Các phái viên Mỹ và Iran đã dùng các từ ngữ gay gắt và đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng ở Iraq, tại một hội nghị quốc tế hôm 10/3 ở Baghdad.
Các phái đoàn tham dự hội nghị tại Baghdad |
Thủ tướng Iraq
Nouri al-Maliki đã khai mạc hội nghị với lời kêu gọi các bên tham gia giúp đỡ để giải quyết tình trạng tuyệt vọng của nước ông và ngăn chặn xung đột bạo lực tại đây lan khắp Trung Đông. Tuy vậy, tại hội nghị này người ta lại thấy Mỹ và Iran có bất đồng lớn về bản chất của cuộc khủng hoảng và các biện pháp chấm dứt nó.Đại sứ Mỹ tại Iraq, Zalmay Khalilzad, chỉ nói rằng các quan chức Mỹ đã trực tiếp trao đổi quan điểm với phái đoàn Iran trong các cuộc đàm phán mang tính xây dựng. Ông coi việc Iran và Syria cam kết ủng hộ một Iraq ổn định, bao gồm việc hòa giải giữa các phe nhóm tại Iraq, là một dấu hiệu tốt. Ông Reza Amiri, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Iran, cũng nói rằng hội nghị này là tích cực bởi tất cả các bên đã hứa hẹn hợp tác với nhau và để kiểm soát biên giới
Tuy nhiên, Labid Abbawi, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Iraq, đã khẳng định một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa các phái viên Mỹ và Iran.
Trong suốt các cuộc đàm phán kéo dài một ngày, phái viên Mỹ David Satterfield đã chỉ vào cặp tài liệu của ông và nói rằng nó chứa các tài liệu chứng tỏ Iran đang vũ trang cho các dân quân Hồi giáo Shiite tại Iraq. Trưởng đoàn đàm phán của Iran, Abbas Araghchi, đáp lại: ''Những lời cáo buộc này chỉ là vỏ bọc cho các thất bại của các ngài tại Iraq''.
Trước các cuộc đàm phán, các quan chức Mỹ cho biết hội nghị tại Baghdad sẽ cho phép các bên bày tỏ thẳng thắn lập trường của họ và mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo để giải quyết cuộc khủng hoảng Iraq. Các bên tham gia gồm tất cả các nước láng giềng của Iraq - Iran, Syria, Jordan, Ảrập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Kuwait - cũng như Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Bahrain, Ai Cập, LHQ, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Liên đoàn Ảrập.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông Araghchi đã lặp lại các yêu cầu của Tehran về một thời gian biểu rõ ràng cho việc rút các lực lượng do Mỹ đứng đầu. Ông cho rằng chính các lực lượng này đã làm cho Iraq trở thành nơi thu hút các phần tử cực đoan trong thế giới Hồi giáo. ''Bạo lực ở Iraq không có lợi cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. An ninh của Iraq là an ninh của chúng ta và ổn định tại Iraq là cần thiết cho hòa bình và an ninh trong khu vực'', ông nói.
Các đoàn đại biểu đã đề xuất một cuộc họp mở rộng tiếp theo, có thể gồm các nước G-8 và các quốc gia khác, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng tới. Tuy nhiên, các quan chức Iraq cho biết họ muốn cuộc họp diễn ra ở Baghdad.
Hội nghị diễn ra khi chính quyền Mỹ gia tăng sức ép tại LHQ về chương trình hạt nhân của Iran. Iran ngày càng lo ngại Mỹ sắp tấn công nước này mặc dù Mỹ khăng khăng điều ngược lại.
-
Minh Sơn (Theo AP)