Ứng cử viên tổng thống Pháp thuộc cánh hữu - Nicolas Sarkozy - đã ước tính chương trình tranh cử mà ông triển khai trong 5 năm tới, nếu đắc cử, sẽ tiêu tốn chừng 30 tỷ euro (tương đương 39 tỷ USD). Tuy nhiên, ông cho biết chi phí này sẽ được bù đắp phần nào bằng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Sarkozy |
Ông Sarkozy, hiện là Bộ trưởng Nội vụ Pháp, nói với tờ Les Echos rằng một loạt các biện pháp giảm thuế mà ông hứa hẹn sẽ tiêu tốn 15 tỷ euro. Trong khi đó, 9 tỷ euro sẽ được chi cho các chương trình khuyến khích nghiên cứu và đổi mới.
Ông quả quyết rằng chương trình kinh tế của ông sẽ không tăng thêm nợ nần cho nước Pháp. Trái lại, kế hoạch thúc đẩy thị trường lao động của ông sẽ tạo ra sự giàu có. ''Chiến lược của tôi là chúng ta sẽ giảm được thâm hụt và nợ nần vào ngày chúng ta trả lại công việc'', ông Sarkozy nói.
Để cân bằng chương trình kinh tế, ông dự định cơ cấu lại khoảng 5% trong 590 tỷ euro chi tiêu công cộng có thể tái cơ cấu được - số tiền không bao gồm chi tiêu cho y tế và chi phí nợ. Ông ám chỉ rằng nhà nước có thể gây thêm vốn bằng cách giảm cổ phần trong tập đoàn điện lực EDF. Trong khi đó, đối thủ của ông, ứng cử viên Xã hội Segolene Royal, cho biết bà muốn tái quốc hữu hoá EDF cũng như công ty khí đốt Gaz de France.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, được công bố hôm 13/2, cho thấy ông Sarkozy sẽ đánh bại bà Royal với tỷ lệ 53%/47% trong cuộc bầu cử lần hai vào tháng 5 tới nếu cuộc bầu cử vòng một không phân thắng bại.
Bà Royal đã tiết lộ 100 đề xuất trong ''Kế hoạch xã hội'' của bà hôm 11/2. Bà không ước tính chi phí của kế hoạch song giới phân tích cho rằng chương trình đó tốn ít nhất 35 tỷ euro. Ông Sarkozy đã lên án kế hoạch của đối thủ, cho rằng kế hoạch đó là Chính sách xã hội lạc hậu, thuế và chi tiêu, chẳng làm gì để thúc đẩy công việc hay doanh thu.
Nếu đắc cử, ông Sarkozy cho biết sẽ tái tổ chức Bộ Kinh tế và thành lập một chức Bộ trưởng sản xuất để giúp nước Pháp đối phó với các thách thức của toàn cầu hoá. Ông còn đưa ra một số ưu tiên mà ông muốn giải quyết trước khi kết thúc mùa hè này, đó là cải cách các nghiệp đoàn, buộc họ tổ chức bỏ phiếu kín sau 8 ngày đình công; đơn giản hoá luật lao động và đầu tư lớn cho các trường đại học.
Đứng đầu các ưu tiên tài khoá của ông là xoá bỏ thuế đối với tiền lương làm thêm giờ, xoá bỏ phần lớn các loại thuế di sản và giảm thuế đối với các khoản thế chấp. Tuy nhiên, một ngày nào đó ông sẽ tăng thuế giá trị gia tăng giống như Đức đã làm.
Ông hứa hẹn giảm 68 tỷ euro tiền thuế cho các công ty Pháp trong thời gian 10 năm, nhấn mạnh điều quan trọng là châu Âu không được trở thành một thị trường tự do, không có kiểm soát, nơi các nhà đầu cơ mặc sức tung hoành.
-
Minh Sơn (Theo Reuters)