221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
907104
TTg Iraq: Bạo lực đẫm máu có thể lan khắp Trung Đông
1
Article
null
TTg Iraq: Bạo lực đẫm máu có thể lan khắp Trung Đông
,

Tại một cuộc họp an ninh quan trọng diễn ra ở Baghdad hôm nay (10/3), Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cảnh báo các nước láng giềng và những cường quốc trên thế giới rằng bạo lực bè phái đẫm máu ở Iraq có thể lan khắp Trung Đông.

Toàn cảnh hội nghị an ninh Baghdad hôm nay (10/3).

"Iraq đã trở thành tiền tuyến của loại khủng bố này. Iraq cần rất nhiều hỗ trợ (quốc tế) để chống lại nó, đặc biệt từ các quốc gia láng giềng. Nó không chỉ đe doạ Iraq mà sẽ lan khắp các nước trong khu vực", trích phát biểu của ông Al-Maliki tại hội nghị quy tụ đại diện của 6 nước láng giềng Iraq (bao gồm Kuwait, Ảrập Xê-út, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran), 5 đại diện thường trực Hội đồng Bảo an (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc), Liên đoàn Arập và Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh.

Ông Al-Maliki cũng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt sự hẫu thuẫn tài chính, truyền thông cũng như "vỏ bọc tôn giáo" cho các hoạt động khủng bố như đánh bom xe hơi, bắn giết và các dạng tấn công khác, khiến người Sunni tấn công người thiểu số Shiite ở Iraq.

Mặc dù không nếu đích danh tên quốc gia nào nhưng thủ tướng Iraq khẳng định nước này "không chấp nhận việc các thành phố và lãnh thổ của mình trở thành nơi giải quyết các tranh chấp quốc tế và khu vực". Ông Al-Maliki bày tỏ hy vọng hội nghị an ninh lần này sẽ là "một bước ngoặt" trong việc ủng hộ chính phủ Iraq chống lại bạo lực bè phái.

Hy vọng về hội đàm bên lề

Dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng giới quan sát hy vọng hội nghị Baghdad sẽ là cơ hội tiếp xúc không chính thức giữa các đoàn đại biểu. Nhiều người chờ đợi những lời đề nghị đàm phán với nỗ lực xoá bỏ những bất hoà kéo dài gần 28 năm qua giữa Iran và Mỹ. Trưởng đoàn Mỹ, David Satterfield, từng để ngỏ khả năng tổ chức đối thoại với Iran hoặc Syria về tình hình Iraq. Đã từ lâu, Mỹ vẫn buộc tội hai quốc gia này nuôi dưỡng xung đột ở Iraq.

Trong khi đó, trước khi rời Tehran hôm 9/3 để tới tham dự hội nghị ở Baghdad, trưởng đoàn Iran Abbas Araghchi tiết lộ chính quyền nước này sẽ ủng hộ chính phủ do một thủ tướng người Shiite lãnh đạo ở Iraq. Iran luôn cực lực phản đối sự hiện diện của các lực lượng quân đội Mỹ tại nước láng giềng.

Căng thẳng gia tăng khi quân Mỹ bắt giữ 2 nhân viên an ninh Iran tại trụ sở của một tổ chức chính trị người Shiite lớn nhất Iraq ở Baghdad hồi tháng 12/2006 và tiếp đó là 6 quan chức khác của Iran tại một văn phòng liên lạc ở phía bắc Iraq. Những tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran càng cản trở việc "phá băng" mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Iran.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định có thể cả hai bên sẽ đánh giá cao cơ hội được đàm phán song phương bên lề hội nghị Baghdad. Đối với Iran, việc đối thoại trực tiếp với Mỹ có thể giúp họ bảo đảm các quyền lợi được chia sẻ tại Iraq, kể cả việc dập tắt bạo loạn người Sunni. Ngược lại, Mỹ cần sự ủng hộ của các nhóm chính trị liên minh với Iran để trấn áp quân nổi dậy Shiite.

Bom vẫn nổ

Ba quả bom đã phát nổ gần Bộ ngoại giao Iraq hôm nay, gây hư hại nhẹ đối với toà nhà tổ chức hội nghị an ninh Baghdad, nằm cách đó gần 50 mét.

Một quan chức an ninh cho biết, lúc xảy ra sự cố, các đại biểu đang dùng bữa trưa. Tuy nhiên, cuộc họp của họ đã không hề bị gián đoạn và vẫn tiếp tục như kế hoạch đã định.

Các phóng viên đứng đợi bên ngoài được phép vào bên trong toà nhà ẩn nấp sau hai vụ nổ đầu tiên. Hiện vẫn chưa có thông kế chính thức về con số thương vong, thiệt hại trong các vụ nổ này.

Trong khi đó, gần như đồng thời, một quả đạn cối rơi trúng một xe hơi chở đầy bom, gây nổ lớn ở gần một nhà hàng nằm cách khu người Shiite ở đông Baghdad 3km. Các nguồn tin khẳng định ít nhất 4 thường dân thiệt mạng và 10 nạn nhân khác bị thương.

  • Thanh Bình (Theo AP, BBC, AFP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,