221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
730888
Đại sứ Pháp nói gì về bạo động Paris?
1
Article
null
Đại sứ Pháp nói gì về bạo động Paris?
,

(VietNamNet) - Đại sứ Pháp tại VN, ông Jean-Francois Blarel đã có những phân tích của mình về vụ bạo động Paris.. Không né tránh, nhưng ông Blarel khẳng định "nước Pháp không có lửa cháy".

>>>Toàn cảnh bạo động Ngoại ô Paris

Cuộc trao đổi của VietNamNet với một đại diện của chính phủ Pháp tại VN hy vọng sẽ giúp độc giả có thêm một cái nhìn về vụ việc nóng bỏng trên thế giới suốt hai tuần qua.

Bạo động Paris, vì sao?

- Thưa Đại sứ, cuộc bạo loạn suốt hai tuần qua ở ngoại ô Paris và một số thành phố của nước Pháp đã thu hút sự chú ý của dư luận. Từ góc nhìn của một người Pháp, theo ông, vì sao vụ việc lại trở nên nghiêm trọng như vậy?

Đại sứ Pháp tại VN, ông Jean-Francois Blarel

- Chúng ta đã được nghe nhiều về vụ việc này trong 2 tuần qua. Tuy nhiên, những cái được nghe nói khác rất xa so với thực tế.

Khởi đầu sự kiện từ cái chết không may của hai thanh niên Bắc Phi tại một trạm điện cao thế, sau đó bùng phát thành bạo loạn ở ngoại ô Paris và lan dần ra các thành phố lớn.

Sự kiện đồng thời cho phép chúng ta nhìn nhận một số vấn đề ở ngoại ô các thành phố lớn. Thành thực mà nói, người dân ở các khu vực ngoại ô gặp nhiều sự thất vọng. Ở Pháp, người ta gọi đó là những thành phố chỉ về để ngủ. Người dân ở đây bị gạt ra ngoài xã hội.

Ngoại ô các thành phố lớn ở Pháp là nơi có cộng đồng nhập cư có quốc tịch Pháp. Đa số những người dân này đến Pháp vào thời điểm kinh tế tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình trở nên khó khăn hơn. Tăng trưởng kinh tế giảm xuống, họ chịu tác động đầu tiên là nạn thất nghiệp.

Mặt khác, các khu vực ngoại ô cũng là nơi tập trung nhiều tệ nạn xã hội, có sự phân biệt về sắc tộc. Nhiều thanh niên nơi này không có việc gì để làm, trong khi cha mẹ họ thì phó mặc. Vì thế, các thanh niên này tìm cớ để giải quyết nỗi thất vọng của mình. Từ vài năm nay, ngoại ô Pháp cũng đã chứng kiến nhiều vụ việc nghiêm trọng. Nhiều khi, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng đủ làm bùng lên đám cháy.

Rất khó giải thích tại sao cái chết của 2 thanh niên kia lại gây nên  một làn sóng bạo lực lan rộng ra nhiều vùng của nước Pháp như vậy. Tôi nghĩ rằng, một phần là do sự thất vọng của lớp thanh niên. Mặt khác, có một hiện tượng thường thấy là đi kèm với các cuộc biểu tình, đòi hỏi lợi ích là một số người đập phá. Người ta nhận thấy hiện tượng bạo lực không có lý do nào cả.

- Nhưng ngoài vấn đề thất nghiệp, dẫn tới sự thất vọng, bất mãn trong một bộ phận thanh niên, nhiều nhà phân tích cho rằng vụ việc vừa qua có liên quan đến chính sách nhập cư của nước Pháp. Ý kiến cá nhân của Đại sứ về nhận xét này?

- Tôi không có ý kiến cá nhân nào về vấn đề này nhưng ở đây, tôi cũng muốn nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Pháp trước Quốc hội hôm Thứ Ba vừa rồi.

Chính Thủ tướng đã đặt vấn đề hoà nhập xã hội của Pháp. Ở Pháp, chính sách hoà nhập xã hội hiện nay là ưu tiên cho các cá nhân, chứ không phải các cộng đồng. Cụ thể, người ta không muốn đặt cộng đồng này bên cạnh cộng đồng khác mà vẫn muốn các cộng đồng có sự hoà nhập, cân bằng lẫn nhau và duy trì tính phi tôn giáo.

Vè vấn đề này, quan điểm của ông Thủ tướng là không muốn có một sự chia rẽ mà có sự tập hợp. Ông Villepin vẫn muốn giữ xu hướng bảo vệ các giá trị của sự tập hợp, chia sẻ những giá trị chung.

Những sự kiện xảy ra 2 tuần không chỉ ở nước Pháp mà đã từng xuất hiện ở một số nước châu Âu. Vì thế, tôi tin rằng, chính sách hoà nhập của nước Pháp sẽ không bị đặt lại mà tất cả các nước châu Âu phải cùng nhau xem xét lại chính sách đối với người nhập cư.

