Lý do khá đơn giản: vì nước này nằm trên cả hai vành đai địa chấn đang hoạt động tích cực nhất hành tinh, nơi gây ra tới 98% các cơn chấn động dữ dội nhất.
>> Nạn nhân động đất Indonesia kể lại thời khắc kinh hoàng
>> Chùm ảnh trận động đất kinh hoàng ở Indonesia
>> Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp sau động đất
Trong số hai vành đai này, nguy hiểm hơn cả là "Vòng tròn Lửa", còn được gọi là vành đai vòng Thái Bình Dương chạy quanh bờ Thái Bình Dương, từ New Zealand, qua Nhật Bản và San Francisco tới Chile. Khu vực này là nơi xảy ra 90% các trận động đất trên thế giới, trong đó chiếm tới 4/5 số cơn địa chấn mạnh nhất.
Dọc theo các đảo phía đông bắc của Indonesia, nhất là những đảo nàm gần vùng New Guinea và Borneo, các cơn chấn động thường xuất phát từ những va chạm giữa tầng kiến tạo Australia và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trận động đất ngày hôm qua, cũng tương tự như trận động đất từng gây ra cơn sóng thần khủng khiếp tháng 12/2004, xảy ra dọc vành đai Alpide - vốn ít được nhắc tới. Vành đai này kéo dài từ Java - nơi xảy ra trận động đất hôm qua, qua bắc Sumatra - tâm chấn của trận động đất năm 2004, qua dãy Himalaya ra Địa Trung Hải và tới cả Đại Tây Dương. Tại khu vực Indonesia, vành đai này bị khống chế bởi va chạm giữa lớp kiến tạo Âu Á và Australia.
Dù vành đai Alpide tạo ra ít chấn động hơn, song phần lớn các cơn chấn động này cực kỳ nghiêm trọng. Nơi này chỉ chiếm khoảng 6% số vụ động đất trên thế giới, nhưng lại chiếm tới 17% các cơn mạnh nhất.
Bản đồ "Vòng lửa Thái Bình Dương" |
Ngoài hai trận động đất xảy ra tại vành đai Alpide nêu trên, còn một trận động đất nghiêm trọng khác, với cường độ 8,7 độ Richter cũng diễn ra dọc vành đai này làm chấn động bờ biển Sumatra vào ngày 28/3/2005 khiến 1.000 người thiệt mạng.
Tháng 12/1992, một trận động đất khác đã làm chết ít nhất 2.200 người tại dải đảo thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia.
Hồi đầu tháng này, núi lửa Merapi, nằm gần khu vực động đất hôm qua cũng bắt đầu phun trào. Tuy nhiên, các chuyên gia địa chấn cho rằng nó không phải là nguyên nhân gây động đất. Kể từ năm 1548, núi lửa Merapi đã phun trào 68 lần. Lần gần đây nhất núi Merapi hoạt động và làm chết người là vào năm 1994 khi một đám mây chứa đầy khí độc làm 60 người thiệt mạng.
Năm 1930, khoảng 1.300 người đã thiệt mạng khi Merapi phun trào. Nhưng có lẽ khủng khiếp nhất là cách đây đúng 1.000 năm, khi ấy Merapi đã vùi cả vùng trung Java trong tro bụi.
-
HT - (Tổng hợp)