Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói, muốn thấy một kết quả nhanh chóng trong cuộc hội đàm giải trừ vũ khí của CHDCND Triều Tiên, diễn ra vào ngày 18/12.
Ngoại trưởng Condi Rice. |
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng đặt ra thời hạn 24 tháng để hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên.
''Tôi vui mừng vì các cuộc gặp sẽ tiếp tục diễn ra nhưng nó phải cho thấy kết quả sớm'', Ngoại trưởng Rice trả lời phỏng vấn AFP đúng một tuần trước khi vòng đàm phán 6 bên được nối lại tại Bắc Kinh sau 13 tháng trì hoãn.
Ngoại trưởng Rice nói, Washington sẵn sàng đưa ra đề xuất về viện trợ kinh tế, trợ giúp năng lượng và cải thiện quan hệ chính trị với Bình Nhưỡng nếu quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên thực thi tuyên bố chung hồi tháng 9/2005. Tại đó, CHDCND Triều Tiên cam kết ngừng phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, bà Rice từ chối công bố trước chi tiết những biện pháp khuyến khích mà Washington sẽ đưa ra trong cuộc họp sắp tới gồm cả Trung Quốc, Nhật, Nga và Hàn Quốc.
''Tôi cho rằng tất cả mọi người đều mong chờ trong vòng đàm phán sắp tới hoặc tiếp nữa CHDCND Triều Tiên sẽ làm một việc gì đó để chứng tỏ họ thật sự muốn phi hạt nhân''.
Ngoại trưởng Rice nói, mục tiêu của bà là làm cho CHDCND Triều Tiên chịu hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Bush chấm dứt vào tháng 1/2009. ''Đó là lịch trình duy nhất mà tôi muốn có''.
Quan chức này còn cho hay, CHDCND Triều Tiên sẽ cần thêm thời gian để phá bỏ hoàn toàn cơ sở hạ tầng hạt nhân, gồm lò phản ứng sản xuất plutonium tại Yongbyon, các cơ sở tái chế nhiên liệu và một bãi thử nơi nước này cho nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên vào 9/10 vừa qua. ''Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng không nên kéo dài các bước này'', bà Rice nói.
Đàm phán 6 bên khởi động vào năm 2003 nhằm yêu cầu CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân. Tháng 9/2005, Bình Nhưỡng đã ký vào thỏa thuận chung cam kết từ bỏ hạt nhân để đổi lấy bảo đảm về an ninh, trợ giúp năng lượng và các khoản viện trợ khác.
-
Hoài Linh (Theo AFP, KoreaTimes)