Ngoại trưởng các nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức hôm 12/1 tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran trong suốt 2 năm qua cuối cùng đã đổ bể, thất bại hoàn toàn và việc nối lại các nghiên cứu hạt nhân của nước này phải được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA).
Ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Đức muốn đưa Iran ra Hội đồng Bảo an LHQ. (AP) |
Hôm 12/1, ba nước Anh, Pháp và Đức đã nhóm họp để thảo luận việc Iran nối lại các nghiên cứu hạt nhân và cho biết có thể sẽ đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA) để có biện pháp trừng phạt nước này sau khi Iran tuyên bố tái tục chương trình nguyên tử.
Ba nước này đã có những nỗ lực ngoại giao kéo dài hơn 2 năm nay nhằm thuyết phục Iran phải từ bỏ việc làm giàu uranium. Tuy nhiên, có vẻ như các giải pháp để ba nước này xử lý với vấn đề nguyên tử của Iran hiện không còn nhiều.
Nỗ lực chung của Anh, Pháp và Đức trước đây đã đưa đến một thỏa thuận để Iran ngừng chương trình làm giàu uranium. Nhóm này giờ đây lại tìm cách đưa ra một phản ứng chung đối với quyết định của Iran tái tục hoạt động các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ nói họ muốn thay đổi hành vi của Iran thông qua các kênh ngoại giao, thế nhưng hiện có nhiều khả năng Iran sẽ bị đưa ra trước HĐBA. Đây sẽ là bước đi đầu tiến tới một lệnh cấm vận có thể được áp dụng với Iran, tuy nhiên, hành động này cần có sự ủng hộ từ các nước khác, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Đây là một công việc khó khăn vì chẳng ai muốn sử dụng đến giải pháp quân sự nhưng Iran đang cho thế giới thấy rằng họ sẽ thực sự hành động chứ không chỉ nói suông. "Tổng thống Iran đe dọa sẽ xoá Israel khỏi bản đồ thế giới. Việc Iran sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt sẽ gây rất nhiều bất ổn tại Trung Đông," ông William Hague, phụ trách về Ngoại giao của đảng Bảo thủ đối lập ở Anh, nói.
Ngoại trưởng Anh, ông Straw nói đây là vấn đề cần được giải quyết một cách hòa bình, thế nhưng đòi hỏi áp lực rất lớn lên chính phủ Iran, trong có cả áp lực ngọai giao.
Iran đã khởi động lại chương trình hạt nhân của mình. (AP) |
Hôm 10/1, Iran đã gỡ bỏ các dấu niêm phong tại cơ sở hạt nhân Natanz nhưng nước này luôn bác bỏ cáo buộc rằng đang nghiên cứu chế bom nguyên tử và chỉ tạo năng lượng điện. Hành động của Iran đã bị Mỹ và các nước châu Âu lên án.
Mỹ, EU cho rằng vấn đề nối lại làm giàu uranium của Iran là một hành động nguy hiểm, vi phạm các cam kết quốc tế, vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc và thỏa thuận đạt được giữa Iran và EU-3 (gồm Anh, Pháp và Đức) tháng 11/2004 và gây ra mối lo ngại cho các nước trên thế giới.
Nguyên Hưng (Theo BBC, AP)