Khoảng 300 triệu người dân Trung Quốc, tương đương khoảng 1/4 dân số nước này, đang phải sử dụng nước bị nhiễm các chất hóa học và chất gây ô nhiễm khác trong sinh hoạt hàng ngày, một quan chức chính phủ cho biết hôm 28/12.
Cá chết hàng loạt tại một con sông bị ô nhiễm nặng ở Trung Quốc. |
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, trong số 300 triệu người nói trên, chủ yếu tại các vùng nông thôn, 63 triệu người phải sử dụng nước có hàm lượng flo cao, 2 triệu người sử dụng nước có độc tố arsen, 38 triệu người sử dụng nước đắng và mặn, 190 triệu người sử dụng nước có hàm lượng chất gây hại cao.
Ông E Jingping, thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc phát biểu tại hội nghị về chống lũ lụt và hạn hán ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 29/12, nói rằng việc sử dụng nước bị ô nhiễm không chỉ ở riêng vùng nông thôn nước này và sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, khoảng 90% các thành phố Trung Quốc có sử dụng nước ngầm cũng bị nhiễm bẩn. Ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất và giàu có nhất ở Trung Quốc, một phần nguồn nước máy sinh hoạt ở đây được lấy từ dòng sông Dương Tử bị ô nhiễm nặng. Hiện khoảng 400 trong số 660 thành phố của Trung Quốc thiếu nước sinh hoạt, trong đó, 136 thành phố khác gặp tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Các nhà máy hóa chất và nhà máy giấy được cho là một trong các nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng nguồn nước ở Trung Quốc. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, cải thiện mức sống của người dân nhưng cùng lúc gây tác hại nặng nề lên môi trường và hệ sinh thái có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng môi trường tại nước này.
Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nạn ô nhiễm nước trầm trọng trong 25 năm tới do nước này hiện nay chỉ quan tâm tới tốc độ phát triển kinh tế mà không bảo vệ môi trường. Trung Quốc là một nước đông dân với dân số vào khoảng 1,3 tỷ người.
Nguyên Hưng (Theo AP, China Daily)