- Nhưng có những bài báo nói rằng, định kiến xã hội đối với cộng đồng nhập cư là một trong những nguyên nhân dẫn tới bùng phát làn sóng bạo lực?

- Tôi cho rằng ý kiến như vậy không đúng và có phần phóng đại. Những năm 60 - 70, nền kinh tế phát triển mạnh, chúng tôi cần thêm nhiều lao động. Vì thế, chính phủ đã tạo điều kiện để đưa rất nhiều công nhân từ các nước Bắc Phi đến làm việc trong các nhà máy Pháp.

Như vậy, từ việc mời một cách tạm thời sang làm việc, tình hình hoàn toàn đảo ngược khi những người đàn ông này đưa vợ con sang theo chương trình đoàn tụ gia đình. Những nhà ban đầu chỉ xây dựng cho người lao động ở nhanh chóng trở nên không phù hợp.

Chúng tôi đã có những đầu tư để cải thiện chỗ ăn, ở, giáo dục, y tế,...để giúp những khu vực này thoát khỏi tình trạng ngày càng trở nên xấu đi. Nhưng dường như những nỗ lực này là chưa đủ bởi từ bối cảnh nền kinh tế phát triển, chúng tôi đã rơi vào tình huống tăng trưởng ngày càng chậm lại, khiến cho các nguồn kinh phí trở nên hiếm hoi hơn.

Những biện pháp được Thủ tướng Pháp công bố ngày hôm kia rất quan trọng và sẽ giúp cải thiện điều kiện cho các khu vực này.

Tấn công vào gốc rễ của bạo lực

- Trước tình hình bạo lực vẫn đang tiếp diễn, Chính phủ Pháp đã có những biện pháp gì, thưa Đại sứ?

Cảnh sát Pháp đang nỗ lực dập tắt đám cháy

- Việc trước tiên mà chính phủ đang làm là thiết lập lại trật tự. Trong hai ngày gần đây, bạo lực đã có chiều hướng lắng dịu.  Bên cạnh mảng hoạt động của cảnh sát là công tác tư pháp, nhanh chóng đưa những kẻ đập phá ra toà.

Giải pháp thứ hai là chính quyền cho phép các tỉnh trưởng, thị trưởng được phép áp lệnh giới nghiêm nhưng có sự lựa chọn.

Trên thực tế thì từ 40 năm nay, nước Pháp chưa áp dụng lệnh giới nghiêm. Tôi muốn lưu ý là lệnh giới nghiêm được áp dụng rất hạn chế, tuỳ theo độ tuổi, theo khu vực và theo giờ.

- Theo Đại sứ, những biện pháp mang tính cưỡng chế đó có giúp giải quyết tận gốc vấn đề?

- Đây là những biện pháp trước mắt của chính quyền. Nhưng những giải pháp này không thể đầy đủ. Chính phủ Pháp đang tìm cách tấn công vào gốc rễ của vấn đề.

Từ 15 năm nay, chính phủ Pháp luôn tìm cách giải quyết các khó khăn, vấn đề nhạy cảm ở các khu vực ngoại ô.

Hiện nay, tinh thần chung của chính quyền là làm thế nào tăng cường biện pháp giáo dục, giải trí và đô thị hoá khu vực này.

Có 3 hướng hoạt động được nêu ra trong bài diễn văn của Thủ tướng trước Quốc hội ngày Thứ Ba.

Thứ nhất là giải quyết việc làm: tạo ra công ăn việc làm là ưu tiên lớn nhất của Thủ tướng kể từ khi ông lên cầm quyền hồi tháng 6. Rõ ràng, việc trước tiên là làm sao giúp thanh niên tìm được việc làm bởi họ rất khó khăn để tìm được việc làm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không được thuận lợi.

Ngay từ khi ông Villepin lên cầm quyền, ông đã xác định rõ số lượng phần trăm việc làm sẽ dành cho khu vực ngoại ô.

Hướng thứ hai là tăng cường giáo dục. Theo thống kê, có khoảng 15000 thanh thiếu niên từ độ tuổi 6 - 16 tuổi không đến trường.

Chính quyền dự định giúp đỡ các trường học trong khu vực này tăng cường giáo dục, đồng thời nhắc nhở các bậc cha mẹ trong việc dạy dỗ con em. Đồng thời, cũng có một số hình thức trợ giúp cho thanh niên ngoại ô như 14 tuổi họ có thể rời trường chuyển sang học nghề (thông thường là 16 tuổi).

Trong lĩnh vực này, chính quyền cũng đưa ra những quota để giúp đỡ nhóm đối tượng này như: tăng nguồn học bổng lên gấp 3, xây các khu nội trú cho con em khó khăn có thể ở.

