ đi. Cả bọn leo lên nóc chiến xe van, cùng với 2, 3 người khác. Chiếc xe đưa chúng tôi về hướng Superdome. Chúng tôi làm quen và biết được 2 anh chàng người Brazil, mọi người đều rất vui vẻ.

Trên đường đi, nước cũng đã ngập khá nhiều góc phố. Nhiều nhà cửa bị đổ nát sau cơn bão, các cửa hàng cửa hiệu dọc phố South Claiborne bị đập phá khá nhiều. Một số cửa hàng còn đang bị những người da đen vào hôi của. Có một căn nhà đang bốc cháy. Chiếc xe cứu hỏa chạy vòng vòng rồi đi, không biết họ có dập lửa không.

Chiếc xe van thả chúng tôi và gia đình kia xuống chân dốc lên đường liên bang số 10 (Interstate 10). Chúng tôi đi bộ về phía Superdome với hy vọng sẽ vào được đó và ở lại tránh lũ.

Đến gần Superdome chúng tôi mới biết rằng nước đã ngập xung quanh sân vận động và cảnh sát không cho chúng tôi vào trong. Đến nơi, chúng tôi gặp mấy người mặc đồng phục, không biết là làm cái gì, họ cho chúng tôi mỗi người một chai nước và nói rằng đi ra chỗ mát, chỗ các đường cao tốc giao nhau, ngồi nghỉ ở đó và đợi, sẽ có người giúp đỡ. Chúng tôi đi ra đó, tìm chỗ để ngồi. Đến gần trưa có một ô tô chở sữa đến, mọi người gọi nhau ra lấy sữa. Bọn tôi cũng lấy được 2 thùng. Lúc này thì mọi người uống sữa và vứt la liệt trên đường. Uống xong lại ngồi, nằm rồi ngồi.

Nhiều người da đen bắt đầu cảm thấy chán nản, họ chửi bới lung tung. Bọn trẻ con thì đùa nghịch. Đám thanh niên da đen đi đập phá các cửa hàng để lấy nước, bia, rượu và đồ ăn. Chúng tôi ngồi yên, chẳng dám đi đâu làm gì. Hội thanh niên da đen lấy được nhiều đồ và đem cho lung tung. Bọn tôi cũng đựơc họ cho một vài chai nước, mấy gói đồ ăn khô. Có cả một ông chạy đến đưa cho chúng tôi mấy bao thuốc lá. Chúng tôi cũng bớt sợ họ hơn và nhìn thấy nhiều điều tích cực.

Thời gian bắt đầu trôi qua, càng ngày càng có nhiều người đến chỗ chúng tôi và chờ đợi. Không ai biết ngồi đây để làm gì. Bên Superdome, trực thăng bay lên, bay xuống không biết chở gì. Chỉ thấy nhức cả đầu vì tiếng động cơ máy bay.

Trời về chiều. Sau rất nhiều giờ đồng hồ ngồi đợi, hỏi han mà không hiểu ngồi đây để làm gì, chúng tôi bắt đầu muốn quay về nhà. Một số người nói nước đã xuống rồi, về thôi. Chúng tôi cũng quyết định đi về, kiếm cái nhà nào đó bên cạnh trèo lên tầng 2 mà ngồi cũng được.

Đi về đến đầu đường South Claiborne, nhìn thấy một quãng đường dài ngập nước, ai cũng ngao ngán. Thế là quay lại gầm cầu. Đến giữa đường thì chúng tôi lại gặp anh chàng người Brazil, anh ta nói nước không cao lắm, chỉ qua đầu gối một chút có thể lội về nhà được. Anh ta cũng cùng với gia đình quay lại nhà ở phố Napoleon. Nghe thấy hợp lý, cả hội bắt đầu lội nước quay lại nhà. Nước không cao ở đọan đầu phố, nhưng càng đi càng thấy run, nước thì bẩn…khiếp… tòan vết dầu xe loang lổ trông ghê quá, càng đi xa nước đã dần dần lên đầu gối, đến đùi....

