Giải Nobel Hoà bình thường được trao tặng để ghi nhận đóng góp mà các cá nhân đã làm được. Nhưng giải năm nay lại mang một ý nghĩa khác: động viên nhiều hơn ghi nhận.
>>>Gương mặt đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2005
Giải Nobel Hoà bình 2005 được trao cho Giám đốc IAEA ElBaradei vì những đóng góp của ông. Nhưng liệu điều ấy có xứng đáng không khi cuộc chiến Iraq đã diễn ra với lý do hết sức "đơn giản": Saddam có vũ khí huỷ diệt hàng loạt? |
Sứ mệnh còn dang dở
Trong một động thái "vỗ mặt" Tổng thống Mỹ Bush, giải Nobel Hoà bình đã được trao cho người dám tuyên bố: lý do đưa Mỹ tới cuộc chiến Iraq chỉ căn cứ vào một lời nói dối. Uỷ ban Nobel Hoà bình Na Uy đã trao giải thưởng danh dự của năm 2005 cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Giám đốc Mohammed Elbaradei - người đã giáng cho chính quyền Bush một đòn vào đúng đêm cuộc chiến Iraq bắt đầu.
Đối với ElBaradei, những hình ảnh mờ nhạt cuối cùng về Baghdad còn đọng lại trong đầu ông là từ tháng 2/2003, chỉ vài tuần trước khi quân Mỹ và Anh cùng nhiều xe bọc thép tiến vào thủ đô Iraq, bắt đầu một cuộc chiến với lý do: Saddam có vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Khi ấy, ElBaradei đang ở Baghdad cùng với đồng nghiệp của mình, Hans Blix - nguyên Trưởng ban thanh sát vũ khí LHQ. Hai người bạn đi dọc theo dãy hành lang của Khách sạn Al Rasheed lúc này đã bị các nhà báo vây kín với hy vọng sẽ "chộp" được một thông tin, hay tiết lộ gì đó trước khi cuộc thương lượng với phía Iraq bắt đầu. Cánh phóng viên dường như đặt rất nhiều hy vọng vào Hans Blix, bởi lẽ ông vốn có "tình cảm đặc biệt" đối với ống kính camera.
Nhưng Baradei thì khác. Dù khuôn mặt ông rất trang nghiêm, người ta vẫn có thể thấy rõ sự đau khổ, phẫn nộ về sứ mệnh mà ông và Blix phải gánh vác. Khuôn mặt ấy nói lên tâm sự của một người đàn ông phó thác bản thân mình cho một sứ mệnh "vô vọng" mà kết quả của nó lại được đánh giá bởi những nhân vật khác ở London và Washington. Sứ mệnh ấy từng được Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Mỹ George Bush miêu tả là "cơ hội cuối cho hoà bình".
Vào đêm cuối cùng ElBaradei ở Baghdad, có tới hàng chục chiếc xe hơi trắng được các thanh sát viên vũ khí sử dụng đậu trong sân Khách sạn Canal - trụ sở của LHQ tại Iraq. (Số xe này được mua bằng tiền thu được qua chương trình Đổi dầu lấy lương thực". Bên trong khách sạn, phóng viên của những hãng truyền hình có ảnh hưởng nhất thế giới đã tề tựu đông đủ.
Tất cả được dồn vào một căn phòng và mỗi hãng truyền hình được sắp xếp vào một vị trí để dựng đồ nghề. Người tổ chức cho rằng làm như vậy, ông Blix và ông Baradei có thể "nhảy" từ cuộc phỏng vấn này sang cuộc khác mà không mất nhiều thời gian. Có đến 5 cuộc phỏng vấn được tiến hành nhưng không ai hỏi ông Baradei. Cuối cùng, một phóng viên của tờ Independent tiến tới và làm cuộc phỏng vấn riêng với Baradei trong một phòng họp. "Chúng tôi vẫn tiếp tục. Có rất nhiều việc phải làm và các cuộc thanh sát vẫn tiếp tục. Chậm nhưng có tiến triển. Tôi không thấy có lý do gì để chấm dứt quá trình thanh sát", ElBaradei nói.
