Bất chấp những cuộc đàm phán dai dẳng, những lời cảnh báo gay gắt, động thái mới đây của Bình Nhưỡng cho thấy ngoại giao vẫn là sự lựa chọn duy nhất.
Vụ thử tên lửa đã bị nhiều nước lên án gay gắt. |
CHDCND Triều Tiên thử tên lửa tầm xa Taepodong-2 rạng sáng hôm qua là một thất bại thảm hại, quả tên lửa có thể bắn tới Mỹ này rơi xuống biển chỉ 40 giây sau khi rời bệ phóng. Tuy nhiên, dù có thất bại nhưng chỉ với hành động đó thôi cũng đủ khiến nhiều nước ''tức giận''.
Sau nhiều tuần báo giới đoán già đoán non về một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhằm ngăn chặn kế hoạch thử tên lửa của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã lên tiếng kêu gọi đưa vấn đề ra thảo luận tại đàm phán sáu bên. Và điều quan trọng là làm sao đưa được Bình Nhưỡng, nước tẩy chay đàm phán 6 bên từ tháng 11 năm ngoái, trở lại bàn thương lượng. Rõ ràng, giờ đây ngoại giao vẫn là sự lựa chọn duy nhất.
Biện pháp trừng phạt có thể được đưa ra bàn thảo tại Hội đồng Bảo an LHQ trong cuộc họp khẩn cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên, dù giải pháp tấn công quân sự CHDCND Triều Tiên là một sự lựa chọn được ''hoan nghênh'' thì cũng phải cần một cái cớ lớn hơn là một vụ thử tên lửa, một hành động vốn vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Chẳng có gì khó hiểu, mục đích của hành động thử tên lửa nhằm gây áp lực về ngoại giao, nhằm để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Và, với hành động ''đe doạ an ninh toàn cầu'' này, Bình Nhưỡng hy vọng buộc Mỹ chấp nhận các điều khoản thương lượng riêng của mình.
Các nước tham gia đàm phán sáu bên - gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ - đã không gặp nhau kể từ tháng 11 năm ngoái, thời điểm đàm phán thất bại đưa ra một thoả thuận chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, đổi lại nước này được hưởng nhiều ưu đãi về kinh tế và chính trị.
Kể từ đó, CHDCND Triều Tiên tiếp tục gây sức ép đàm phán trực tiếp với Chính quyền Bush, nhưng Washington từ chối thẳng thừng. Và rồi, Mỹ đã lẳng lặng ''chặn họng'' các nguồn tài chính của chính quyền Bình Nhưỡng bằng cách cáo buộc họ rửa tiền thông qua hàng loạt ngân hàng tại Macau.
Dường như, CHDCND Triều Tiên thử tên lửa với mục đích phá vỡ thế bế tắc ngoại giao để từ đó thoát khỏi áp lực tài chính đang đè nặng lên nền kinh tế kiệt quệ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ sự đồng thuận nào trên nguyên tắc về biện pháp phản ứng. Nga và Trung Quốc vẫn rõ ràng quan điểm không ủng hộ bất kỳ hành động trừng phạt nào của LHQ.
Ngay cả khi với tư cách là những người bạn, giới lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc đều cảnh báo CHDCND Triều Tiên kiềm chế thử tên lửa, nhưng họ có thể không hề muốn chuyển sự tức giận của mình thành hành động trừng phạt. Cả hai nước đều lo sợ nếu chính quyền Bình Nhưỡng bị dồn đến chân tường, một thế đối đầu thảm hoạ sẽ khó tránh khỏi. Và, ngay cả khi chế độ cầm quyền ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên bị đánh sụp, tình hình bất ổn chắc chắn sẽ lan sang cả 2 nước láng giềng trên.