Tôi đang phân vân không biết thế nào thì bị trượt chân, nhảy vội lên bãi cỏ để tránh bị ướt cái laptop...thì trời ơi nhảy trúng vào tổ kiến lửa. Phải có đến hàng trăm con kiến bâu vào chân tôi và đốt. Tôi nhảy xuống nước để giải quyết tổ kiến và đi tiếp. Đến khoảng gần một nửa đường thì nước sâu quá, gần lên đến bụng rồi. Tôi với bác Bích đứng giữa đường tranh luận xem có nên đi tiếp không, tôi thì muốn đi tiếp nhưng bác Bích thì muốn quay lại, cuối cùng thì quay lại.

Tôi vừa đi vừa cảm thấy cái chân bị kiến đốt đau nhức. Về đến chỗ gầm cầu, mặt đã sưng vù lên. Tôi vội vàng đi thay cái quần bị ướt sau đó quay lại gầm cầu. May quá bác Bích có mang theo thuốc … thế là kê đơn ngay cho một viên thuốc di ứng. Tôi uống rồi nằm xuống vỉa hè. Nói là vỉa hè cho oai chứ thật ra cái bề rộng của nó chỉ được khỏang 50-60cm, một bên là tường chắn một bên là một dãy ô tô. Ngồi không thể duỗi chân được, còn nằm mà không để ý chắc lăn ra đường. Chúng tôi bỏ thức ăn mang theo ra, cũng còn được một ít cơm nắm và giò. Thôi ăn đi, cơm hơi cứng còn giò thì hơi có mùi rồi, ...nhưng ăn đại đi còn hơn là nhịn đói.

Lần đầu tiên trong đời tôi phải nằm ngủ trên vỉa hè, từ bé đến lớn có bao giờ phải như vậy đâu. Nằm trên nền bê tông, đầu gối lên cái ba lô, chân gác lên cái carry-on trong đó cũng chẳng có gì nhưng đó là tòan bộ tài sản của tôi bây giờ. Trời thì nóng những vẫn phải mặc áo khóac vì sợ bị ốm. Mặt tôi vẫn sưng vù vì dị ứng do kiến lửa đốt. Mùi xăng xe, mùi nước tiểu hôi quá nhưng chẳng biết làm thế nào vì đây là chỗ duy nhất có thể nằm được.

Lúc này tôi mới thấy sợ, nằm không ngủ được vì cứ nghĩ không khéo mình chết ở đây đến sáng mai cái xác của mình nó như thế nào nhỉ? Cũng may là khoảng 9-10 giờ tối gì đó hết dị ứng, người cảm thấy thỏai mái hơn, lại cảm thấy đói. Ngồi dậy lấy gói mì tôm bẻ từng sợi một ngồi ăn, xung quanh thì toàn người da đen nằm la liệt.

Thứ Tư, 31/8/2005 – Convention Center ngày 1

Nằm mãi rồi cũng đến sáng. Mọi người thức dậy. Có tin hôm nay sẽ có xe bus đến chở chúng tôi sang Texas. Chúng tôi cũng chẳng còn gì ăn ngoài lạc rang và mấy gói mì tôm. Mấy miếng giò đã thiu hết, không ai dám ăn vì sợ bị ngộ độc. Mọi người chia nhau ít lạc rang, mấy gói đồ ăn khô và mì tôm. Cũng chẳng ăn được nhiều hay nói đúng hơn chẳng dám ăn nhiều vì ăn vào thì sợ không lo được “đầu ra” và cũng để tiết kiệm thức ăn nữa.

Chờ đợi ..chờ đợi mà không biết đến bao giờ mới đi được. Những người da đen bắt đầu bực tức, họ chửi rủa lung tung; Có ai đó đi lên trên đường cao hơn, lôi được mấy ông nhà báo, truyền hình xuống. Thế là như một đám hỗn lọan: họ nói, chửi bới thậm tệ. Tất cả tập trung vào mấy việc: Tại sao không ai quan tâm đến chúng tôi? Bao giờ chúng tôi mới đi di tản được? Sao không thấy đồ cứu trợ? ....

Đến đầu giờ chiều thấy một đoàn xe bus, ai cũng mừng vì nghĩ rằng mình đã thoát nạn. Nhưng đòan xe cứ chạy qua không dừng lại. Họ lại bắt đầu chửi rủa mãi sau này tôi mới biết đòan xe bus đó là chính quyền dùng để vận chuyển tù nhân đi tránh lũ chứ không phải cho chúng tôi.

