Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad hôm 13/4 tiếp tục khẳng định sẽ không ngưng chương trình làm giàu uranium, một quá trình có thể tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân, trong lúc Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đang có mặt ở Teheran.
Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, một người theo đường lối cứng rắn. (Ảnh AP) |
Người đứng đầu IAEA, ông Mohamed El Baradei, hiện đang có mặt tại Tehran để thảo luận với chính quyền nước này các biện pháp tháo gỡ bế tắc xung quanh hoạt động hạt nhân.
Ông El Baradei sau đó sẽ có báo cáo gửi Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) về việc liệu Iran có thể chấm dứt các hoạt động làm giàu uranium hay không. Ông hy vọng Iran ngừng quá trình làm giàu uranium theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) trước ngày 28/4.
Tuy nhiên, Ali Larijani, trường đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, thì nói rằng việc ngưng làm giàu uranium không phải là một sự lựa chọn. "Mọi hành động đều phải có tính lô-gíc và hợp lý," ông Ali nói.
Trong khi đó, tổng thống Iran, ông Ahmadinejad đã từ chối lời kêu gọi ngưng làm giàu uranium và nói Iran sẽ không lùi bước bất chấp việc quốc tế đang gia tăng áp lực sau khi Iran công bố đã thành công trong việc làm giàu uranium trong phòng thí nghiệm. "Chúng tôi sẽ không đàm phán với bất cứ ai về quyền "hạt nhân" của Iran, và không ai có thể ra lệnh cho chúng tôi. Nếu ai tức giận với Iran thì rồi sẽ chết vì sự tức giận đó," ông Ahmadinejad nói.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice khi bình luận về tuyên bố của Iran nói rằng HĐBA cần có biện pháp mạnh để duy trì uy tín của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này và đã đến lúc cần phải hành động. ''Chúng ta không thể để mọi việc tiếp diễn như vậy. Khi HĐBA nhóm họp vào cuối tháng này, đó là lúc hành động,'' bà Rice nói.
Nga và Trung quốc, vốn ủng hộ giải pháp ngoại giao với Iran, nay cũng lên tiếng phê phán Iran. Một quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc hôm nay 14/4 cũng sẽ tới Iran để thảo luận về vấn đề hạt nhân của nước này.
Chương trình hạt nhân của Iran khiến nhiều nước lo ngại. (Ảnh AP) |
Tehran mới đây tuyên bố, đã thành công trong việc làm giàu uranium ở quy mô nhỏ. Trong thời gian tới, nước Cộng hoà Hồi giáo này có thể huy động 54.000 máy ly tâm phục vụ cho việc làm giàu uranium tại nhà máy Natanz. Giới chức Mỹ lo ngại hàng chục nghìn cỗ máy hoạt động cùng lúc như vậy thì Iran hoàn toàn có thể chế tạo bom hạt nhân trong vòng 16 ngày.
Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, hôm 11/4 cũng xác nhận rằng nước này đã lần đầu tiên làm giàu thành công uranium trong phòng thí nghiệm, một giai đoạn quan trọng để có thể phát triển thành vũ khí hạt nhân, và chính thức gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân trên thế giới.
HĐBA đã đưa ra thời hạn chót cho Iran phải ngưng toàn bộ việc làm giàu uranium trước ngày 28/4, nếu không sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt nước này.
Nguyên Hưng (Theo BBC, AP)