Trong một tuyên bố phản ánh sự ngờ vực ngày càng tăng giữa Moscow và phương Tây, chỉ huy các lực lượng tên lửa của Nga - Tướng Nikolai Solovtsov - đã cảnh báo rằng Ba Lan và Séc có nguy cơ bị các tên lửa của Nga tấn công nếu những nước này nhất trí để Mỹ triển khai các căn cứ tên lửa phòng vệ tại nước họ.
Tướng Nikolai Solovtsov |
Lời đe dọa trên là một trong những bình luận gay gắt nhất từ trước tới nay về vấn đề này của các quan chức Nga. Cách đây 10 ngày, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo về một ''cuộc Chiến tranh lạnh mới'' trong bài phát biểu tại Munich, làm giới chức phương Tây sửng sốt.
''Nếu chính phủ Ba Lan và Séc nhất trí như vậy... Các lực lượng tên lửa chiến lược sẽ có khả năng nhằm vào những cơ sở tên lửa đó nếu một quyết định liên quan được đưa ra'', ông Solovtsov cho biết tại Moscow, khẳng định kế hoạch của Mỹ có thể làm đảo lộn cân bằng sức mạnh chiến lược trong khu vực.
Bình luận trên được đưa ra khi Thủ tướng Séc Mirek Topolanek và người đồng nhiện Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết họ sẵn sàng thúc đẩy kế hoạch triển khai 10 tên lửa đánh chặn của Washington tại Ba Lan và một trạm radar ở Séc. Ông Topolanek nói rằng cả hai nước có thể sẽ nhất trí với đề xuất cơ bản của Mỹ song vẫn phải soạn thảo các kế hoạch chi tiết.
Các quan chức Mỹ nói rằng 10 tên lửa đánh chặn không nhằm vào Nga và Moscow có thể dễ dàng đánh bại một hệ thống nhỏ như vậy. Tuy nhiên, ông Putin không tin hệ thống này nhằm chống lại các mối đe dọa từ Iran và cảnh báo Nga có thể trả đũa. Ông Solovtsov lo ngại trong tương lai Washington có thể mở rộng và nâng cấp hệ thống chống tên lửa này, hạn chế khả năng trả đũa một cuộc tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ Nga.
Thủ tướng Ba Lan Kaczynski đã bác bỏ những lo ngại của Moscow, nói rằng hệ thống tên lửa phòng thủ không nhằm vào bất kỳ một quốc gia bình thường nào. ''Mọi tuyên bố rằng hệ thống tên lửa phòng thủ sẽ làm thay đổi cân bằng lực lượng tại châu Âu là sự hiểu nhầm'', ông nói.
Nhà phân tích Slawomir Debski thuộc Viện quan hệ quốc tế Ba Lan cho rằng phản ứng của Moscow ''có nghĩa là Nga coi Mỹ, Ba Lan và Séc là kẻ thù. Phản ứng chứng tỏ rằng liên minh giữa Ba Lan, Séc và Mỹ là đúng đắn và chúng tôi cần nói bởi Nga đang đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân''.
Nhà phân tích Alexander Pikayev thuộc Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế ở Moscow nói rằng các hệ thống tên lửa phòng thủ sẽ có tác động tiêu cực tới các quan hệ Nga-Mỹ. Việc triển khai hệ thống này có thể khiến Nga nghi ngờ về những cam kết của nước này với các hiệp ước kiểm soát vũ khí. Ông dự báo Nga sẽ tăng cường nỗ lực phong tỏa sự mở rộng của NATO tới Grudia và Ukraine.
Tháng trước, Tướng Henry A. Obering, Giám đốc Cơ quan tên lửa phòng thủ của Mỹ, nói rằng các căn cứ tại Ba Lan và Séc sẽ được thiết kế để đánh chặn tên lửa đang được Iran phát triển. Hai căn cứ khác tại Alaska và California sẽ bảo vệ Mỹ khỏi các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.
-
Minh Sơn (Theo AP)