Hôm qua, một ủy ban của Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu ủng hộ việc bắt đầu soạn thảo một hiệp ước mới, đặt ra những tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu về buôn bán vũ khí.
>>>Thế giới sẽ có hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế?
Với 139 phiếu ủng hộ và 1 phiếu chống duy nhất của Mỹ, Ủy ban an ninh quốc tế và giải trừ quân bị của Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết cho phép bắt đầu soạn thảo hiệp ước trên. 26 quốc gia khác bỏ phiếu trắng, trong đó có các nước sản xuất vũ khí lớn như Trung Quốc, Nga cũng như các nước xuất khẩu mới nổi Pakistan và Ấn Độ.
Mặc dầu vậy các nước xuất khẩu vũ khí mới nổi khác như Brazil và Nam Phi đã ủng hộ nghị quyết trên.
Toàn thể Đại hội đồng LHQ, gồm 192 nước thành viên, sẽ bỏ phiếu về nghị quyết này vào cuối năm nay. Theo nhận định của các chuyên gia thì Đại hội đồng sẽ ủng hộ nghị quyết vì tất cả 192 nước thành viên đều có đại diện tại Ủy ban an ninh quốc tế và giải trừ quân bị.
Tổng thư ký LHQ sẽ có 1 năm để thăm dò và thông báo về tính khả thi, phạm vi của một hiệp ước ràng buộc, thiết lập tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu đối với việc buôn bán (xuất nhập khẩu và chuyển giao) các loại vũ khí thông thường.
Mục đích của hiệp ước là bịt kín những khe hở mà thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu tạo ra. Mặc dù nhiều quốc gia có quy định về buôn bán vũ khí song chẳng có gì ngăn được một người mua tìm kiếm các tiêu chuẩn thấp nhất hoặc người bán chẳng có tiêu chuẩn gì.
Những người ủng hộ hy vọng hiệp ước sẽ ngăn chặn các giao dịch tiếp tay cho một cuộc chiến đang diễn ra, cho vi phạm lệnh cấm vũ khí của LHQ và quyền con người hoặc ngầm phá hoại sự phát triển của một quốc gia bằng cách hút mọi nguồn lực tài chính. ''Đa số các nước giờ đã nhất trí bắt đầu soạn thảo một hiệp ước buôn bán vũ khí dựa trên sự tôn trọng luật nhân đạo và các quyền con người quốc tế'', Helen Hughes thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết.
Chính quyền của Tổng thống Bush cho biết sẵn sàng ủng hộ các nguyên tắc tự nguyện nhằm hướng dẫn cho các giao dịch vũ khí song sẽ không ủng hộ các biện pháp ràng buộc kiểm soát việc buôn bán vũ khí xuyên biên giới.
Ý tưởng về một hiệp ước buôn bán vũ khí mới do Argentina, Australia, Anh, Costa Rica, Phần Lan và Kenya đưa ra và 116 chính phủ đồng tài trợ cho nghị quyết nói trên.
-
Minh Sơn (Theo Reuters, AP, BBC)