Sự kiên nhẫn của những người da đen bị thử thách quá nhiều. Họ bực tức lắm. Một vài điều tồi tệ đã đến. Đang ngồi yên thì tự nhiên nghe “bụp” một tiếng, đám người náo lọan cả lên, ..”get out of here, get out, get out”....Mọi người chạy rầm rập hóa ra là họ bắn nhau, ai đó mang súng và chẳng hiểu lý do gì bắn. Chỉ thấy vậy là sợ chết khiếp. Từ lúc đó đến chiều tối chúng tôi sống trong thấp thỏm. Thỉnh thỏang lại có một vụ bắn súng như vậy, cảm giác an toàn hầu như không còn nữa. Mình chẳng gây sự với ai nhưng nhỡ đâu tên bay đạn lạc.

Gần 5 giờ chiều, vô vọng chờ di tản, không biết một chút thông tin gì, hỏi han lung tung. húng tôi thấy họ kháo nhau ở Convention Center (TT hội nghị/hội trợ triển lãm của thành phố) có chỗ trú ẩn, ở đó có thức ăn, nước uống và có xe bus đón sang bang khác. Chúng tôi quyết định đi xuống đó. Từ chỗ chúng tôi đến CC chắc cũng khỏang độ 3-4km.

Xuống đến nơi thấy đông người, nhưng có vẻ tươi sáng vì có ánh điện, có nhà rộng. Bác Huy lớn nhìn thấy một cái khách sạn, nhảy vào đòi thuê ... Trời ạ. Nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu ông này nghĩ gì. Tình cảnh này mà đòi thuê khách sạn trong khi có đến gần 20 ngàn người ngồi ngoài kia.

Vào CC, chúng tôi chọn được một góc cũng sáng sủa, chạy đi tìm mấy cái hộp carton để trải ra nằm.

Lúc trước khi bão tôi đã một lần đến đây xem triển lãm. Bây giờ thì nó quá khác với trước, ...gần như hoang tàn. Tất cả đồ đạc, thiết bị vứt lăn lóc. Các cửa hiệu trong food court bị phá tan tành. Khu River Walk bị phá hết sạch, các gian hàng bị hốt sạch trơn, đồ đạc cái nào tốt thì bị lấy hết, còn lại vứt lung tung. Tôi cũng nhặt được một cái mũ, vẫn còn gắn cả thiết bị chống trộm nhưng về lấy dao cậy ra là dùng được thôi.

Buổi tối đầu tiên ở Convention Center cũng không đến nỗi tệ vì chúng tôi đều phấp phỏng chờ ô tô đến đón, ăn tối thì chẳng có gì ngòai lạc rang, hạt điều, mấy gói khoai tây, khoai môn khô. Nước uống không thiếu nhưng khu vệ sinh thì kinh khủng. Bạn cứ tưởng tượng cả khu vực đó có khỏang 10 khu vệ sinh và phải phục vụ khỏang gần 10.000 người trong mấy ngày vừa rồi thì sẽ hình dung được.

Những người da đen vẫn vui vẻ đi đập phá. Họ khuân vác rất nhiều giày dép, đồ ăn, rượu bia từ các cửa hàng xung quanh. Đến tối, nhóm chúng tôi có thêm một thành viên, đó là anh Hoàng, một người VN sống ở New Orleans. Anh ta to cao và trông hơi đầu gấu.

Chúng tôi cố gắng gọi từ máy điện thọai công cộng trong Convention Center cho gia đình để mọi người đỡ sốt ruột nhưng không gọi được. Anh em dự định thay nhau ngủ để trông đồ nhưng cuối cùng mọi người lăn ra ngủ hết.

