Tuyên bố trên được một quan chức chính quyền Bush đưa ra khi mà ông này cho hay Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc nạp nhiên liệu vào tên lửa đạn đạo tầm xa. Đây là dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên sẽ sớm phóng tên lửa thử nghiệm, loại tên lửa được cho là có thể vươn tới nước Mỹ.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Snow đã từ chối bình luận về thông tin trên. Ông Snow nói "Bắc Triều Tiên đã duy trì lệnh hoãn tiến hành thử tên lửa từ năm 1999. Do vậy, chúng tôi hi vọng là Bình Nhưỡng sẽ giữ lời cam kết của mình".
Mô hình tên lửa Scud-B của Bắc Triều Tiên. |
Ngoài ra, ông Snow cũng cho biết Mỹ đã đối thoại trực tiếp với đại diện của Bình Nhưỡng ở New York nhưng không tiết lộ nội dung của cuộc thảo luận giữa hai bên.
Trong khi đó thì cộng đồng quốc tế đang gây sức ép với CHDCND Triều Tiên từ bỏ kế hoạch thử tên lửa tầm xa của mình.
Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand cảnh báo rằng việc Bình Nhưỡng thử tên lửa có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và càng làm cộng đồng quốc tế cô lập nước này hơn. Thủ tướng Nhật Bản Jurnichio Kuizumi cho hay Tokyo sẽ làm mọi cách chống lại bất kỳ cuộc thử nghiệm tên lửa nào từ phía Bình Nhưỡng vì nếu Bình Nhưỡng thành công sẽ đe doạ đến an ninh của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung (Mỹ) và khu vực Đông Bắc Á nói riêng (Nhật Bản).
Bình Nhưỡng mặc dù vẫn im hơi lặng tiếng về khả năng phóng tên lửa của mình nhưng trong tuyên bố mới đây thông qua hãng tin KCNA, nước này đã lên tiếng chỉ trích thái độ của Mỹ và Nhật Bản.
"Quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ cố hết sức để tăng cường khả năng răn đe quân sự cùng với sự cảnh giác cao độ để đối phó với những động thái mới của Mỹ, nước rất hiếu chiến đối với CHDCND Triều Tiên", bản tuyên bố cho hay.
Các nhà phân tích cho rằng, động thái thử tên lửa mà Bình Nhưỡng đưa ra trong thời điểm này là nhằm mục đích gây sức ép với Mỹ và các bên liên quan đến cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải chấp nhận những đề nghị và điều khoản bổ sung mà CHDCND Triều Tiên đưa ra trước đó.
-
Đôn Lâm (Tổng hợp)