Sau cuộc họp ở New York bắt đầu từ tối qua, Ngoại trưởng các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an cùng với Đức không thể nhất trí với nhau về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khẳng định Mỹ sẽ không thay đổi lập trường của mình trong vấn đề hạt nhân Iran. |
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các viễn cảnh đạt được một thỏa thuận về một nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong tuần này "thực chất là không chắc chắn".
Tuy nhiên theo ông này, các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục trong cuộc họp của các lãnh đạo chính trị của Hội đồng Bảo an vào tuần sau. Quan chức này cũng cho hay, Mỹ đã "rất hài lòng và tin tưởng" vào mức độ mà tiến trình đã đạt được.
Rời cuộc họp, Ngoại trưởng Pháp Philippe Douste-Blazy cho biết, các đại biểu "vẫn đang suy tính" công việc của mình.
Thông tín viên ngoại giao BBC James Robbins nhận định, việc các nước lớn thuộc LHQ chưa nhất trí được với nhau về các xử trí Iran chứng tỏ mức độ chia rẽ giữa họ.
Tân ngoại trưởng Anh Margaret Beckett thừa nhận đây là một cuộc họp quan trọng nhưng khó khăn song bà không lặp lại những lời mà người tiền nhiệm của mình vẫn nói, đó là hành động quân sự chống lại Iran là "không thể hiểu được".
Mỹ cùng với Anh và Pháp từ lâu cáo buộc Iran đang cố gắng làm giàu uranium để chế tạo vũ khí nguyên tử song nước Cộng hòa Hồi giáo khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình.
Washington đã nỗ lực để Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết theo Chương VII của Hiến chương LHQ, cho phép áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Iran, kể cả biện pháp vũ lực. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phản đối động thái này, viện dẫn nó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh mới.
"Tôi nghĩ một nghị quyết của Hội đồng Bảo An là cần thiết", đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wang Guangya nói với các phóng viên trước khi bước vào cuộc họp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nghị quyết ấy "phải phù hợp".
Tuần trước, Mỹ cùng các đồng minh Anh và Pháp đã đặt lên bàn một dự thảo nghị quyết kêu gọi Iran ngừng làm giàu uranium. Nước này cũng bác bỏ những hy vọng về một sự đột phá ngoại giao giữa Washington và Tehran khi Tổng thống Iran bất ngờ gửi thư cho nhà lãnh đạo Bush, viện dẫn lá thư không thể giải quyết được những bế tắc hạt nhân hiện nay.
-
Thanh Hảo (Theo BBC, CNN)