Các bức biếm hoạ Đấng tiên tri Muhammad , trong đó có một số bức bị coi báng bổ thánh thần, đang châm ngòi một cuộc tranh cãi nóng bỏng hiếm thấy giữa tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, nhất là ở Châu Âu.
Làng báo chia rẽ
Một cuộc tranh cãi lớn hiếm thấy và một tình trạng phân hoá sâu sắc đang diễn ra trong làng báo Âu Châu - nơi cho ra đời các bức biếm hoạ gây tranh cãi, cũng là nơi nuôi dưỡng ý thức tự do báo chí ngót 300 năm qua, đồng thời cũng là nơi có nhiều người Hồi giáo tận mắt thấy những bức tranh Muhammad nhất.
Câu hỏi "liệu có nên đăng lại ảnh hay không" đã gây ra tình trạng chia sẽ sâu sắc ngay trong chính các toà soạn báo. Câu hỏi này đã đụng chạm đến cái gọi là tự do báo chí trong một thế giới tương tác cao độ và đa văn hoá này.
"Tất cả quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, cần được thực thi gắn liền với một ý thức trách nhiệm cao độ. Sẽ là bất công nếu thực thi một quyền nào đó mà lại đụng chạm đến quyền khác", ông Terry Davis, người điều hành tổ chức giám sát nhân quyền hàng đầu Châu Âu - Hội đồng Châu Âu (Council of Europe).
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến coi việc phản ứng bằng bạo lực của một bộ phận tín đồ Hồi giáo là hành động "mượn gió bẻ măng", lợi dụng tình hình để chống phá những giá trị văn minh của Phương Tây.
Chủ bút tờ nhật báo France Soir của Pháp là Jacques Lefranc vừa bị cách chức vì đã quyết định cho đăng lại các bức biếm hoạ trong số ra tuần trước. Nhưng bất chấp việc này, trưởng ban biên tập tờ báo là Serge Faubert vẫn bảo vệ quyết định. Ông viện dẫn câu nói của triết gia Voltaire (sống ở thế kỷ 18) để bảo vệ cho quyết định đăng lại: "Tôi không tán thành điều anh nói, nhưng tôi quyết bảo vệ đến chết quyền được nói ra điều đó của anh".
Tuy nhiên, nhiều người khác lại băn khoăn liệu tư tưởng "cởi trói" triệt để của triết gia Voltaire, nhân vật gây tranh cãi ngay trong thời đại Khai sáng ở Pháp, có còn thích hợp cho với Châu Âu thế kỷ 21 nữa hay không.
Chính một bộ phận người Hồi giáo ở cựu lục địa cũng xem tự do báo chí là một phần làm nên dân chủ. Song đa số không chấp nhận bất kỳ một bức vẽ Mohamed, bất luận là ca ngợi hay báng bổ. Khá nhiều người Công giáo và Do Thái cũng đã hoà vào dòng người Hồi giáo để đả đảo việc vẽ và đăng báo 12 bức tranh.
Một số báo cũng lên tiếng công kích Phương Tây. Tờ Haaretz của Israel đã cố tìm hiểu vì sao cộng luận Hồi giáo lại giận dữ như vậy.
"Cảm giác tổn thương và thái độ giận dữ của cộng đồng người Hồi giáo toàn cầu không phải là không thể hiểu được", mục xã luận tờ này viết. "Việc truyền bá những giá trị đa văn hoá của Phương Tây không thể được tôn trọng nếu họ không tính đến các tôn giáo nhỏ, nếu không coi người Hồi giáo và Cơ đốc giáo như nhau. Không một xã hội nào được phép thờ ơ với những hoạt động của báo chí có nguy cơ đụng chạm đến những giá trị mà một cộng đồng nào đó coi trọng".
Trong khi đó, với thái độ rất rõ ràng, các tờ khổ nhỏ của Anh thì đặc biệt bất bình với phản ứng bạo lực của người Hồi giáo.
"Quan niệm cho rằng Đạo Hồi là khoan dung cần được xoá bỏ", chuyên mục gia Peter Hitchens viết trên tờ Daily Mail. Ảnh minh hoạ cho bài viết này là một người Arập mang biểu ngữ ghi rõ: "Hãy chặt đầu những kẻ dám phỉ báng Hồi giáo!!!".
"Không nên trao cho người Hồi giáo quyền ra lệnh cái gì nên được đăng báo và cái gì thì không", tác giả viết. Tuy nhiên, không một tờ nào ở xứ sương mù tái xuất bản các bức biếm hoạ.