Thay vì điều đó, cả Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ ''hạ nhiệt'' CHDCND Triều Tiên bằng phương thuốc kinh tế nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán một cách bình lặng nhưng chắc chắn. Mặt khác, hai nước trên sẽ cùng với Nga gây sức ép đòi chính quyền Bush trao cho CHDCND Triều Tiên những đảm bảo về an ninh như một phần trong ''cuộc ngã giá'' để giải quyết vấn đề hạt nhân.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu CHDCND Triều Tiên có ''quá nặng tay'' khi phóng hàng loạt tên lửa với hy vọng lấy lại thế cân bằng ngoại giao theo ý mình. Rõ ràng, hành động này đã bị lên án gay gắt. Nhưng chắc chắn một điều, nhà lãnh đạo Kim Jong-il vẫn nhớ cách ông làm để gặt hái được nhiều lợi ích ngoại giao hơn là bị trừng phạt. Điển hình, vụ thử tên lửa năm 1998 đã đưa ông Kim tới bàn đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright.
Ngay cả Chính quyền Bush vẫn luôn phủ nhận biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng này của chính quyền Clinton thì vẫn buộc phải đi theo hướng tương tự khi tham gia tiến trình đàm phán 6 bên vào năm 2002, sau khi lần đầu tiên nảy ra ý tưởng trao cho Bình Nhưỡng những ưu đãi để nước này thay đổi thái độ.
Ngay cả hiện nay, sau nhiều tuần cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ bị trừng phạt thích đáng nếu thử tên lửa, Mỹ và các đồng mình của mình có thể đang phải đối mặt với một thực tế rằng, hầu như chẳng có lựa chọn nào để chuyển những đe doạ đó thành trừng phạt. Và như vậy, ngoại giao vẫn là giải pháp duy nhất.
Theo dòng sự kiện:
Phía sau vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên hôm qua phóng thử 7 quả tên lửa bất chấp quan ngại của cộng đồng thế giới. Nguyên nhân gì đứng sau động thái này?
CHDCND Triều Tiên còn nhiều tên lửa đang chờ phóng
Bình Nhưỡng hiện còn khoảng 3-4 tên lửa đang nằm trên bệ phóng và chỉ chờ bắn, Hàn Quốc cho biết. Đó có thể là các tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung.
Koizumi: "Nhật sẽ tiếp tục đàm phán với CHDCND Triều Tiên"
Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục đàm phán dù vẫn gây áp lực với CHDCND Triều Tiên trước việc Bình Nhưỡng phóng thử hàng loạt tên lửa.
CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa thứ 7 trong ngày
Lúc 3h22 chiều nay (5/7 giờ VN) Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa thứ 7 từ bãi phóng phía đông đất nước. Tên lửa được phóng là loại tầm trung.
CHDCND Triều Tiên bảo vệ quyền thử tên lửa
Trước làn sóng lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế, một quan chức CHDCND Triều Tiên vẫn khẳng định nước này có quyền tiến hành các vụ thử tên lửa.
Bên trong kho vũ khí của CHDCND Triều Tiên
Theo các chuyên gia, CHDCND Triều Tiên đang có hàng trăm tên lửa tầm ngắn, tầm xa, tầm trung có thể bắn tới Nhật, Mỹ và Hàn Quốc.
Thế giới phản ứng trước vụ thử tên lửa
Ngay sau sự kiện CHDCND Triều Tiên phóng thử nghiệm hàng loạt tên lửa, trong đó có tên lửa tầm xa Taepodong II, cộng đồng thế giới đã lên án gay gắt.
Sau vụ thử tên lửa: Vàng, trái phiếu lên
Sau vụ bắn thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, thị trường tài chính tiền tệ châu Á có nhiều biến động lớn.
Sẽ có nhiều động thái ngoại giao từ Nhà Trắng trong 24h
Đó là tuyên bố do Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley đưa ra sau vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
CHDCND Triều Tiên phóng một loạt tên lửa
Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của Mỹ và Nhật, Bình Nhưỡng sáng nay (5/7) đã phóng ít nhất 10 tên lửa trong đó có 1 quả tầm xa Taepodong II.
-
Trần Kiên (tổng hợp)