Một tuần sau cuộc phỏng vấn ấy, ông trở lại New York để điều trần trước HĐBA LHQ. Ông đã không thể có câu trả lời rõ ràng:
"Như tôi đã báo cáo trước đây, IAEA kết luận tháng 12/1998 rằng: IAEA đã trung lập hoá chương trình hạt nhân của Iraq và vì thế không hề tồn tại vấn đề giải giáp vũ trang ở đây. Do vậy trọng tâm của chúng tôi kể từ khi tiếp tục các cuộc thanh sát 2 tháng rưỡi trước là kiểm tra xem Iraq có phục hồi chương trình hạt nhân trong những năm tiếp theo hay không. Cho tới nay, chúng tôi không thấy bất kì bằng chứng nào về hoạt động theo đuổi vũ khí hạt nhân hay liên quan tới vũ khí hạt nhân ở Iraq. Tuy nhiên, như tôi vừa đề cập, nhiều vấn đề vẫn đang được điều tra và chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra kết luận gì".
Ba tuần sau khi ElBaradei phát biểu trước HĐBA LHQ, cuộc chiến Iraq bắt đầu.
Nobel Hoà bình hay sự mở đầu mới?
Giờ đây, Mohamed ElBaradei dường như bị dằn vặt bởi cảm giác hối hận. Ông hối hận rằng trong những tuần trước khi cuộc tấn công diễn ra, ông đã không mạnh mẽ hơn khi tuyên bố rằng: Không hề có bất kì bằng chứng nào cho thấy Iraq quay trở lại chương trình hạt nhân. Ông hối hận rằng ông đã không công khai hơn khi đưa ra yêu cầu xin thêm thời gian để LHQ tiến hành thanh sát. Trên tất cả, ElBaradei hối hận về mọi thứ đã tiếp diễn tại Iraq và Trung Đông kể từ lúc ấy.
Phải chăng giải thưởng của Uỷ ban Nobel Hoà bình Na Uy còn có một ý nghĩa nào khác ngoài ý nghĩa chính của nó: tạo một động lực mới mới cho ElBaradei, giải phóng ông khỏi những sức ép mà ông từng phải chịu từ trước cuộc chiến Iraq? |
Giải Nobel Hoà bình thường được trao tặng để ghi nhận đóng góp mà các cá nhân đã làm được. Nhưng giải năm nay lại mang một ý nghĩa khác. Dường như nó tạo cho ông Baradei và các đồng nghiệp của ông tại IAEA một quyền năng đạo lý, một nền tảng để thu hút sự chú ý của dư luận. Giờ đây, ElBaradei và IAEA có thể độc lập hơn, ít phụ thuộc hơn vào các áp lực chính trị mà họ từng phải chịu trước khi cuộc chiến Iraq diễn ra.
Vì lẽ đó, giải Nobel Hoà bình năm nay đã được trao tặng cho một người mà thành công lớn nhất vẫn chưa xuất hiện. Bóng ma Iran vẫn còn đó. Một lần nữa, lại là vấn đề phổ biến hạt nhân, một lần nữa các chuyên gia thanh sát vũ khí lại tiếp tục các cuộc tìm kiếm, chính quyền Bush và Blair lại liên tục cảnh báo Iran và Mohamed ElBaradei lại trở thành trung tâm của mọi sự chú ý.
Mỗi khi ElBaradei nói về Iran, ông vẫn nhắc tới những bài học có thể rút ra từ Iraq. Nhiều người cảm thấy thú vị với cách ông nói về Iran mà không bao giờ quên chủ đề Iraq. "Kinh nghiệm từ Iraq cho thấy các cuộc thanh sát có thể đem lại hiệu quả ngay cả khi đất nước bị thanh sát không tỏ ra hợp tác", ông phát biểu gần đây.
Điều mỉa mai ở chỗ: cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của Iran hiện nay lại liên quan tới hai nhân vật giành giải Nobel Hoà bình, dù ở hai góc độ khác nhau. Mohamed ElBaradei - một người Hồi giáo gốc Ai Cập, sẽ phải đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới cách kết thúc cuộc khủng hoảng. Shirin Ebadi, một nhà hoạt động nhân quyền Hồi giáo Iran từng giành giải Nobel năm 2003, phải liên tục cảnh báo rằng việc đánh bom Tehran, nơi bà sống sẽ là thảm hoạ đối với những nhà hoạt động vì sự thay đổi từ trong lòng Iraq. Rõ ràng, nhiệm vụ sắp tới của Mohamed ElBaradei không hề đơn giản.
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)