Hơn hai tháng trôi qua sau thảm họa động đất kinh hoàng giết hại hàng ngàn người Indonesia ở đảo Java, cư dân nơi đây đã và đang bắt đầu tái thiết cuộc sống của họ.
Chùm ảnh của Maida Irawani - một người sống sót sau thảm họa sóng thần 2004 ở Aceh và hiện là nhân viên của tổ chức Tầm nhín thế giới - về cuộc chiến khắn phục khó khăn của một gia đình nạn nhân ở Java.
Khi trận động đất khủng khiếp xảy đến lúc 5 giờ sáng, Yatini (trái) đang nấu ăn trong bếp. Chồng của cô bị thương khi một bức tường đổ sập vào người lúc đó. | |
Hầu như tất cả các tòa nhà ở huyện Bantul nơi Yatini sống đều bị phá hủy. Ý nghĩ đầu tiên của Yatini sau cơn địa chấn ban đầu là về đứa con con gái Ayu, 4 tuổi, đang chơi ở phía ngoài. "Tôi không thể tưởng tượng nỗi sợ hãi mà đứa con gái bé bỏng phải trải qua một mình khi mặt đất bắt đầu rung chuyển. Cháu đã nhìn thấy những ngôi nhà trong làng đổ sập xuống, kể cả nhà của chúng tôi. Chắc chắn cháu đã vô cùng khiếp sợ. Tôi nghĩ, cháu quá nhỏ để một mình đối diện với điều này." Yatini nói. | |
Tuy được một người hàng xóm cứu, Ayu vẫn bị chấn động tâm lí vì động đất. Cả gia đình cô bé đã bỏ đi sơ tán hàng dặm vì sợ sóng thần. Khi họ trở về làng thì mọi thứ còn lại chỉ là những đống đổ nát. Yatini kể : "Ayu đã òa khóc khi nhìn thấy ngôi nhà của chúng tôi. Cháu hỏi tôi xem nó ở đâu." Cô bé Ayu hiện giờ đang sinh hoạt trong một trung tâm cùng 300 đứa trẻ khác cũng đã phải hứng chịu những tổn thương tâm lí tương tự. Tại đây, chúng có thể chơi, vẽ, đọc và hát cùng nhau. Trung tâm đã giúp các nạn nhân bé nhỏ đối mặt với những gì đã xảy ra. | |
Anh Sugito - chồng của Yatini là một công nhân xây dựng. Sau khi hồi phục chấn thương, anh đã dựng tạm một cái chòi bằng gỗ và tre từ những gì thu lượm được ở ngôi nhà đổ nát của mình. "Sau trận động đất, rất nhiều ngôi nhà cần phải được xây dựng lại. Cảm ơn Thượng đế, hiện giờ tôi có thể tiết kiệm tiền để xây dựng lại mái ấm của riêng mình." Sugito cho biết. Anh dự định xây một ngôi nhà kiên cố nhưng Yatini e sợ một cơn địa chấn mới có thể lại xảy đến. | |
Bà Darjo Utomo, mẹ của Sugito đang cầu nguyện trong căn chòi dựng tạm của họ. Bà hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với gia đình và cộng đồng trong tương lai. Trước trận động đất, bà thường làm và bán một món ăn vặt có tên gọi là "gendar". Nhưng, kể từ khi ngôi nhà của bà bị san phẳng, bà đã dừng việc làm "gendar". Bà Darjo mong muốn tất cả các con sống gần mình để họ có thể giúp đỡ lẫn nhau khi cần cũng như cùng tái thiết lại ngôi nhà và cuộc sống của họ. | |
Mọi thứ hiện giờ phải thực hiện ở ngoài trời. Vì không còn bếp nữa nên Yatini nấu nướng ngay phía trước căn chòi. "Đây là chỗ tôi nấu ăn hàng ngày. Tôi không có bếp lò nên phải dùng củi đun. Tuy nhiên, phần cứu trợ chúng tôi nhận được từ các tổ chức cũng đủ. Chúng tôi đón nhận số phận một cách nhẫn nại. Tôi vẫn chưa thoái chí. Tôi vẫn sẽ tiếp tục tiến lên và làm việc sau khi Ayu có thể đến trường mà không có tôi bên cạnh." | |
Ayu chơi với các bạn ở ngay phía ngoài đống đổ nát của những ngôi nhà cũ. Như những gì mà Maida đã tận mắt chứng kiến sau thảm họa sóng thần, vui đùa cùng nhau giúp trẻ em quên đi những kí ức và tổn thương về một thảm họa. Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã mở một "Không gian thân thiện của trẻ" - nơi các nạn nhân trẻ em có thể được giúp đỡ vượt qua những chấn động tâm lí. Ayu cho biết cô bé đặc biệt hạnh phúc vì đã giải cứu được con búp bê của mình khỏi đống đổ nát của ngôi nhà. |
-
Thanh Bình (Theo BBC)