Chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng, CHDCND Triều Tiên đã phóng thử 7 quả tên lửa trong đó có một tên lửa tầm xa Taepodong II bất chấp những cảnh báo từ Mỹ và sự quan ngại của cộng đồng thế giới. Nguyên nhân gì đứng sau động thái được coi là "khiêu khích" này?
Giới ngoại giao và khá đông các chuyên gia phân tích phương Tây cũng như Nhật Bản cho rằng Bình Nhưỡng quyết định tiến hành các vụ thử vì tin họ sẽ không giành được bất kì nhượng bộ nào từ phía chính quyền Bush.
Quan điểm trên phần nào được chia sẻ bởi các nhà quan sát ở cả Hàn Quốc và Nga. Theo chuyên gia Alexei Arbatov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế tại Moscow, Bình Nhưỡng muốn tăng cường uy thế của nước này và hy vọng giành được những nhượng bộ từ phía Washington trong các cuộc hội đàm về chương trình hạt nhân của họ, tương tự như trường hợp của Iran.
"Do dư luận quốc tế quá tập trung vào Iran và gói sáng kiến nhằm khuyến khích Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân, CHDCND Triều Tiên đã lo lắng vì mọi người dường như đã quên mất họ", ông nhận định. "Bình Nhưỡng từng hy vọng dùng những đe doạ trước đây như con bài mặc cả để đổi lấy nhượng bộ về chính trị và kinh tế to lớn từ 5 bên còn lại tham gia đàm phán. Rồi bỗng nhiên, tất cả đều mờ nhạt".
Bình Nhưỡng hiện đang tham gia các cuộc hội đàm 6 bên, họ đã tuyên bố rằng họ sẽ rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân và rằng họ đang sở hữu vũ khí hạt nhân, song họ vẫn chưa nhận được bất kỳ nhượng bộ tương tự kiểu giành cho Iran từ chính quyền Bush. Trong khi đó, các quan chức ở cả hai bờ Thái Bình Dương đều một mực khăng khăng họ sẽ không chịu nhượng bộ.
Cũng có những người nhìn nhận sự việc này một cách tích cực hơn như Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov. Ông này cho rằng CHDCND Triều Tiên muốn "mở rộng cơ hội chuẩn bị cho các cuộc đàm phán 6 bên và một lần nữa chứng minh sự độc lập của mình trong lĩnh vực quân sự và chính trị".
Câu hỏi đặt ra là liệu Bình Nhưỡng có thành công trong ý định của mình hay không?
Theo giới phân tích phương Tây, tiến hành các vụ thử tên lửa là CHDCND Triều Tiên đã tự đẩy mình vào thế bất lợi.
Vụ thử trước hết đã khiến lòng kiên nhẫn của nước láng giềng Hàn Quốc bị thử thách. Dù hiện tại, phản ứng của Hàn Quốc chỉ dừng lại ở chỗ coi hành động của CHDCND Triều Tiên là "khiêu khích", song nhiều khả năng những lời kêu gọi tạm ngừng các chương trình kinh tế phối hợp, ví dụ như dự án phát triển công nghiệp Kaesong sẽ được tăng cường.
Đối với Mỹ và Nhật, hành động của Bình Nhưỡng quả thật đã làm họ hoàn toàn phẫn nộ. Những lời kêu gọi gần đây về việc tiếp tục các cuộc đàm phán 6 bên từ hai nước này có lẽ sẽ tạm ngừng. Trong khi Mỹ mạnh mẽ lên án các vụ thử tên lửa và tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi, thì Nhật tỏ ra cứng rắn hơn khi bắt đầu áp dụng một số biện pháp trừng phạt kinh tế với CHDCND Triều Tiên và yêu cầu đưa vấn đề thảo luận tại HĐBA LHQ.
Một điều bất lợi đặc biệt trong các vụ thử tên lửa lần này chính là ở Taepodong II, tên lửa tầm xa xuyên lục địa có khả năng chạm tới Alaska, Mỹ. Quả tên lửa tiên tiến nhất trong dàn tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã rơi xuống biển chưa đầy 1 phút sau khi rời bệ phóng. Chưa rõ liệu đây có phải là thất bại, do mệnh lệnh huỷ bỏ từ phía bộ phận chỉ huy hay vì quả tên lửa chỉ được nạp một lượng nhỏ nhiên liệu để không bay qua Nhật Bản hay tiến gần đến Mỹ. Theo giới quan sát phương Tây, dù là nguyên nhân gì, thì nó cũng vẫn bị coi là bằng chứng cho sự "yếu kém công nghệ" của CHDCND Triều Tiên, khiến Mỹ và Nhật đánh giá thấp hơn nguy cơ từ Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, những quan điểm trên đã vấp phải ý kiến trái ngược từ phía các nhà quan sát phương Đông, cụ thể là Hàn Quốc và Nga. Một bài báo đăng trên tờ Korea Times hôm nay trích lời giới quan sát Hàn Quốc rằng vụ thử tên lửa "có thể tạo ra một thành công bước ngoặt cho các cuộc hội đàm bị bế tắc về vấn đề Triều Tiên, bao gồm các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này".
Dẫu sao, trước mắt, giải pháp ngoại giao vẫn đang được các bên coi là ưu tiên.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)