Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/4 cho biết Iran có thể sản xuất được một quả bom nguyên tử chỉ trong vòng 16 ngày nếu như nước này chuyển việc làm giàu uranium, một giai đoạn quan trọng để phát triển vũ khí hạt nhân, sang quy mô công nghiệp từ việc làm giàu trong phòng thí nghiệm.
Tống thống Iran tuyên bố nước này đã làm giàu thành công uranium. (ảnh AP) |
"Nếu Iran sử dụng 50.000 máy ly tâm để làm giàu uranium, họ có thể sản xuất đủ lượng uranium cần thiết cho một vũ khí hạt nhân trong vòng 16 ngày," ông Stephen Rademaker, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ trong vấn đề An ninh quốc tế, phát biểu với báo chí tại Moscow.
Theo Rademaker, việc làm giàu uranium ở quy mô phòng thí nghiệm với 164 máy ly tâm, thì Iran sẽ phải mất ít nhất 13 năm mới có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân nhưng với việc huy động số lượng lớn máy ly tâm như trên, việc sản xuất vũ khí hạt nhân đối với Iran sẽ trở lên hết sức dễ dàng.
Iran cũng thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có trụ sở ở Vienna, Áo rằng nước này sẽ xây dựng 3.000 máy ly tâm tại nhà máy Natanz (nằm sâu trong lòng đất) vào năm 2007. "Theo tính toán của chúng tôi, với 3.000 máy ly tâm, Iran có thể có vũ khí hạt nhân trong vòng 271 ngày," Rademaker nói.
Trước đó, một lãnh đạo chương trình hạt nhân của Iran, ông Mohammad Saeedi tuyên bố trên truyền hình rằng Iran sẽ huy động 54.000 máy ly tâm để làm giàu uranium ở "quy mô công nghiệp" tại nhà máy hạt nhân Natanz bất chấp việc Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu nước này phải ngừng việc làm giàu uranium. Hiện chưa rõ khi nào Iran sẽ huy động đủ lượng máy ly tâm kể trên.
Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, hôm 11/4 cũng xác nhận rằng nước này đã lần đầu tiên làm giàu thành công uranium trong phòng thí nghiệm, một giai đoạn quan trọng để có thể phát triển thành vũ khí hạt nhân, và chính thức gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân trên thế giới.
Sau khi tuyên bố của người đứng đầu Iran được đưa ra, nhiều nước trên thế giới đã lên án chương trình hạt nhân của nước này. Ngoại trưởng Mỹ, bà Condoleezza Rice, nói rằng đã đến lúc HĐBA phải có các biện pháp mạnh đối với Iran. Ngoại trưởng Anh, ông Jack Straw, nói rằng ông quan tâm trước động thái này của Iran. Nga và Trung quốc, vốn ủng hộ giải pháp ngoại giao với Iran, nay cũng lên tiếng phê phán.
Tham vọng hạt nhân của Iran làm thế giới lo ngại. (ảnh AP) |
Tại Vienne, đại sứ Mỹ tại IAEA, ông Greg Schulte, nói rằng quyết định của Iran là một dấu hiệu cho thấy tham vọng nguyên tử của Iran không phải là để phục vụ mục đích hòa bình. "Giới lãnh đạo tại Teheran dường như rất cương quyết, tôi muốn nói là tất cả những gì họ thực hiện chọ thấy Iran từng bước muốn có được kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên tử," ông nói.
Iran đã quyết tâm xúc tiến chương trình hạt nhân của họ từ mùa hè năm 2005 bất chấp những lời kêu gọi của IAEA, HĐBA, Mỹ và EU là ngưng làm giàu uranium. Tổng thống Ahmadinejad cảnh báo các nước phương Tây không nên gia tăng sức ép lên Iran, điều mà sẽ gây nên "sự căm thù của người Iran", và phải tôn trọng quyền hạt nhân của nước này.
Các cuộc đàm phán giữa Iran và Anh, Pháp, Đức về chương trình hạt nhân của nước này đã đổ vỡ vào tháng 8/2005 sau khi Tehran từ chối một khoản viện trợ trọn gói nhằm chấm dứt việc làm giàu uranium. Sau đó, Iran đã tiến hành nối lại việc làm giàu uranium, điều dẫn tới việc IAEA quyết định đưa vấn đề hạt nhân của Iran lên HĐBA để tìm biện pháp trừng phạt.
Vấn đề hạt nhân của Iran cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế bởi Iran là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 4 trên hế giới.
Chính vì lý do này các nhà phân tích cho rằng, các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra những quyết định cuối cùng.Nguyên Hưng (Theo Bloomberg, BBC)