Tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bắt nguồn từ 3 vị tướng thường xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-il và hai nhà khoa học, Hàn Quốc cho biết.
Ông Kim Jong-il và một số tướng lĩnh quân đội |
Ai tạo nên tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên? Đó chính là 3 vị tướng theo trường phái không thỏa hiệp, những người có ảnh hưởng mạnh khiến lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đi theo con đường nguy hiểm. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, ngoài ba người trên, còn có 2 nhà khoa học tự nguyện đã thiết lập nền tảng cho công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong khi cộng đồng quốc tế còn lấn bấn về tuyên bố đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, thì các chuyên gia tại Seoul đã chỉ ra rằng có nhiều khả năng nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-il đã bị các vị tướng thân cận gây sức ép và phải tiến hành vụ thử nghiệm.
Đó là các tướng Park Jae-kyung, Hyun Chul-hee và Lee Myong-su. Cả 3 nhân vật này đều thuộc lực lượng Quân đội nhân dân CHDCND Triều Tiên và thường xuất hiện cạnh ông Kim Jong-il.
Các chuyên gia Hàn Quốc vừa chỉ tên một số nhân vật dẫn dắt tham vọng hạt nhân ở Bình Nhưỡng. |
''Rất có thể 3 tướng này cùng nhiều nhà quân sự theo đường lối cứng rắn đã đặt nền tảng cho việc thử nghiệm bom hạt nhân, và tiếp đó, ông Kim Jong-il ra quyết định'', ông Nam Sung-wook, một giáo sư nghiên cứu về CHDCND Triều Tiên tại trường đại học Triều Tiên nhận định.
''Park và Hyun đã khăng khăng rằng CHDCND Triều Tiên phải sở hữu vũ khí hạt nhân để duy trì cơ cấu xã hội và quân sự'', ông Nam nhận xét.
Theo giới quan sát, hiện nay do CHDCND Triều Tiên ưu tiên cho quân đội nên sức mạnh quân sự của họ lớn hơn bao giờ hết. Bom hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể được một số nhà khoa học như ông Do Sang-rok, hiện đã qua đời, tạo ra. Nhà nghiên cứu này chạy từ Hàn Quốc sang CHDCND Triều Tiên từ năm 1946.
Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho hay ''Giáo sư Do Sang-rok được lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành rất coi trọng và ông Kim Jong-il đã nói với chúng tôi rằng CHDCND Triều Tiên đặc biệt quan tâm tới chế tạo vũ khí hạt nhân''.
Ông Do Sang-rok sinh năm 1903 tại CHDCND Triều Tiên và qua đời năm 1990 sau khi công bố một số tài liệu nghiên cứu về vấn đề hạt nhân và năng lượng hạt nhân. Nhà khoa học này từng dạy tại trường đại học quốc gia Seoul trước khi Triều Tiên thoát khỏi sự kiểm soát của Nhật vào năm 1945. Tiếp đó, ông tới Bình Nhưỡng và dạy tại trường đại học Kim Nhật Thành.
Giáo sư Do Sang-rok được nhà sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành và con trai ông là Kim Jong-il, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên hiện nay, yêu quý. Ông Do đã giành được nhiều bằng khen, giải thưởng, gồm cả giải Kim Nhật Thành năm 1973 vì những cống hiến cho chương trình phát triển hạt nhân.
Ngoài ông Do, còn một nhà khoa học khác tên là Seo Sang-guk, giáo sư vật lý tại trường đại học Kim Nhật Thành.
Sinh năm 1938, ông Seo giữ vai trò đi đầu trong việc chế tạo bom hạt nhân. Ông bắt đầu công tác tại trường đại học Kim Nhật Thành sau khi du học ở Nga những năm thuộc thập niên 1960.
Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bị cả thế giới lên án |
Khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đón mừng sinh nhật lần thứ 60 vào năm 1998, các phương tiện truyền thông ở Bình Nhưỡng đưa tin, ông Kim đã gửi quà tới ông Seo vì có những cống hiến cho công cuộc pháp triển khoa học quốc gia.
Theo một số nguồn tin, ông Seo là thành viên bí mật của Ủy ban quốc phòng CHDCND Triều Tiên và chuyên trách các chương trình và chính sách hạt nhân.
Các chuyên gia nhận định, do lập trường của CHDCND Triều Tiên ngày càng cứng rắn, thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đối phó với tham vọng hạt nhân của nước này.
Selig Harrison, Giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm chính sách quốc tế, người vừa có chuyến thăm Bình Nhưỡng tuyên bố, lệnh trừng phạt tài chính chống CHDCND Triều Tiên càng khiến vấn đề hạt nhân thêm phức tạp.
Hồi tháng 5, Bình Nhưỡng bất ngờ hoãn chạy thử nghiệm tuyến đường sắt liên Triều với lý do có những lo ngại về an ninh. Chính phủ ở Seoul cũng giải thích rằng nhà chức trách quân sự ở CHDCND Triều Tiên không mấy chú trọng việc thực thi các thỏa thuận liên Triều.
Các nhân vật theo đường lối cứng rắn của CHDCND Triều Tiên cũng phản đối dự án kinh doanh liên Triều tại thành phố biên giới phía bắc nước này là Gaeseong và tại núi Kim Cương. Họ lập luận rằng, đất nước chẳng được lợi gì từ những dự án đó.
-
Hoài Linh (Theo KoreaHerald)