Chính phủ tiến thoái lưỡng nan
Chính phủ các nước Âu Châu cũng đang điên đầu và phân hoá trước bài toán hóc búa. Họ không thể đảo ngược xu thế đã tồn tại 300 năm nay, trong trường hợp này là tự do báo chí - một yếu tố cơ bản của nền chuyên chính dân chủ. Họ chỉ còn cách xoa dịu các tín đồ sùng đạo đang trong cơn thịnh nộ.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan đã khiến cho đại sứ quán và quan chức ngoại giao các nước Châu Âu ở những quốc gia Hồi giáo điêu đứng. Nhưng họ không thể đứng ra xin lỗi hộ các tờ báo (bởi theo luật, họ không có quyền), trong khi người phản đối lại chờ đợi một lời xin lỗi "chính thức" (người ta hiểu là từ phía chính phủ).
Những bức biếm hoạ "nguy hiểm" ra đời hồi tháng 9 năm ngoái do sự tò mò của một biên tập viên thuộc tờ Jyllands-Posten hoạt động theo cơ chế độc lập ở Đan Mạch. Ông này tò mò muốn biết một cây biếm hoạ có thể thả sức tưởng tượng đến đâu trong việc vẽ Đấng tiên trí Mohamed.
Đối với nhiều người Hồi giáo, chỉ riêng ý tưởng trên đã là một sự báng bổ rồi. Phần lớn đều cho bản thân việc vẽ tranh, không tính đến khía cạnh nghệ thuật, đã xuất phát từ thái độ coi thường và chủ ý chọc tức họ, tiêu biểu là bức vẽ cảnh Đấng tiên tri đang quấn quanh đầu một trái bom với ngòi cháy chậm cháy bừng bừng.
Bất chấp căng thẳng, hàng chục tờ báo và tạp chí ở Châu Âu vẫn quyết định đăng lại loạt biếm hoạ, với quan điểm 'vấn đề không phải là bản thân những bức tranh mà là báo chí có quyền xuất bản chúng hay không'.
"Nền văn minh hiện đại đang đứng trước nguy cơ to lớn", Robert Menard, giám đốc tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận nổi tiếng 'Nhà báo Không Biên giới' (Reporters Without Borders). "Chúng ta phải giải thích cho các đồng nghiệp chúng ta trong thế giới Arập hiểu được sự khác biệt giữa nhà thờ và chính phủ, giữa báo chí và nhà nước".
Báo chí Mỹ: chọn giải pháp an toàn
Báo chí ở những nơi khác thì nhìn chung đều chọn giải pháp an toàn: không đăng lại các bức vẽ nhạy cảm. Phần lớn các đầu báo ở Mỹ đều tránh xuất bản lại các bức biếm hoạ. Tờ Philadelphia Inquirer có trích đăng lại biếm hoạ nhưng chỉ là 1 trong số 12 bức và là để minh hoạ cho một bài báo viết vể vụ scandal và phản ứng của làng truyền thông Mỹ.
"Việc vẽ và đăng tranh là một thái độ miệt thị đối với chúng tôi", Asim Abdur-Rashid, một giáo sĩ Hồi giáo khá quyền lực trong vùng, nói với phóng viên tờ Inquirer trong bài báo kể trên. "Sẽ là một sự khinh rẻ đối với vị thánh của chúng tôi khi ám chỉ ông là một vị thánh của bạo lực".
Khoảng hai chục người, không hiểu thiện chí của Inquirer, sáng nay đã tập trung trước toà soạn báo này để biểu tình phản đối.
Amanda Bennett, chủ bút tờ Inquirer, và phó tổng biên tập Carl Lavin đã nói chuyện với người phản đối bên ngoài trụ sở. Họ nói tờ báo không làm gì sai và họ quyết bảo vệ quyết định trích đăng của mình đến cùng
"Tôi hay tờ báo không hề có ý miệt thị với tôn giáo hay vị thánh của họ", ông Bennett nói với phóng viên AP. "Tôi đã nói với họ rằng tôi thực sự tự hào về họ đã thực hành quyền tự do ngôn luận của mình".
Hãng thông tấn AP (Associated Press) nổi tiếng của Mỹ đã chọn cách không tái xuất bản những bức biếm hoạ đó.
Trong số những kênh truyền hình Mỹ, ABC News đã cho chiếu chớp nhoáng một số bức tranh, trong chương trình "World News Tonight" và "Nightline" hôm thứ sáu tuần trước.