Tôi không ngủ được, ngồi ghi lại những gì xảy ra với mình trong mấy ngày vừa qua vì ở đây có điện, có ánh sáng. Đến gần 2 giờ sáng vừa chợp mắt được chút thì thấy mọi người chạy ào ào. “Xe bus tới, xe bus tới” ...Tất cả chúng tôi cũng chạy ra theo. Một đám đông hỗn loạn với khỏang gần 10.000 người tranh nhau đến gần 5-6 cái xe bus. Thấy vậy chúng tôi dừng lại vì biết cũng chẳng thể nào tranh lên xe được. Không biết có phải họ đến đón chúng tôi không, hay vì sợ quá nên các xe bus đi mất hết.

Quay lại chỗ nằm, vừa ngả lưng một chút thì lại có tiếng súng, mọi người chạy toán loạn. Chúng tôi cũng chạy. Một lúc sau thấy không có gì xảy ra, quay lại chỗ nằm. Ngủ tiếp đến sáng.

Thứ Năm, ngày 1/9/2005 – Convention Center ngày 2

5 giờ sáng thức dậy. Ai cũng hy vọng hôm nay sẽ có cứu trợ, thức ăn, nước uống và được đi khỏi New Orleans. Thức ăn sắp hết nên mọi người chỉ ăn chút xíu cầm hơi, không di chuyển, nằm yên một chỗ cho đỡ tốn năng lượng.

Anh Hoàng quay trở lại nhóm và dắt thêm một thành viên mới - một cậu học sinh người Nhật bản, đang học nhạc và tiếng Anh ở New Orleans. Trông nó cũng thật tội nghiệp. Một thân một mình và còn mỗi một quả dưa chuột muối. Chúng tôi chia sẻ những gì còn lại cho cậu bạn mới và cùng nhau chờ đợi. Ai cũng chỉ phấp phỏng bao giờ sẽ có xe bus tới, bao giờ mới ra được cái chỗ quái đản này.

Đồng hồ cứ chạy, thời gian cứ trôi, ...chắc là buổi trưa sẽ có xe. Đến trưa rồi, .... chắc đến chiều có xe, ....đến chiều rồi, ...chắc là buổi tối sẽ có, ....không … đêm nay lại ngủ đây rồi.

Một ngày chờ đợi không kết quả gì, nước hết, thức ăn không còn. Chúng tôi bắt đầu phải đi xung quanh xem có gì ăn không. Những người da đen sục xạo khắp nơi, họ tìm kiếm thức ăn, đồ uống, ... họ khuân đồ từ trên các tầng phía trên xuống, nhiều thức ăn lắm. Chúng tôi nhìn thấy nhưng chẳng dám lên vì trên đó không có điện, tối om.

Đám thanh niên da đen sau khi kiếm được đồ ăn đồ uống bắt đầu quậy phá. Họ lấy những chiếc xe chạy bằng ắc quy của TT hội nghị và đi lại vèo vèo trong nhà, cười nói, vui vẻ lắm. Chúng tôi đi loanh quanh và kiếm đồ ăn, nói đúng ra là đi nhặt đồ ăn thừa. Những người da đen họ ăn uống những gì kiếm được và vứt đi cũng nhiều, chúng tôi đi xem còn những chai nước, đồ hộp, gói bánh nào còn nguyên chưa bị bóc ra lấy về dùng. Có lẽ lúc bình thường thì chẳng bao giờ làm chuyện này, nhưng bây giờ không ăn thì đói. Cũng kiếm được một chút đồ ăn chúng tôi lại chia nhau để dùng. Trong đám da đen có vài người mang đến cho chúng tôi chai nước ngọt, mấy gói bánh. Mọi người ăn uống và lại nằm, chờ đợi. Cả đêm hôm đó chúng tôi ngủ chập chờn vì thỉnh thỏang lại có đánh lộn, bắn nhau. Những lúc như vậy cả trung tâm hội nghị lại náo lọan lên, mọi người chạy rầm rập.

Hôm nay cũng may quá, anh Hoàng nạp được điện thọai di động thế là gọi nhờ sang Texas cho người nhà anh Bích nhờ nhắn về VN. Thôi ít ra cũng báo được cho mọi người biết là vẫn còn sống. Đến gần sáng người nhà anh Hoàng gọi điện sang, thế là lại nhờ nhắn tin về cho vợ. Chắc mọi người nhận được tin rồi.

  • Phạm Việt Cường

Kỳ tới: Chờ đợi trong vô vọng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,