Tờ Wall Street Journal vừa có bài viết phân tích VN đang phải đáp ứng những điều kiện cao hơn nếu muốn gia nhập WTO.
. |
Nếu quay trở lại thời điểm 10 năm trước, Việt Nam có thể dễ dàng trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Rào cản
Điều kiện gia nhập WTO ngày một khó khăn hơn |
Với dân số hơn 80 triệu người, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh và trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký trên thị trường toàn cầu trong nhiều lĩnh vực từ cà phê, dệt may, cá da trơn đến tôm...
Tuy nhiên, giới doanh nhân và các quan chức chính phủ Việt Nam lo ngại, mục tiêu gia nhập WTO bị thay đổi kể từ khi Trung Quốc trở thành thành viên của tổ chức này năm 2001, bởi vì họ phân vân không biết phải làm gì để Việt Nam được chấp nhận vào tổ chức thương mại toàn cầu này. Những nước khác chưa thể gia nhập WTO còn có Nga và Ukraine.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã thừa nhận, Việt Nam không thể gia nhập WTO - tổ chức có 149 thành viên tính cả thành viên mới Ảrập Xêút - tại Hội nghị Hongkong cho dù đã cố gắng cải thiện hệ thống luật pháp để đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế trong suốt 1 thập kỷ qua. Giờ đây, Việt Nam hy vọng sẽ được kết nạp vào cuối năm sau.
Rõ ràng, Việt Nam không thể vượt qua được những rào cản trên đường vào WTO là điều thất vọng. Và, nguyên nhân phần lớn do Trung Quốc và một số nước gia nhập trước đó - đã không đáp ứng đầy đủ các cam kết mở cửa thị trường trong nước và xoá bỏ trợ cấp thương mại. Trong một số trường hợp, các nước thành viên WTO giờ đây đòi hỏi các thành viên tương lai phải tự do hoá nền kinh tế trước khi có thể gia nhập tổ chức.
''Trung Quốc được hưởng lợi ích tốt nhất từ quá trình gia nhập WTO, và giờ đây các sản phẩm của họ tràn ngập thị trường. Khi chúng tôi đi sau, tất cả các loại điều kiện mới đều gắn liền với tư cách thành viên của chúng tôi'', ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không phải là yếu tố phức tạp duy nhất. Một số người theo dõi sát các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam cho biết, rào cản dường như được nâng cao hơn bởi tầm quan trọng của Quyền sở hữu trí tuệ và một số vấn đề nhạy cảm khác đã được quan tâm nhiều hơn kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO. Trong 4 năm kể từ khi Bắc Kinh trở thành thành viên chính thức của WTO, hiển nhiên các quy định về tư cách thành viên cũng được thay đổi gắn với phương thức kinh doanh.
Việt Nam cũng không phải nước duy nhất trải qua quá trình đàm phán lâu dài gia nhập WTO. Nền kinh tế lớn nhất vẫn đang đứng ngoài WTO là Nga cũng đã tiến hành đàm phán trong suốt hơn thập kỷ qua. Những nghi ngờ về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp hạn chế ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Nga vẫn là những vấn đề chính ngăn cản nước này gia nhập WTO, dù Mỹ và EU đã công nhận Nga là một nền kinh tế thị trường.
Tư cách thành viên WTO: con dấu hợp pháp của VN
Trở lại trường hợp Việt Nam, quá trình chuẩn bị gia nhập WTO đã giúp gây dựng lòng tin với các nhà đầu tư kinh doanh tại nước này. Nhiều nhà kinh tế và doanh nhân đồng tình với quan điểm rằng, được chấp nhận vào WTO là một động thái quan trọng đối với quá trình phát triển của Việt Nam và thúc đẩy chương trình cải cách lần thứ hai.
Ông Dũng cho biết, tư cách thành viên WTO sẽ góp phần bảo vệ Việt Nam trước các cuộc tranh chấp thương mại trong những năm gần đây vốn hạn chế năng lực xuất khẩu của đất nước ở một số sản phẩm như tôm.
"Nó giống như một cơ chế bảo vệ. Và điều đó rất quan trọng đối với chúng tôi vì Việt Nam chủ yếu vẫn là nền kinh tế nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các vụ kiện chống phá giá.''
Theo ông Fred Burke - đối tác quản lý của Công ty luật Baker & McKenzie LLP tại TP. Hồ Chí Minh - tư cách thành viên WTO sẽ trao Việt Nam một con dấu hợp pháp và chứng minh Việt Nam có thể tham gia vào hệ thống thương mại dựa trên cơ sở luật pháp, đồng thời tạo điều kiện cho quốc gia Đông Nam Á này bình thường hoá quan hệ thương mại với các đối tác trọng yếu như Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Để chắc chắn, Việt Nam không ngừng cải tổ khu vực tài chính hoặc tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Luật mới đưa ra một hệ thống các quy định chung cho các nhà đầu từ trong và ngoài nước có nhiều khả năng không có hiệu lực cho đến giữa năm 2006, đã trải qua 18 lần soạn thảo. Luật này sẽ đảm bảo các biện pháp khuyến khích đầu tư và cho phép trọng tài quốc tế giải quyết các tranh chấp giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài.
Ông Burke lưu ý, Việt Nam cũng chậm chạp trong việc thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại song phương ký năm 2001 với Mỹ nhằm cho phép các doanh nghiệp Mỹ thực hiện các hoạt động nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam.
''Điều đó không làm hài lòng cộng đồng kinh doanh quốc tế, những đối tượng cần thiết để vận động hành lang cho Việt Nam gia nhập WTO''.
Thực sự, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ - nước có thặng dư thương mại đạt 122 triệu USD với Việt Nam năm 1994 và chuyển thành thâm hụt thương mại tới 4,11 tỉ USD năm 2004, theo Bộ Thương mại Mỹ - đang yêu cầu được tiếp cận hơn tới thị trường dịch vụ tài chính và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Mỹ cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục bị coi là nền kinh tế phi thị trường sau khi gia nhập WTO -- một cái mác cho phép Mỹ tiến hành thêm nhiều vụ kiện chống phá giá vốn đang khiến những nhà xuất khẩu cá da trơn và tôm của Việt Nam điêu đứng.
-
Trần Kiên (Theo Wall Street Journal)