Kênh NBC đã phát nhanh một bức hình nhưng chỉ chiếu một phần bức biếm hoạ mà thôi.
"Chúng tôi làm thế là nhằm nêu lên vấn đề cốt lõi của câu chuyện. Việc cho chiếu toàn bộ các bức biếm hoạ là hoàn tàn không cần thiết", người phát ngôn của NBC nói.
Trong khi đó, đài CBS News nổi tiếng đã quyết định không sử dụng hình ảnh trên tất cả các phương tiện truyền thông của mình sau một cuộc họp kéo dài.
Phát ngôn viên đài này nói: "Khá nhiều người đòi cho chiếu các bức biếm hoạ bởi cho rằng nếu không làm thế thì sẽ không thể triển khai đề tài, không thể khai thác sâu được. Mà sự kiện này chắc chắc sẽ còn kéo dài nhiều ngày nữa".
Kênh CNN phủ sóng toàn cầu đang sử dụng một bức biếm hoạ vẽ chân dung Mohamed nhưng đã được làm mờ, cả trên hai kênh: CNN Mỹ và CNN quốc tế.
"Mục đích của CNN trong vụ này là đưa tin, phỏng vấn nhân vật xoay quanh việc xuất bản những bức biếm hoạ và nhất định không được đổ dầu vào lửa", phát ngôn viên CNN Laurie Goldberg nói.
Phần lớn các tờ nhật báo ở Canada thì cho rằng họ không tin rằng việc đăng lại những bức tranh Mohamed sẽ khiến cho 750.000 tín đồ Hồi giáo ở nước này tức giận.
"Nếu ảnh hỏi chúng tôi có dám đăng không, chúng tôi sẽ trả lời là có", Douglas Kelly, tổng biên tập tờ bưu báo National Post, nói trong một bài xã luận số ra tuần trước. "Câu hỏi là, liệu chúng ta sẽ đăng nó không? Việc một tờ báo chỉ miêu tả nội dung những bức biếm hoạ mà không cho đăng hình sẽ khiến độc giả tức giận. Và đó cũng là một vấn đề cần quan tâm với một toà soạn".
-
Đông Hải (Theo AP, NY Times, Guardian, Tonronto Star, Washington Post)
Theo dòng sự kiện:
Chùm ảnh biểu tình đốt đại sứ quán Đan Mạch
Các cuộc biểu tình phản đối tranh biếm hoạ Nhà tiên tri Muhammad đã lan rộng, đại sứ quán Đan Mạch và nhiều nước châu Âu khác đã bị đốt phá.
Cơn phẫn nộ của người Hồi giáo lan từ Âu sang Á
Các cuộc biểu tình của người Hồi giáo phản đối tranh biếm hoạ Nhà tiên tri Muhammad đã lan rộng và trở thành một "hiện tượng mang tính toàn cầu".
Quyền xúc phạm?
Tại sao việc xuất bản những bức biếm hoạ Đấng tiên tri Muhammad đang gây chia rẽ sâu sắc thế giới Hồi giáo và phương Tây?
Bộ trưởng Nội vụ Lebanon từ chức
Lý do mà ông Hassan Sabeh quyết định rời khỏi chức Bộ trưởng Nội vụ là Lebanon không có sự thống nhất chính trị trong việc dẹp biểu tình.
Thêm ĐSQ Đan Mạch ở Lebanon bị đốt
Cơn giận dữ của người Hồi giáo liên quan tới tranh biếm hoạ nhà tiên tri Muhammad tiếp tục bùng lên khi hôm 5/2 thêm ĐSQ Đan Mạch tại Labanon bị đốt.
Người Syria đốt phá sứ quán Đan Mạch, Na Uy
Hàng nghìn người Siri, điên tiết sau vụ tranh biếm hoạ nhà tiên tri Muhammad, sáng nay đã phóng hoả vào sứ quán Đan Mạch và Na Uy ở thủ đô Damascus.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã lên tiếng kêu gọi các bên nên bình tĩnh xung quanh vụ lộn xộn về tranh biếm hoạ đấng tiên tri Muhammad , sự vụ đang gây ra làn sóng phản đối trên khắp thế giới Hồi giáo.
Thực hư vụ lộn xộn về tranh biếm hoạ Muhammad
Từ việc đăng tải 12 bức tranh biếm hoạ Nhà tiên tri Muhammad, làn sóng công phẫn đã bùng lên trong thế giới Hồi giáo. Sự việc bỗng trở nên phức tạp...