221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
879428
LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt Iran
1
Article
null
LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt Iran
,

Hội đồng Bảo an LHQ hôm 23/12 đã bỏ phiếu nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran do nước này từ chối ngừng làm giàu uranium. Ngay lập tức Iran đã bác bỏ nghị quyết này.

Soạn: HA 991495 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đại sứ Iran tại LHQ Javad Zarif

Là kết quả của hai tháng đàm phán căng thẳng, nghị quyết trừng phạt của LHQ yêu cầu mọi quốc gia ngừng cung cấp cho Iran các nguyên liệu và công nghệ liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Nghị quyết cũng phong tỏa các tài sản của 10 công ty then chốt và 12 cá nhân Iran liên quan tới chương trình đó.

Nếu Iran từ chối tuân thủ nghị quyết trên, Hội đồng Bảo an khuyến cáo sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt phi quân sự khác chẳng hạn như cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế, giao thông vận tải và thông tin liên lạc. Tuy nhiên, nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao nhằm tìm kiếm các đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Iran đã quả quyết rằng chương trình hạt nhân của nước này nhằm sản xuất năng lượng. Thế nhưng Mỹ và châu Âu nghi ngờ mục tiêu cuối cùng của Iran là sản xuất vũ khí hạt nhân.

Chính phủ Iran ngay lập tức đã bác bỏ nghị quyết, tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium - một công nghệ có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu cho các mục đích dân sự hoặc nhiên liệu cho bom hạt nhân. Chính phủ Iran cho biết ''không giao phó vận mệnh cho các quyết định không hợp lệ của Hội đồng Bảo an LHQ''. 

Đại sứ Iran tại LHQ,  Javad Zarif, đã lên án việc Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran trong khi lại bỏ qua Israel. Gần đây Thủ tướng Israel dường như khẳng định những nghi ngờ từ lâu rằng Israel là một cường quốc hạt nhân. ''Một quốc gia đang bị trừng phạt vì đã sử dụng các quyền chính đáng để phát triển năng lượng hạt nhân, chủ yếu là theo lệnh của Mỹ và Israel. Rõ ràng là hai nước này ngày hôm nay đang được thưởng vì đã phát triển bí mật và sở hữu bất hợp pháp vũ khí hạt nhân'', ông Zarif nói.

Mỹ cho biết nước này hy vọng nghị quyết sẽ mở đường cho các biện pháp cứng rắn hơn của các nước riêng lẻ, đặc biệt là Nga. ''Chúng tôi không nghĩ nghị quyết này là đủ. Chúng tôi muốn để người Iran biết rằng họ phải trả giá đắt, do vậy họ sẽ trở lại các cuộc đàm phán. Chúng tôi hy vọng chính phủ Nga sẽ hợp tác tích cực với chúng tôi để gửi bức thông điệp thống nhất này tới Iran và chúng tôi hy vọng Nga sẽ có biện pháp rất mạnh'', Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Nicholas Burns nói tại Washington.

Quyền đại sứ Mỹ tại LHQ Alejandro Wolff nói rằng Mỹ hy vọng Iran ''hiểu rằng theo đuổi vũ khí hạt nhân làm cho nước này ít an toàn hơn chứ không phải ngược lại''.

Washington đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga, hai nước có quan hệ thương mại mạnh với Tehran, lại do dự. Để có được lá phiếu ủng hộ của Nga và Trung Quốc, nghị quyết đã bỏ lệnh cấm đi lại quốc tế đối với các quan chức Iran liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân cũng như làm rõ các công nghệ và hàng hóa bị cấm.

Để thay thế lệnh cấm đi lại, nghị quyết yêu cầu mọi quốc gia cảnh giác về việc nhập cảnh hoặc quá cảnh của 12 người Iran qua lãnh thổ của họ . Nghị quyết yêu cầu 191 nước thành viên thông báo khi những người Iran này xuất hiện ở nước họ.

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết Moscow đã ủng hộ nghị quyết bởi nghị quyết tập trung vào những biện pháp mà Iran phải tiến hành để ''xua tan những lo ngại'' về các tham vọng hạt nhân của nước này. Ông nhấn mạnh mục tiêu là phải nối lại các cuộc đàm phán. Nếu Iran ngừng làm giàu và tái chế, nghị quyết quy định ngừng các biện pháp trừng phạt và thúc đẩy đàm phán.

Israel, quốc gia mà Iran coi là mối đe dọa lớn nhất và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã kêu gọi phá hủy nhà nước Do thái, đã hoan nghênh nghị quyết trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Regev nói rằng nghị quyết là ''bước đi quan trọng đầu tiên ngăn chặn sự phổ biến hạt nhân của Iran''.

Sáu nước gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Mỹ đã đề nghị dành cho Iran nhiều ưu đãi về kinh tế và chính trị hồi tháng 6 nếu Iran ngừng làm giàu uranium. Đề nghị này vẫn để ngỏ song do Iran từ chối hạn chót 31/8 của Hội đồng Bảo an ngừng làm giàu uranium, Anh và Pháp đã đề xuất một nghị quyết trừng phạt. Dự thảo nghị quyết này đã được sửa đổi nhiều lần kể từ đó tới nay.

  • Minh Sơn (Theo AP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,