Tổng thống Mỹ George W. Bush và người đồng cấp Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có các bài phát biểu chỉ trích gay gắt chính phủ đôi bên ở cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tổng thống Iran đã lên tiếng bảo vệ chương trình hạt nhân của Tehran và cáo buộc Mỹ và đồng minh Anh đã sử dụng ưu thế thống trị tại Hội đồng bảo an để xúc tiến các chương trình nghị sự của các nước này.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang phát biểu trước hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York |
Mặc dù không chỉ rõ đích danh Mỹ, ông Ahmadinejad buộc tội các chính phủ của một số nước phản đối việc Iran làm giàu uranium "đã lạm dụng công nghệ hạt nhân không phục vụ mục đích hoà bình, kể cả sản xuất bom nguyên tử" và "một số thậm chí có cả hồ sơ ảm đạm về việc sử dụng chúng chống lại loài người".
Theo lãnh đạo Iran, Mỹ và Anh đã dùng bạo loạn tại Iraq để mở rộng "việc chiếm đóng" của họ tại quốc gia này. Đối với Israel, ông Ahmadinejad tố cáo nhà nước Do Thái là "nguồn gốc bất biến của sự đe doạ và bất ổn ở khu vực Trung Đông".Ông Ahmadinejad còn khẳng định "một số cường quốc đang sử dụng Israel như một công cụ chia rẽ, áp bức và gây áp lực đến người dân trong khu vực." Trước đó, Tổng thống Iran từng kêu gọi "xoá sổ" nhà nước Do Thái khỏi bản đồ.
Lời buộc tội từ Tổng thống Mỹ
Trước đó vài giờ, cũng tại diễn đàn của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Bush buộc tội chính phủ của ông Ahmadinejad đã "hoang phí nguồn lợi dầu mỏ dồi dào vào các chính sách cực đoan".
Trong một thông điệp được tuyên bố là gửi tới người dân Iran, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định họ "xứng đáng được sống trong một xã hội cho phép mọi công dân phát huy hết tiềm lực to lớn của bản thân". Ông Bush nói thêm rằng : "Trở ngại lớn nhất đối với tương lai này là những nhà cầm quyền của các bạn (người dân Iran) đã chọn từ chối quyền tự do của các bạn và dùng nguồn tài nguyên của đất nước để gây quỹ cho khủng bố, nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và phát triển vũ khí hạt nhân."
Trong bài phát biểu của mình, tổng thống Mỹ cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế phải có hành động lập tức đối với cuộc xung đột ở Darfur. Lãnh đạo Nhà Trắng cảnh báo uy tín của tổ chức phụ thuộc vào việc một lực lượng của LHQ có sớm được triển khai tại Darfur, bất chấp sự phản đối của chính quyền Sudan, để chấm dứt "bạo lực tồi tệ" hay thậm chí là "tội ác diệt chủng" ở khu vực này.
Quân tâm hàng đầu của Liên hợp quốc
Các lãnh đạo Mỹ và Liên hợp quốc trong một cuộc tiếp xúc tại New York hôm 19/9. (Từ trái qua phải) : Chánh văn phòng Nhà Trắng Josh Bolten, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice, Tổng thống George W. Bush, TTK LHQ Kofi Annan và phó TTK LHQ Mark Malloch Brown. |
Bất chấp quan điểm trên của Mỹ, nhiều lãnh đạo khác của Mỹ lại đặt trọng tâm hội nghị lần này vào vấn đề Trung Đông.
Cả TTK LHQ Kofi Annan và Tổng thống Pháp Jacques Chirac đều kêu gọi các nước thành viên đại hội đồng có hành động mạnh mẽ hơn để kết thúc những bất ổn trong khu vực này.Ông Annan đã trích dẫn cuộc xung đột Israel-Palestine như một trong các thách thức an ninh hàng đầu trên thế giới hiện nay. Vị tổng thư kí sắp mãn nhiệm vào tháng 12 tới cũng khuyến cáo sự thất bại của Hội đồng bảo an trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài gần 60 năm này sẽ làm tụt dốc niềm tin đối với Liên hợp quốc.
Dự kiến, ông Annan sẽ tham dự một cuộc hội đàm của các nhà ngoại giao thuộc nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ) tại New York hôm nay (20/9).
Hiện tại, giới lãnh đạo nhóm họp tại trụ sở LHQ cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến về cuộc đảo chính ở Thái Lan trong khi thủ tướng nước này đang tham gia hội nghị của đại hội đồng. Các nguồn tin khẳng định Thủ tướng Thaksin đã bay rời New York nagy trong đêm 19/9 và vẫn chưa rõ điểm đến của nguyên thủ này ở đâu.
-
Thanh Bình (Theo AFP, TurkishPress, AP, CNA)