Mỹ, Australia và Canada đã bày tỏ lo ngại đối với Trung Quốc khi nước này tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hủy vệ tinh trong không gian lần đầu tiên trong vòng hơn 20 năm qua.
Nhà Trắng. |
''Mỹ tin rằng việc Trung Quốc phát triển và thử nghiệm những vũ khí như vậy không nhất quán với tinh thần hợp tác mà hai quốc gia mong muốn trong lĩnh vực vũ trụ dân sự. Chúng tôi và các quốc gia khác bày tỏ sự lo ngại của chúng tôi về hành động này với Trung Quốc''
, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Gordon Johndroe cho biết hôm 18/1.Chính quyền Bush đã giữ im lặng về vụ thử nghiệm này trong một tuần khi cân nhắc về tầm quan trọng của nó. Theo các nhà phân tích, các vệ tinh thời tiết của Trung Quốc hoạt động ở cùng độ cao quỹ đạo với các vệ tinh do thám của Mỹ, do vậy cuộc thử nghiệm gián tiếp đe dọa tới các hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Được phóng từ hoặc gần Trung Tâm vũ trụ Xichang, tỉnh Tứ Xuyên, tên lửa đạn đạo tầm trung đã hạ gục vệ tinh thời tiết cũ Feng Yun 1C của Trung Quốc ở độ cao hơn 800km bên trên trái đất vào ngày 11/1. Vệ tinh có lẽ đã vỡ thành gần 40.000 mảnh nhỏ từ 1 tới 10cm và khoảng 50% trong số này có thể ở trong quỹ đạo trái đất trong hơn một thập kỷ.
Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội về các mối đe dọa, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng, Trung tướng Michael Maples tuần trước nói rằng Nga và Trung Quốc là ''những quốc gia đáng ngại chính'' về các chương trình quân sự trong không gian vũ trụ.
''Nhiều quốc gia tiếp tục phát triển năng lực mà có tiềm năng đe dọa tới các tài sản của Mỹ trong không gian vũ trụ và một số đã phát triển các hệ thống có khả năng chống vệ tinh, chẳng hạn như các thiết bị đo xa bằng laser để theo dõi vệ tinh và tên lửa đạn đạo hạt nhân'', Tướng Michael Maples nói
Cuộc thử nghiệm hủy diệt vệ tinh lần cuối cùng của Mỹ diễn ra vào ngày 13/9/1985. Sau đó Washington tạm ngừng do lo ngại các mảnh vụn có thể làm hỏng các vệ tinh quân sự và dân sự. Kể từ đó tới nay Mỹ đang nghiên cứu, thí nghiệm sử dụng laser trên mặt đất để vô hiệu hóa và phá hủy vệ tinh.
Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã thông qua một chính sách cứng rắn mới nhằm bảo vệ các lợi ích của nước này trong không gian vũ trụ. Tài liệu chiến lược 10 trang tuyên bố an ninh quốc gia Mỹ ''phụ thuộc rất nhiều vào năng lực vũ trụ và sự phụ thuộc này sẽ tăng lên. ''Mỹ sẽ bảo vệ các quyền, năng lực và tự do hành động trong không gian vũ trụ... và phủ nhận, nếu cần, việc các đối phương sử dụng các năng lực không gian vũ trụ thù địch với các quyền lợi quốc gia của Mỹ'', tài liệu cho biết.
Nhà Trắng cho biết chính sách này không kêu gọi việc phát triển hay triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ song lại bác bỏ mọi đề xuất cấm vũ khí không gian.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã đề xuất một tấm chắn phòng vệ bằng cách sử dụng công nghệ laser để ''chặn và phá hủy'' các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đang tiến tới Mỹ. Sáng kiến phòng thủ chiến lược này hay chương trình ''Chiến tranh giữa các vì sao'' bị bỏ rơi vào năm 1993.
-
Minh Sơn (Theo BBC, Reuters, AP)