Đảo Sumatra của Indonesia vừa bị hai trận động đất tấn công, khiến 71 người chết và hàng chục nạn nhân khác bị thương.
>>> Chùm ảnh trận động đất chết người ở Indonesia
Trận động đất đầu tiên xảy ra gần cuối buổi sáng hôm 6/3, lúc khoảng 10:49 phút giờ Hà Nội trong khi nhiều người đang đi học hoặc làm việc ở công sở. Mọi người bên trong các tòa nhà đã chạy ào ra ngoài vì lo sợ những công trình xây dựng này sẽ đổ sụp xuống.
Tại thành phố duyên hải Padang - thủ phủ tỉnh Tây Sumatra, phần lớn cư dân địa phương đã rút chạy tới khu đất cao hơn với những kí ức không phai về thảm họa sóng thần chết người do động đất gây ra vào năm 2004.
Một nữ nhân viên văn phòng tại Padang, người đang làm việc tại tầng hai của một tòa nhà khi cơn địa chấn đầu tiên ập tới, cho biết: "Sàn tòa cao ốc chỗ chúng tôi đã thực sự rung lắc khủng khiếp trong khoảng 5 phút. Mọi người đều hoảng hốt với ý nghĩ rằng một trận sóng thần sẽ tiếp sau đó mặc dù đã được thông báo qua các bản tin phát liên tục trên loa phóng thanh dọc các dãy phố rằng sẽ không có sóng thần. Lý do là vì động đất xuất phát từ đất liền chứ không phải ngoài biển. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn bán tín bán nghi".
Một cư dân Padang khác tên Asmiarti lại kể về nỗi sợ hãi mà cô cảm thấy khi trận động đất xảy ra: "Nó thực sự rất mạnh. Tôi kinh hãi và lao ra khỏi nhà như những người hàng xóm. Khi chúng tôi bước ra phía ngoài, người chấn động và cây cối xung quanh cũng rung lắc dữ dội. Chúng tôi sợ sẽ có sóng thần nhưng đến hiện tại vẫn không có thông báo nào".
Các quan chức xác nhận rằng hàng trăm tòa nhà đã bị đổ sụp ở Padang và một số thị trấn khác, chôn vùi một số lượng nạn nhân không xác định được bên trong.
Thiệt hại
Elvin, một người dân Padang, miêu tả những thiệt hại mà anh được chứng kiến ngay lập tức sau cơn địa chấn mạnh 6,3 độ Richter: "Tôi bắt đầu nhìn thấy các ngôi nhà, cửa hàng bị nghiền nát và san phẳng. Rất nhiều người đứng tụ tập thành nhóm ngoài đường, bên ngoài căn nhà của họ và gào thét thảm thiết".
Hàng trăm ngôi nhà bị kéo đổ sụp. |
Các đội cứu hộ tỏa đi khắp các địa điểm của khu vực thiên tai để đánh giá những thiệt hại. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ gặp rất nhiều khó khăn bởi đường sá bị hư hại và sự ùn tắc giao thông do những dòng người đang bỏ chạy khỏi các thị trấn đi lánh nạn gây ra.
Thị trấn nông nghiệp Solok, ở phía đông nam Padang, nằm gần tâm chấn động đất hơn thủ phủ tỉnh Tây Sumatra. Theo ông Samsurahim - lãnh đạo thị trấn, các bệnh viện địa phương đều chật kín người bị thương.
Ông Samsurahim nói: "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cứu chữa và giúp đỡ những người bị thương cùng gia đình của họ. Chúng tôi đã dựng tạm 6 lều trại tại một sân chơi bóng đá làm địa điểm lánh nạn".
Ông Samsurahim cho rằng có thể còn một số người đang mắc kẹt dưới những đống đổ nát. "Quá trình tìm kiếm đang tiếp diễn... Tôi không thể ước tính có bao nhiêu người đang bị mắc kẹt bởi vì công việc cứu hộ chưa hoàn tất. Tuy nhiên, có rất nhiều ngôi nhà bị phá hủy và tôi tin rằng các cư dân vẫn còn bị vùi lấp trong đó".
Một người dân ở Solok nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng và coi những gì xảy ra trong động đất giống như một con tàu chòng chành vì gặp bão: "Lúc đó, mọi người đang chạy thục mạng ra ngoài để tự cứu mình. Nó giống như bạn đang ở trên một con tàu, người rung lắc vì những đợt sóng to. Những ngôi nhà cùng toàn bộ những gì bên trong cũng bị chấn động dữ dội... Tôi đã chứng kiến nhiều nhà dân và các cơ sở công cộng như trường học và nhà thờ bị san phẳng".
Nỗ lực cứu hộ
Tại thủ đô Jakarta, Phó tổng thống Indonesia Yusuf Kalla cho biết, ông đang đẩy mạnh các hoạt động cứu hộ.
Các bệnh viện ở Solok đều quá tải vì số lượng lớn bệnh nhân bị thương do thiên tai. |
"Cơ quan điều phối thảm họa quốc gia sẽ làm mọi việc tốt nhất có thể với sự sẵn sàng trợ giúp của chính phủ Jakarta. Tôi tin tưởng rằng người dân và chính quyền có thể vượt qua những khó khăn mà họ hiện đang gặp phải. Sự đối phó khẩn cấp sẽ sớm được áp dụng và chúng ta nên có khả năng nắm bắt những gì xảy ra sau đó rõ ràng hơn", trích phát biểu của ông Yusuf.
Hàng ngàn người Indonesia đã trải qua một đêm màn trời chiếu đất vì không còn nhà để ở hoặc vì quá hoảng sợ không muốn về ngôi nhà cũ của họ.
Christelle Chapoy thuộc nhóm đối phó động đất của tổ chức nhân đạo Oxfam (Anh), đang có mặt tại Banda Aceh, phía bắc đảo Sumatra khẳng định: "Chúng tôi có một nhóm cứu hộ khẩn cấp trực chiến ở Yogyakarta (trên đảo Java). Hiện tại họ đang thu thập thông tin từ những người đồng nghiệp địa phương".
Chính phủ Hà Lan là một trong những chính quyền ngoại quốc đầu tiên cam kết sẽ viện trợ 1,5 triệu Euro giúp Indonesia khắc phục hậu quả động đất. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố tổ chức của ông đã sẵn sàng trợ giúp các nhà chức trách địa phương vùng thiên tai.
-
Thanh Bình (Theo BBC, Reuters)