Vấn đề thứ ba là xây dựng nhà ở, đô thị hoá. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quản lý thành phố, đã thành lập cơ quan chuyên trách cải tạo đô thị. Các cơ quan này sẽ xem xét để dần gỡ bỏ các khu nhà dột nát, thay thế bằng các khu nhà thích hợp và dễ chịu hơn.

Trong lĩnh vực nhà ở và đô thị, Thủ tướng đã tăng thêm 25% kinh phí để dần phá bỏ các khu nhà đã cũ nát, thay bằng các khu mới.

Chính phủ cũng mong muốn cải thiện điều kiện tiếp nhận người dân ở các khu vực khó khăn này: điều kiện về y tế, về xã hội...như tăng cường đội ngũ bác sỹ, nhà tâm lý học cho khu vực này, trợ giúp nhiều hơn cho các tổ chức xã hội. Thời gian gần đây họ thường than phiền là bị cắt giảm ngân sách hỗ trợ hoạt động trong khi những tổ chức này cũng có vai trò rất quan trọng trong việc tạo các thú vui giải trí của thanh niên.

Đại sứ Pháp Blarel và TBT Nguyễn Anh Tuấn trong cuộc Bàn tròn trực tuyến nhân ngày Quốc khánh Pháp

Chính sách nhập cư: Cấm đoán không bao giờ là đủ

- Trở lại với vấn đề nhập cư. Rõ ràng, vấn đề với cộng đồng nhập cư không phải là chuyện của riêng nước Pháp. Vậy Pháp có ý định tìm kiếm sự giúp đỡ của châu Âu?

- Việc trước mắt đối với nước Pháp là thiết lập lại sự tin tưởng. Chúng tôi đang nỗ lực tăng các biện pháp cụ thể nhằm làm giảm bớt sự thất vọng của người dân khu vực này.

Vấn đề còn liên quan đến chính sách kiểm soát di cư của châu Âu. Từ nhiều thập kỷ nay, châu Âu đã trở thành nơi hấp dẫn đối với dân nghèo các nước khác. Hiện tượng di cư của dân Bắc Phi, cận Sahara sang châu Âu ngày càng nhiều. Hàng ngàn người đã tìm mọi cách vượt qua sa mạc Sahara để tìm cơ hội tại Châu Âu, thậm chí liều cả mạng sống của mình.

Vấn đề nhập cư với Châu Âu không chỉ là đơn giản là trục xuất họ khỏi biên giới. Hiện nay Tây Ban Nha thường tìm cách đưa những người nhập cư bất hợp pháp về Ma rốc, nơi họ xuất phát, rồi từ đó xác định quốc tịch để trả về nước sở tại. Song những biện pháp này không mấy hiệu quả bởi ngày ngày vẫn có hàng trăm người liều mạng tìm cách ra đi.

Theo tôi, các nước châu Âu phải cùng ngồi lại với nhau bàn cách kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư.

Nhưng để hạn chế hiện tượng này thì cấm đoán không bao giờ là đủ. Việc quan trọng hơn là làm sao giúp người dân các nước châu Phi thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Thời gian qua, EU, đặc biệt là Pháp đã có chính sách giúp đỡ khu vực châu Phi - cận Sahara thông qua các hiệp định thương mại có lợi cho khu vực này. Hiện nay, châu Âu là nhà tài trợ hàng đầu cho các nước châu Phi.

Nước Pháp không có lửa cháy

- Có một nhà bình luận chính trị nói rằng, làn sóng bạo lực lan rộng ở Pháp và bắt đầu xuất hiện ở Bỉ, Đức cho thấy dường như đang có một cuộc nội chiến ngấm ngầm trong lòng châu Âu. Liệu có bi quan quá không, thưa ông?

- Tôi không biết nhận xét này là của ai nhưng tôi cho rằng nó mang tính cường điệu. Pháp và châu Âu không có nội chiến. Dĩ nhiên, tôi không phủ nhận hay tìm cách giảm thiểu những vấn đề của giới trẻ khu vực ngoại ô đang gặp phải tại một số thành phố nhạy cảm.

Tương tự, tôi cũng nhận thấy rằng một số cơ quan báo chí và các chính phủ thường miêu tả tình hình một cách phóng đại. Một số chính phủ khuyên công dân của mình không nên đến Pháp.

Ở đây, các vụ bạo loạn xảy ra ở một số địa điểm, tại một số lượng hạn chế các địa điểm. Cho nên, khách du lịch sang Pháp không gặp bất cứ vấn đề gì nếu đến thăm các địa điểm du lịch, trừ khi họ đến các khu vực xảy ra bạo loạn để xem.

Như vậy, nước Pháp không có chuyện đang xảy ra nội chiến. Không có lửa cháy ở nước Pháp. Chỉ có vấn đề đối với một số gia đình nhập cư.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

  • Việt Lâm (thực hiện)

 Ý kiến của bạn về vấn đề này?

  

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,