Nỗ lực duy trì liên minh trước việc Tehran từ chối ngừng chương trình làm giàu uranium đã gặp nhiều trở ngại khi châu Âu chỉ trích Mỹ can thiệp quá mạnh tay còn Mỹ thì than phiền châu Âu không ''dùng hết trọng lượng'' của mình.
Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, một số nước châu Âu đặt lợi ích kinh doanh lên trên mục tiêu chung là giữ cho Iran không đi vào con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Shawn McCormack nói, Washington sẽ ''tiếp tục thúc đẩy'' các nước châu Âu.
Những công ty Mỹ đã bị cản trở trong việc kinh doanh với Iran, và năm 1996, Quốc hội nước này đã thông qua luật cho phép Washington được trừng phạt thậm chí cả hãng nước ngoài nếu có quan hệ thương mại với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Các ngoại trưởng EU đã kêu gọi các nước tôn trọng lệnh trừng phạt trong một nghị quyết của LHQ đưa ra tháng trước nhằm vào những cá nhân và chương trình liên quan đến hoạt động hạt nhân và tên lửa của Iran. Song họ cũng khẳng định, không ai bắt buộc được nước của họ phải theo bước chân Mỹ, phải cản trở mọi quan hệ thương mại và kinh tế với Iran xa hơn những gì được quy định trong nghị quyết mà LHQ thông qua.
Những biện pháp của Mỹ ''không tác động tới người châu Âu'', phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Mattei khẳng định với báo giới như vậy.
Các quan chức và đại diện nhiều hãng công nghiệp châu Âu gần đây đã nhận được lời kêu gọi từ Bộ Ngân khố và nhiều quan chức sứ quán Mỹ về việc cắt giảm hợp đồng với Iran đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, dầu khí và nhiều ngành nhạy cảm khác. "Tất cả các công ty dầu khí đều nói rằng, họ thường xuyên có sự viếng thăm của quan chức sứ quán Mỹ'', một chuyên gia thuộc công ty tư vấn dầu khí châu Âu bên lề cuộc họp giữa Công ty dầu khí quốc gia Iran với các hãng kinh doanh dầu khí quốc tế tại Vienna tuần trước, cho biết.
Đại sứ quán Mỹ tại Vienna thừa nhận, Washington khuyến khích ''các công ty xem xét việc đầu tư để thực sự được ổn định trong thời gian dài, và không nên mạo hiểm với việc đầu tư cũng như danh tiếng quốc tế của hãng''.
Trong năm 2004, tổng giao dịch thương mại giữa EU và Iran đạt hơn 25,85 tỉ USD.
Những công ty dầu khí tham gia cuộc gặp tại Vienna có đại điện của Lukoil (Nga), Sinopec (Trung Quốc), OMV và Royal Dutch Shell PLC (Áo).
"Không ai ở châu Âu sẽ từ bỏ cơ hội làm ăn với Iran chỉ vì mục đích làm hài lòng người Mỹ'', chuyên gia thuộc công ty tư vấn dầu khí nói. Rõ ràng là quan điểm này không làm phía Mỹ thoải mái.
Gregory L. Schulte, đại diện Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế đã kêu gọi các chính phủ châu Âu dừng các khoản vay để ''trợ cấp xuất khẩu tới Iran'' và ''thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn việc đầu tư và giao dịch tài chính''.
-
Kỳ Thư (Theo AP)