Hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 39 ở Kuala Lumpur, Malaysia bế mạc hôm qua (25/7) và thông qua tuyên bố chung bày tỏ quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á về một loạt vấn đề.
>>> Khai mạc hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 39
Các ngoại trưởng tham gia Hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 39 chụp hình lưu niệm cùng Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi (thứ 7 từ bên trái) và Tổng thư kí Ong Keng Yong (ngoài cùng, bên phải). |
Cụ thể là:
1. Myanmar : Các ngoại trưởng ASEAN khẳng định sự quan tâm cũng như hy vọng sẽ được chứng kiến những tiến triển rõ rệt trong quá trình hoà hợp quốc gia, đưa tới giai đoạn quá độ đến dân chủ trong tương lai gần ở Myanmar. Đại diện các nước thành viên cũng tiếp tục kêu gọi Myanmar hãy sớm thả những người đang bắt giữ (ám chỉ một số chính trị gia đối lập) và tổ chức đối thoại tích cực giữa các bên liên quan.
2. Đông Timor : ASEAN chú ý đến những diễn biến tích cực gần đây ở Đông Timor cũng như đánh giá cao việc Malaysia, Australia, New Zealand và Bồ Đào Nha đã cử các lực lượng an ninh - quốc phòng tới hỗ trợ kịp thời quốc gia non trẻ nhất khu vực. Các bộ trưởng tuyên bố đồng ý cho Đông Timor tham gia vào các lĩnh vực chức năng thích hợp trong các hoạt động của ASEAN. Nhóm cũng rất hoan nghênh quyết định tham gia Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (TAC) của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
3. Iraq : Bên cạnh việc đề cao quyết tâm của người Iraq trong việc thực hiện các bước đi chính trị cần thiết nhằm hướng tới sự hoà hợp quốc gia, hình thành tương lai độc lập - dân chủ, ASEAN bày tỏ quan ngại trước điều kiên an ninh đang xấu đi ở nước này, nhất là các cuộc tấn công vào dân thường và các thánh đường cầu nguyện. Các ngoại trưởng Đông Nam Á kiến nghị các nhà chức trách Iraq, chính phủ và các bên liên quan cải thiện tình hình an ninh trong nước, giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, dân chủ, đem đến sự ổn định, thống nhất và thịnh vượng lâu dài cho quốc gia.
4. Trung Đông : Các ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Trung Đông và đề nghị cộng đồng quốc tế cũng như Hội đồng bảo an (HĐBA) giám sát thực hiện việc này. Tuyên bố chung của các quốc gia Đông Nam Á lên án các hoạt động tấn công quân sự "quá đáng" của Israel vào Lebanon, dải Gaza và Bờ Tây vì chúng sẽ "đe doạ các nỗ lực cứu vãn tiến trình hoà bình" trong khu vực. ASEAN cũng chỉ trích các hoạt động khủng bố và bạo lực (đặc biệt là gây thương vong cho dân thường và phá huỷ các cơ sở hạ tầng dân sự) cũng như yêu cầu thả ngay không điều kiện đối với các bộ trưởng nội các, quan chức chính phủ và người dân vô tội bị bắt cóc. Riêng đối với cuộc xung đột Israel-Palestine, ASEAN kêu gọi hai bên hãy quay trở lại bàn đàm phán và thực hiện lộ trình hoà bình tiến tới Giải pháp hai quốc gia vĩnh viễn đã được đề cập trong nghị quyết 1515 của HĐBA.
5. Bán đảo Triều Tiên : ASEAN bày tỏ quan ngại tới các cuộc thử nghiệm tên lửa (trong đó có loại Taepodong-2) của Bình Nhưỡng vào ngày 5/7 vừa qua và cho rằng chúng có thể ảnh hưởng đến hào bình, ổn định trong khu vực. Các ngoại trưởng hy vọng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 13 tổ chức vào ngày 28/7 có thể là cơ hội để các bên liên quan trong đàm phán 6 bên về vấn đề CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành các vòng đàm phán bên lề hội nghị. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á một lần nữa cũng tái khẳng định mong muốn về "một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân" cũng như tiến triển tốt đẹp trong mối quan hệ, trao đổi giữa hai miền Triều Tiên.
Kí kết hiệp ước miễn giảm thị thực (visa)
Trong cuộc họp hôm qua, các ngoại truởng ASEAN cũng đã kí kết một Hiệp định khung ASEAN và miễn giảm thị thực (visa) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong khối cũng như khuyến khích phát triển du lịch, kinh tế và liên kết người dân giữa các nước thành viên.
Theo đó, công dân các nước ASEAN có thể thực hiện các chuyến đi mang tính chất xã hội tới các quốc gia thành viên khác của khu vực tới tận 14 ngày mà không cần visa.
Tuy nhiên, hiệp ước mới cũng sẽ không ảnh hưởng tới việc áp dụng các nghi thức ngoại giao và quy định về miễn giảm thị thực đang tồn tại và được thừa nhận ở từng nước thành viên ASEAN.
Hiện tại, Malaysia đang áp dụng việc miễn visa tới một tháng cho tất cả công dân các quốc gia ASEAN còn lại trừ Myanmar nếu có hộ chiếu phổ thông, công vụ hoặc ngoại giao. Tuy nhiên, các công dân Myanmar nếu có hộ chiếu công vụ hoặc ngoại giao cũng được hưởng đặc quyền này từ phía Malaysia.
Chỉ có Thái Lan và Philippines vừa bắt đầu tiến hành cải cách các thủ tục visa song phương liên quan tới hộ chiếu phổ thông với Myanmar.
Theo tinh thần của Hiệp định khung ASEAN và miễn giảm visa, các quốc gia ASEAN kể cả Malaysia dự kiến sẽ đàm phán với Myanmar về việc miễn thị thực 14 ngày cho các công dân có hộ chiếu phổ thông. Hiệp định sẽ có hiệu lực khi tất cả các nước thành viên áp dụng các biện pháp thực thi cụ thể.
-
Thanh Bình (Tổng hợp)