Sáu cường quốc thế giới đã không đạt được sự đồng thuận trong một lệnh trừng phạt mới với Iran giữa lúc có những thông tin rằng, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad muốn đưa chương trình hạt nhân của Tehran ra trước Hội đồng Bảo an.
Tuyên bố bất ngờ về việc ông Ahmadinejad có ý định bay tới New York đến đúng lúc xảy ra tranh cãi gay gắt giữa năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng với Đức xung quanh vấn đề tăng cường các biện pháp buộc Iran dừng chương trình làm giàu uranium.
Đại sứ Nam Phi tại LHQ - nước gần đây nắm giữ ghế chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an - Dumisani Kumalo nói, Ahmadinejad chưa đưa ra đề nghị chính thức về việc trình bày trước hội đồng nhưng cũng nhấn mạnh, ''nếu ông làm vậy, rất khó từ chối trao cho ông cơ hội ấy''. Ông Kumalo cho biết, sẽ ''để ngỏ khả năng tham vấn'' các thành viên khác trong hội đồng về lịch trình xuất hiện của lãnh đạo Tehran. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu họ nói không muốn nghe ông Ahmadinejad''.
Hiện chưa rõ sự xuất hiện của ông Ahmadinejad trước Hội đồng Bảo an có ảnh hưởng tới nội dung hay sự bỏ phiếu về một nghị quyết mới của LHQ hay không.
Hôm qua (11/3), Truyền hình Iran dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Gholam Hossein Elham rằng, ông Ahmadinejad "có ý định tham dự một cuộc gặp của Hội đồng Bảo an bàn về chương trình hạt nhân Iran để bảo vệ quyền của nước này trong việc phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình''.
Tuyên bố đưa ra vài giờ trước khi đại sứ sáu nước gặp gỡ lần thứ năm trong vòng một tuần để thảo luận nghị quyết mới.
Vào tháng 12, Hội đồng Bảo an đã thông qua lệnh trừng phạt hạn chế với Iran khi nước này từ chối ngừng chương trình làm giàu uranium. Theo đó, tất cả các nước không được cung cấp cho Iran vật chất và công nghệ đóng góp cho chương trình tên lửa và hạt nhân, đồng thời phong tỏa tài khoản của 10 công ty và 12 cá nhân Iran liên quan đến những chương trình này.
Hội đồng Bảo an cảnh báo sẽ thông qua các biện pháp cấm vận phi quân sự xa hơn nếu Tehran không tuân thủ. Hiện nay, sáu nước đang cố gắng thảo luận về một nghị quyết mới bao gồm lệnh cấm đi lại, cấm vận vũ khí, hạn chế thương mại và mở rộng danh sách cá nhân, công ty bị phong tỏa tài khoản.
Sau cuộc họp kéo dài hơn một giờ hôm qua, các bên vẫn không đi tới thống nhất. Mỹ và châu Âu muốn trừng phạt cứng rắn hơn so với Nga và Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc Vương Quang Á cho hay, quan điểm cơ bản của sáu nước là tương đồng ''nên tôi cảm thấy giờ đã tới lúc chúng ta có thêm một vòng đàm phán nữa trước khi có thể gặp lại''. Theo ông, cần ''ít nhất hai ngày'' trước khi các thành viên thường trực có một bản nghị quyết dự thảo để chuyển tới 10 thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Sau đó, Hội đồng đầy đủ sẽ cần thời gian để xem xét dự thảo trước khi bỏ phiếu.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói, các cuộc đàm phán ''tiến triển chậm''. Khi được hỏi liệu sáu nước đã đến gần một thỏa thuận hay chưa, ông cho biết: ''Có thể là rất ít, từng bước một''.
Còn quyền đại sứ Mỹ Alejandro Wolff thì đánh giá, cuộc họp hôm qua ''thực sự khó khăn''. ''Tất cả các bên vẫn còn một số cách nhìn cứng rắn, tôi hy vọng chúng tôi có thể vượt qua những khác biệt tồn tại''. Đại sứ Pháp Jean-Marc de La Sabliere nói, các cuộc đàm phán vẫn ''diễn ra theo chiều hướng đúng đắn''.
Trung Quốc vẫn phản đối đề xuất cắt giảm các khoản bảo đảm cho vay với những công ty kinh doanh tại Iran, một biện pháp trừng phạt mà Mỹ theo đuổi. Có ít tranh cãi xung quanh đề xuất cấm xuất khẩu vũ khí cho Iran, mặc dù Trung Quốc muốn cần định nghĩa rõ ràng lệnh cấm này.
Với Tổng thống Ahmadinejad, Hội đồng Bảo an sẽ phải xem xét các yêu cầu đệ trình của ông nhưng hầu như là tán thành. "Tôi nghĩ, bất kể các thành viên nào cũng có thể có quyền tới Hội đồng Bảo an nếu họ muốn'', ông Vương Quang Á nói. Còn quyền Đại sứ Mỹ Wolff thì nhấn mạnh, ông mới biết thông tin và sẽ chờ một lời đề xuất chính thức.
-
Kỳ Thư (Theo AP)