Chỉ trong vòng một tuần qua tại vùng ngoại ô Paris liên tiếp xảy ra các vụ bạo động của thanh niên chống lại cảnh sát, thiêu cháy xe hơi . Vậy nguyên nhân của sự lộn xộn này là do đâu ?
Bạo lực nhiều ngày liên tiếp tại ngoại ô Paris
Xác chiếc xe hơi bị đốt cháy trên đường phố Clichy |
Tại nơi đỗ xe của một khu chung cư cao tầng ngoại ô Paris, đập vào mắt người đi đường là xác hai chiếc xe hơi bị đốt cháy. Gạch đá nằm ngổn ngang trên đường. Không có bất cứ dấu hiệu nào về sự xuất hiện của lực lượng an ninh. Mọi người vẫn thản nhiên đi lại, trò chuyện trên phố.
Tuy nhiên, người ta vẫn thấy rõ thái độ thù địch của một số người đối với cảnh sát. Một người lái xe thú nhận mình thuộc nhóm "quấy rối" đã gây ra các cuộc bạo động trong vài ngày qua. Anh ta xem sự xuất hiện của lực lượng chống cháy nổ Pháp CRS là một sự khiêu khích : "Nếu họ không đến khu vực của chúng tôi thì đã không có chuyện gì xảy ra. Việc họ đến Bosquets đã chọc tức mọi người và đương nhiên chúng tôi sẽ đáp trả."
Định kiến xã hội
Bộ trưởng Bộ Nội địa Pháp, Nicolas Sarkozy đã hứa sẽ gửi đội đặc nhiệm đến "trấn giữ" các khu vực hoạt động của các nhóm găng-xtơ thành thị và "bọn cặn bã xã hội".
Nhưng quyết định trên đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của một số người dân : "Chúng tôi không phải là "bọn cặn bã xã hội". Chúng tôi là những con người bị bỏ mặc."
Đi dọc con đường dẫn đến chợ, công dân Boubaker ( 57 tuổi ) dễ dàng nhận ra tội phạm vị thành niên là vấn đề lớn trên đất này. Ông thường xuyên phải la mắng bọn trẻ hay la cà, leo trèo xung quanh căn hộ của mình. Ông đồng ý rằng cảnh sát phải làm nhiệm vụ nhưng họ thường tỏ ra quá hung hăng và tấn công nhầm đối tượng.
Chính đứa con trai 19 tuổi của ông cũng thường bị cảnh sát chặn đường hỏi chứng minh thư nhân dân khi đi chơi cùng nhóm bạn, đặc biệt là những người da đen. Ông phàn nàn : "Mỗi lần con trai tôi ra ngoài, thậm chí chỉ ở ngay trước nhà, nó cũng phải đem theo giấy tờ tuỳ thân chứng minh nó là ai".
Giống như phần lớn các hộ gia đình gốc Phi sống tại khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao và điều kiện giao thông khó khăn này, Boubaker là người Tunisie và đã định cư ở Pháp hơn 30 năm qua. Con trai lớn 29 tuổi của ông vẫn phải sống cùng bố mẹ vì không thể chi trả cho việc thuê nhà.
Dẫu sao thì gia đình Boubaker cũng còn khá may mắn vì cả bốn đứa con đều có việc làm trong khi những người bạn da đen của họ còn phải lăn lộn kiếm một cơ hội được các ông chủ phỏng vấn.
"Đó là định kiến của người Pháp. Họ vẫn không chịu hiểu rằng thậm chí cả những đứa trẻ nhập cư cũng có vị trí riêng trong xã hội. Họ vẫn nghĩ chúng tôi chỉ là những kẻ quét dọn."
Đối xử bất công
Người dân Clichy phàn nàn việc cảnh sát vô cớ chặn giữ, khám xét thanh niên địa phương |
Ngài Nicolas Sarkozy cũng đã nhắc đến việc phải tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ, tán thành việc phân khu các nhóm dân tộc thiểu số và ủng hộ quyền bầu cử của dân nhập cư. Tuy nhiên đối với người dân hạt Clichy chẳng có gì đáng chú ý ngoài những lời lẽ khoa trương cho chiến dịch "Chống tội phạm" của ngài Bộ trưởng Bộ nội địa.
Sarkozy đã từng cho rằng khu vực này cần sự "tẩy uế của Kaercher" (tên một nhà đại công nghiệp sản xuất nước tẩy rửa). Một người dân làm việc tại khu chợ tức giận nói : "Dân nhập cư đã đến đây từ sau Thế chiến thứ hai để giúp Pháp khôi phục lại đất nước vậy mà bây giờ con cái họ lại đáng phải chịu sự "tẩy uế của Kaercher". Mọi người sẽ không bao giờ quên chuyện này."
Và mọi câu chuyện lại hướng về phía cảnh sát. "Đó là cái cách cảnh sát thi hành phận sự. Họ bắt mọi người phải quỳ gối, úp mặt vào tường để khám xét. Họ đánh đồng những sinh viên trẻ với những kẻ tội phạm nguy hiểm dù các sinh viên này chẳng làm gì sai trái."
-
Thanh Bình ( Tổng hợp)