CHDCND Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán sáu bên vào thứ hai tới, giữa lúc có nhiều hy vọng nước này có thể từ bỏ các tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng hy vọng đó chỉ là ảo tưởng.
Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan |
Mỹ, rất muốn một chiến thắng hiếm hoi về chính sách ngoại giao, cho biết nước này muốn CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong vòng 2 năm. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã tuyên bố mục tiêu này hồi tuần trước giữa lúc có thông báo Mỹ muốn dụ CHDCND Triều Tiên bằng các biện pháp an ninh, có thể ngừng các biện pháp trừng phạt và những củ cà rốt khác.
Những biện pháp khuyến khích trên và cái Bình Nhưỡng phải làm để đổi lấy chúng sẽ là tâm điểm của vòng đàm phán mới tại Bắc Kinh. Các cuộc đảm phán liên quan tới Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đánh giá rằng lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân mà quốc gia của ông đã phát triển hàng thập kỷ nay.
''Việc CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ xảy ra. Do CHDCND Triều Tiên đã có thế mặc cả hạt nhân, nước này sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Và Mỹ không thể thay đổi lập trường của CHDCND Triều Tiên'', John Feffer, giám đốc các vấn đề toàn cầu của Trung tâm quan hệ quốc tế tại Mỹ, nói.
CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 63 ngày sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Cộng đồng quốc tế đã lên án vụ thử, trong đó có Trung Quốc, và LHQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Quan điểm của Mỹ là áp lực toàn cầu đã buộc Bình Nhưỡng trở lại các cuộc đàm phán sau khi nước này tẩy chay trong 13 tháng để phản đối các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ.
Tuy nhiên, Scott Bruce thuộc Viện Nautilus chuyên về các vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cho rằng nước này trở lại bàn đàm phán với những điều kiện của riêng họ. ''CHDCND Triều Tiên muốn xuất hiện tại các cuộc đàm phán như một quốc gia bình thường, có vũ khí hạt nhân và tuyên bố sự bình đẳng của nước này với Mỹ'', Bruce nói.
Ông Bruce cũng cho rằng CHDCND Triều Tiên đang dùng các cuộc đàm phán để có nhiều thời gian hơn phát triển chương trình hạt nhân. ''Cho tới khi nhiệm kỳ của Tổng thống Bush kết thúc, mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày CHDCND Triều Tiên tiếp tục tái chế plutonium và xây dựng kho hạt nhân của họ'', ông nói.
Theo GS Zhang Liangui của Trung Quốc, có thể đảo lộn vị thế hạt nhân của CHDCND Triều Tiên song cực kỳ không chắc chắn. ''Vụ thử hạt nhân cho thấy các lãnh đạo CHDCND Triều Tiên từ lâu đã quyết định phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân. Do đã quyết tâm như vậy nên có khả năng họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân vì bất kỳ thứ gì'', Zhang cho biết.
Một cách để CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là nếu Hàn Quốc và Trung Quốc ngừng hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, hai nước đã nói rõ chưa sẵn sàng làm điều đó vì nhiều lý do.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích đã chỉ trích mục tiêu của Mỹ là yêu cầu CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân trong vòng hai năm. Theo họ, chính quyền Bush đã biết điều này là không thể song không dám thừa nhận do đã gặp quá nhiều thất bại khác trong chính sách ngoại giao.
''Trước tình hình Iraq đang tan rã, Taliban đang trỗi dậy ở Afghanistan và Iran chế nhạo Washington, chính quyền Bush muốn nói rằng đã xử lý thỏa đáng ít nhất một cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao, trước các cuộc bầu cử sắp tới''. Feffer thuộc Trung tâm quan hệ quốc tế cho biết.
Khi tới Bắc Kinh sáng 16/12 để chuẩn bị cho vòng đàm phán mới, trưởng đoàn đám phán CHDCND Triều Tiên Kim Kye-gwan cho biết nước này không mấy lạc quan về triển vọng của vòng đàm phán sắp diễn ra. Ông Kim nói rằng các cuộc đàm phán sẽ thất bị nếu Mỹ không chấm dứt chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên
''Các vấn đề hạt nhân không thể được giải quyết nếu Mỹ không chuyển sang chính sách cùng tồn tại hòa bình'', ông Kim nói. Ông Kim cho biết CHDCND Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân - vũ khí chống lại sự đe dọa và xâm lược của Mỹ.
-
Minh Sơn (Theo AFP, Tân Hoa Xã, Reuters)